Từ ngày 20/1 đến 6/2/2025, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long- Hà Nội tổ chức chuỗi hoạt động Tết.
Các hoạt động sẽ cho khán giả thấy những nghi lễ Tết tiêu biểu của cung đình cũng như những phong tục Tết dân gian truyền thống của Thăng Long- Đông Đô- Hà Nội.
Cụ thể, điểm nhấn trong không gian Tết truyền thống là không gian trưng bày Tết xưa- Tết thời bao cấp tại 19C Hoàng Diệu, từ ngày 20/1.
Ngược dòng thời gian trở về Tết xưa- Tết thời bao cấp của thập kỷ 1970, 1980, du khách cùng sống lại một giai đoạn lịch sử đặc biệt của đất nước. “Tết thời bao cấp” được tái hiện qua 3 không gian trưng bày: Gian hàng Mậu dịch quốc doanh, Gian hàng Tranh- hoa- pháo Tết và Không gian thờ cúng.
Không gian trưng bày làm nổi bật đời sống vật chất, tinh thần và văn hóa tâm linh của người dân Hà Nội cách đây nửa thế kỷ. Công chúng sẽ được xem lại hình ảnh người đứng xếp hàng chờ mua hàng Tết bằng tem phiếu; những túi hàng Tết thời bao cấp... Cùng với đó là phong tục dọn dẹp nhà cửa, thú chơi hoa Tết, gói bánh chưng, bao sái bàn thờ, chuẩn bị đồ lễ cúng ông Công ông Táo, cúng giao thừa, cúng tổ tiên, chúc Tết, du Xuân... vẫn được nhân dân gìn giữ, tiếp nối.
Một hoạt động đáng chú ý nữa là trưng bày Nghi lễ Tết cung đình ngày Xuân diễn ra tại khu nhà N14. Trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê sơ, Lê Trung hưng đã hình thành nên hệ thống nghi lễ Tết cung đình mùa Xuân: Lễ cúng Táo quân, Lễ Tiến lịch, Lễ Tiến Xuân ngưu (rước trâu đất và thần Câu mang), Lễ Phất thức (lau rửa và niêm phong ấn), Lễ Cáp hưởng (mời các vị tiên đế về ăn Tết), Lễ Thướng tiêu (dựng cây nêu), Lễ Trừ tịch (cúng giao thừa), Lễ tế tổ tiên, Lễ Chính đán, Lễ Chúc thọ nhà vua, Lễ Tế giao (tế trời), Lễ Khai hạ (hạ cây nêu), Kễ Khai ấn (mở ấn)...
Trong đó, có 3 nghi lễ đặc biệt quan trọng là Lễ Tiến lịch, Lễ Tiến Xuân ngưu và Lễ Cchính đán. Cả 3 nghi lễ đều được trưng bày thông qua hình thức giới thiệu tư liệu, diễn giải bằng tranh vẽ phỏng dựng và hiện vật mô hình, giúp du khách có thể hình dung ra được phần nào đời sống chính trị, văn hóa, lịch sử quá khứ vàng son hoàng cung xưa kia.
Hoạt động giới thiệu và trình diễn tái hiện nghi lễ Tống cựu nghinh tân diễn ra tại Khu Di sản Hoàng thành Thăng Long- Hà Nội được tổ chức ngày 23 tháng Chạp năm Giáp Thìn ( tức ngày 22/1). Chương trình thể nghiệm những lễ nghi trong dịp Tết Nguyên đán đã từng diễn ra trong Cung đình Thăng Long xưa, thể hiện mong muốn hưng thịnh cho quốc gia, sự bình an no ấm cho nhân dân.
Tống cựu nghinh tân nghĩa là tiễn năm cũ đón năm mới. Nhiều nghi lễ truyền thống, thiêng liêng trong Tết Cung đình xưa cũng được tái hiện sinh động: lễ Tiến lịch, nghi lễ Thả cá Chép Tiễn Ông Công Ông Táo về trời, Lễ Dựng nêu, Lễ Đổi gác.
Năm Ất Tỵ 2025, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long- Hà Nội phối hợp các đơn vị thực hiện nghi lễ Tiến Lịch dưới hình thức sân khấu hóa với các nghi thức cung đình thuở xưa.
Sau một thời gian tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin và tài liệu lịch sử còn lưu lại, dựa trên việc sưu tầm, nghiên cứu nhiều nguồn tư liệu khác nhau, nhân dịp đón năm mới Ất Tỵ, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long- Hà Nội giới thiệu màn tái hiện nghi thức đổi gác mang tính phỏng dựng và có yếu tố sáng tạo.
Bên cạnh đó, Lễ dâng hương khai Xuân được tổ chức thường niên tại Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long Hà Nội vào mùng 9 tháng Giêng với ý nghĩa hướng về cội nguồn tiên tổ, tri ân công đức các bậc tiên đế, các đức vua anh minh, các bậc hiền tài có công với nước, đồng thời tôn vinh các giá trị truyền thống của Thăng Long- Hà Nội.
Cũng trong dịp Tết Ất Tỵ 2025, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long- Hà Nội tổ chức các chương trình múa rối đặc sắc phục vụ du khách ngày mồng 2, mồng 3, mồng 4 và mồng 5 Tết.
Anh Minh