Bộ Tài chính Mỹ vừa công bố báo cáo cho biết thâm hụt ngân sách của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng lên mức kỷ lục trong quý từ tháng 10 đến 12/2024, chủ yếu là do chi tiêu tăng trong khi nguồn thu từ thuế giảm.
Báo cáo chỉ ra thâm hụt ngân sách trong 3 tháng đầu tiên của năm tài chính Mỹ (từ tháng 10/2024) là 711 tỷ USD, tăng 39% so với mức 510 tỷ USD của cùng kỳ năm trước đó. Trong khi nguồn thu giảm nhẹ thì chi tiêu tăng tới 11%. Theo một quan chức Bộ Tài chính Mỹ, tổng chi tiêu trong quý lên tới 1.800 tỷ USD.
Trong các khoản chi, chi tiêu cho Medicare và Medicaid, và chi tiêu cho các chương trình quốc phòng, chủ yếu cho các hoạt động và bảo trì đều tăng. Chi tiêu của Bộ Tài chính Mỹ cũng tăng thêm 33 tỷ USD do lãi suất trái phiếu chính phủ tăng, dẫn đến chi phí phục vụ nợ công cao hơn.
Chi tiêu cho Bộ An ninh Nội địa cũng gia tăng, chủ yếu do hoạt động khắc phục hậu quả của các cơn bão vào cuối năm 2024.
Báo cáo ngân sách mới nhất được công bố trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Donald Trump, dự kiến nhậm chức vào ngày 19/1, cam kết cắt giảm chi tiêu của liên bang.
Trước đó, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố báo cáo ghi nhận mức thâm hụt ngân sách của nước này đã lên đến 1.833 tỷ USD trong năm tài chính 2024, tăng so với mức thâm hụt của năm 2023 (1.695 tỷ USD) do chi tiêu nhiều hơn, trong đó có việc trả lãi cho nợ công.
Theo báo cáo, trong năm tài chính 2024 được tính từ ngày 1/10/2023 đến 30/9/2024, tổng mức thâm hụt của Mỹ đã tăng thêm 138 tỷ USD, đánh dấu mức thâm hụt cao thứ 3 trong lịch sử nước này chỉ sau năm 2021 và năm 2020. Tuy vậy, con số này thấp hơn 76 tỷ USD so với ước tính được công bố hồi tháng 3. Tính theo phần trăm Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), mức thâm hụt ngân sách của Mỹ là 6,4%, cao hơn so với con số 6,2% của năm tài chính 2023.
Trong khi đó, sự gia tăng nguồn thu ngân sách trong năm tài chính vừa qua chủ yếu là do thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp được tăng thêm, cùng với một số lĩnh vực khác.
Báo cáo cho biết thêm, trả lãi cho nợ công của Mỹ đã tăng gần 30%, phần lớn là do lãi suất cao hơn.
Năm ngoái, nợ công của Mỹ đã tương đương 123% tổng sản phẩm trong nước (GDP), so với mức chỉ 46% vào năm 1992 và là mức lớn nhất kể từ thời Thế chiến 2. Đây được xem là một mức nợ không bền vững và khả năng chính phủ Mỹ vỡ nợ đã được giới đầu tư toàn cầu tính đến trong những năm gần đây, khi thế bế tắc chính trị ở Washington xung quanh vấn đề chi tiêu đã khiến cuộc khủng hoảng trần nợ tái diễn mỗi năm.
Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024, cả hai ứng cử viên là ông Donald Trump của Đảng Cộng hòa và bà Kamala Harris của đảng Dân chủ đều không đưa ra một kế hoạch nào cho việc giảm thâm hụt ngân sách và giảm nợ. Việc ông Trump tái đắc cử được cho là sẽ dẫn tới việc nợ công và thâm hụt ngân sách của Mỹ tăng mạnh hơn, vì ông chủ trương cắt giảm thuế và chi tiêu mạnh tay.
Các chuyên gia phân tích cho rằng tình trạng mất cân đối chi tiêu của chính phủ Mỹ sẽ không dễ khắc phục sớm. Từ năm 1787 đến năm 2008, nợ công của Mỹ tăng thêm 10 nghìn tỷ USD. Nhưng chỉ trong 16 năm sau đó, số nợ đã tăng thêm 25 nghìn tỷ USD. Hiện nay, khối nợ công của Mỹ tăng thêm khoảng 6,6 tỷ USD mỗi ngày.
Ngọc Tuấn