Theo báo cáo về tình hình lao động, việc làm quý III và 9 tháng năm 2024 cho thấy, cả nước có 1,05 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp. Tuy nhiên, tỷ lệ này có giảm so với quý trước và thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái…
Thống kê của Tổng cục Thống kê cho thấy, thị trường lao động Việt Nam trong quý III không gặp nhiều biến động do hậu quả của thiên tai và những bất ổn trên thị trường thế giới. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi quý III năm nay thấp hơn so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III khoảng 2,24%- giảm so với Quý trước và cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của khu vực thành thị tiếp tục duy trì dưới mức 3%. Điều này có được nhờ số DN gia nhập thị trường tiếp tục cao hơn số DN rút lui và tình hình xuất nhập khẩu khởi sắc, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp cả nước trong Quý này. Cùng với đó, có tác động từ sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước. Nhiều chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được triển khai hiệu quả thúc đẩy hoạt động thương mại, vận tải, du lịch.
Như vậy, tình hình thất nghiệp 9 tháng năm nay ở Việt Nam cải thiện hơn so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên vẫn dao động quanh mức 2,2% như thời kỳ trước dịch Covid-19 xuất hiện. Mặc dù tỷ lệ này vẫn còn khá cao, song có thể thấy, trong bối cảnh tình hình kinh tế- xã hội quý III và 9 tháng của nước ta duy trì xu hướng tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng, tốt hơn so với cùng kỳ năm trước trên nhiều lĩnh vực; cùng với đó là nhu cầu tuyển dụng tăng cao là động lực góp phần cải thiện thị trường lao động hiện nay.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, so với quý trước, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) giảm nhưng tỷ lệ thanh niên không có việc làm, không tham gia học tập hoặc đào tạo lại tăng. Theo Báo cáo Xu hướng việc làm toàn cầu cho thanh niên năm 2024 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên toàn cầu năm 2023 là 13% và dự kiến sẽ giảm xuống mức 12,8% trong năm 2024 và 2025.
Tại Việt Nam, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 15- 24 tuổi trong quý III năm nay ở mức 7,75%, thấp hơn so với mức trung bình của toàn cầu nhưng vẫn duy trì mức cao. So với quý trước và cùng kỳ năm trước, tỷ lệ này giảm tương ứng là 0,26 điểm phần trăm và 0,11 điểm phần trăm. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 8,33%, cao hơn 0,89 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn. So với quý trước, tỷ lệ này tăng ở khu vực nông thôn (tăng 0,58 điểm phần trăm) và giảm ở khu vực thành thị (giảm 1,86 điểm phần trăm). Bên cạnh đó, trong quý III, cả nước vẫn có khoảng 1,4 triệu thanh niên từ 15- 24 tuổi không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo (chiếm 10,7% tổng số thanh niên), tăng 75,3 nghìn người so với quý trước và giảm 156,3 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Quý III thường là giai đoạn mà tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo tăng lên do đây là thời điểm nhiều thanh niên vừa tốt nghiệp từ các trường Đại học, Cao đẳng hoặc trung cấp, đang trong quá trình chuyển đổi từ môi trường giáo dục sang thị trường lao động. Tỷ lệ này ở khu vực nông thôn cao hơn khu vực thành thị, 12,5% so với 7,9% và ở nữ thanh niên cao hơn so với nam thanh niên, 12,2% so với 9,4%.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, tình trạng thất nghiệp của thanh niên, nhất là ở nhóm tuổi từ 15- 24 tuổi vẫn tiếp tục là thách thức đối với thị trường lao động Việt Nam. Vì vậy, việc định hướng và phân luồng thanh niên cần được chú trọng và triển khai hiệu quả hơn. Đồng thời, cần tăng cường sự liên kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp sinh viên sau khi ra trường có nhiều cơ hội làm đúng ngành nghề, từ đó tối ưu hóa nguồn nhân lực và góp phần quan trọng vào việc cân bằng cung- cầu lao động.
Nguyệt Hà