Phát biểu tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các DN lớn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các DN phát huy 6 tiên phong; đồng thời khẳng định, Chính phủ cam kết luôn đồng hành, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của DN trong bất cứ hoàn cảnh nào, luôn lắng nghe, chia sẻ với các khó khăn, vướng mắc với tinh thần “tháo gỡ cho DN là góp phần tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, DN phát triển là đất nước phát triển”.
Sáng 21/9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp (DN) lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Cùng tham dự Hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các DN: Vin Group, Hòa Phát, Thaco, KN Holdings, Sun Group, T&T, Geleximco, Thủy sản Minh Phú, Masan, Sovico, TH, Cơ điện lạnh (REE).
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng ý với nội dung báo cáo của Bộ KH-ĐT, cũng như các ý kiến phát biểu của các đại biểu. Đồng thời, giao Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ KH-ĐT nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến, khẩn trương hoàn thiện, trình ban hành Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ trên tinh thần tiếp thu, tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho các khu vực kinh tế tư nhân, các DN tiếp tục phát triển, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của đất nước.
Thủ tướng cũng chia sẻ với những khó khăn của cộng đồng DN trong những năm qua, do nhiều yếu tố chưa có tiền lệ như: Đại dịch COVID-19, chiến tranh, cạnh tranh chiến lược, đứt gãy chuỗi cung ứng. Đặc biệt, Thủ tướng ghi nhận và cảm ơn các DN đã luôn đồng hành cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân góp phần khắc phục khó khăn, thách thức, xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng hạnh phúc, ấm no. "Chúng tôi rất tin tưởng, tự hào vào sự trưởng thành lớn mạnh của cộng đồng DN Việt Nam, trong đó có các DN tham dự Hội nghị"- Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng khẳng định, Chính phủ cam kết luôn đồng hành, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của DN trong bất cứ hoàn cảnh nào; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế; nghiên cứu, bãi bỏ các giấy phép con, xóa bỏ môi trường tạo sách nhiễu, phiền hà, làm tăng chi phí tuân thủ cho DN; luôn lắng nghe, chia sẻ với các khó khăn, vướng mắc và chung tay cùng tháo gỡ để cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức, nhất là trong việc xây dựng và hoàn thiện thể chế để DN hoạt động thuận lợi theo pháp luật, yên tâm sản xuất kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Nhân dịp này, Thủ tướng cũng đề nghị các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Trưởng ngành trực tiếp lắng nghe, giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc của DN theo chức năng, thẩm quyền được giao, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng. "Tháo gỡ cho DN là góp phần tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế đất nước, DN phát triển là đất nước phát triển, tinh thần là vướng ở đâu thì ở đó phải tháo gỡ, mắc ở đâu thì ở đó phải tháo gỡ, không đùn đẩy, không né tránh, không gây phiền hà, sách nhiễu"- Thủ tướng nhấn mạnh.
Khẳng định các cơ quan tiếp tục lắng nghe ý kiến DN để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hơn nữa theo đúng tinh thần Hội nghị Trung ương 10 và chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", Thủ tướng đề nghị các DN hoạt động theo đúng quy định pháp luật, góp phần đắc lực, hiệu quả trong xây dựng và hoàn thiện thể chế, nhất là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, quản lý và thúc đẩy sự phát triển của DN.
Thủ tướng cũng nêu rõ quan điểm xác định người dân và DN là trung tâm, chủ thể trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật; thể chế không chỉ quản lý hiệu quả mà còn kiến tạo phát triển. Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị các DN phát huy 6 tiên phong.
Thứ nhất, tiên phong thúc đẩy, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tập trung vào các động lực tăng trưởng truyền thống và các động lực tăng trưởng mới, ứng phó biến đổi khí hậu.
Thứ hai, tiên phong tham gia các chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần xây dựng thương hiệu DN và quốc gia.
Thứ ba, tiên phong tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thứ tư, tiên phong phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng số, hạ tầng giao thông, hạ tầng văn hóa, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh.
Thứ năm, tiên phong góp phần đào tạo nhân lực chất lượng cao, cải cách TTHC và nâng cao năng lực quản trị thông minh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Thứ sáu, tiên phong trong đoàn kết, thống nhất, hỗ trợ lẫn nhau, cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng phát triển DN và phát triển đất nước.
Trước các góp ý, kiến nghị của DN, Thủ tướng giao các bộ, ngành lắng nghe, tiếp thu và phải giải quyết trên tinh thần đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", hài hòa lợi ích giữa người dân, DN và Nhà nước. Trên cơ sở các đề xuất, các cơ quan sẽ nghiên cứu, giao nhiệm vụ, đặt hàng các DN để thực hiện, cũng như cùng các DN giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tổ chức thực hiện "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ kết quả".
Ngoài ra, Thủ tướng cũng giao các bộ, ngành tổ chức các hội nghị chuyên đề với DN theo các lĩnh vực về tài nguyên và môi trường, giao thông vận tải, thuế, đầu tư… theo tinh thần "đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải có sản phẩm, kết quả cụ thể, cân đong đo đếm được".
PV