Theo Luật Giáo dục 2019, giáo dục nghề nghiệp nhằm đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, có năng lực hành nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ Trung cấp, trình độ Cao đẳng và chương trình đào tạo nghề nghiệp khác cho người học, đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ.
Cụ thể, Điều 36 Luật Giáo dục 2019 quy định tương ứng với trình độ đào tạo; có đạo đức, sức khỏe; có trách nhiệm nghề nghiệp; có khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường hội nhập quốc tế; bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng lao động; tạo điều kiện cho người học sau khi hoàn thành khóa học có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc học trình độ cao hơn.
Cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao gồm: Trung tâm giáo dục nghề nghiệp; Trường Trung cấp; Trường Cao đẳng; được tổ chức theo các loại hình cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập (cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước, do Nhà nước đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất); cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục là cơ sở giáo dục nghề nghiệp (thuộc sở hữu của các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế tư nhân hoặc cá nhân, do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội- nghề nghiệp, tổ chức kinh tế tư nhân hoặc cá nhân đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất); cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (gồm cơ sở giáo dục nghề nghiệp 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài, cơ sở giáo dục nghề nghiệp liên doanh giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài).
Theo Thông tư 10/2024/TT-BLĐTBXH sửa đổi Thông tư 07/2023/TT-BLĐTBXH quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; xếp lương, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, từ ngày 10/12/2024, viên chức được xếp lương vào các chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp quy định tại Thông tư 07/2023/TT-BLĐTBXH được áp dụng bảng lương tương ứng ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Theo đó:
Giảng viên giáo dục nghề nghiệp cao cấp (hạng I)- Mã số: V.09.02.01, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3 nhóm 1 (A3.1) từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00.
Giảng viên giáo dục nghề nghiệp chính (hạng II)- Mã số: V.09.02.02, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2 nhóm 1 (A2.1) từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78.
Giảng viên giáo dục nghề nghiệp lý thuyết (hạng III)- Mã số: V.09.02.03, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.
Giảng viên giáo dục nghề nghiệp thực hành (hạng III)- Mã số: V.09.02.04, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A0 từ hệ số lương 2,10 đến hệ số lương 4,89.
Giáo viên giáo dục nghề nghiệp cao cấp (hạng I)- Mã số: V.09.02.05, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3 nhóm 2 (A3.2), từ hệ số lương 5,75 đến hệ số lương 7,55.
Giáo viên giáo dục nghề nghiệp chính (hạng II)- Mã số: V.09.02.06, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2 nhóm 1 (A2.1) từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78.
Giáo viên giáo dục nghề nghiệp lý thuyết (hạng III)- Mã số: V.09.02.07, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.
Giáo viên giáo dục nghề nghiệp thực hành (hạng III)- Mã số: V.09.02.08, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A0 từ hệ số lương 2,10 đến hệ số lương 4,89.
Giáo viên giáo dục nghề nghiệp (hạng IV)- Mã số: V.09.02.09, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại B từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06.
Lưu ý, hệ số lương theo quy định nêu trên sẽ được thay thế, áp dụng theo văn bản hướng dẫn của cấp có thẩm quyền quy định về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang thay thế cho Nghị định 204/2004/NĐ-CP.
Tùng Anh