Trẻ em trên toàn cầu đối mặt với tương lai đầy thách thức vào năm 2050 trong một thế giới biến động bởi các cuộc khủng hoảng bao gồm khí hậu cực đoan, nhân khẩu học thay đổi và quá trình chuyển đổi công nghệ nhanh chóng.
Trên đây là lời cảnh báo được Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đưa ra trong báo cáo thường niên công bố hôm 19/11. Quỹ này nhấn mạnh, nếu không áp dụng các biện pháp khẩn cấp để bảo vệ quyền trẻ em trên toàn cầu thì tương lai của các em sẽ 'bị đe dọa'.
Báo cáo năm nay của UNICEF có tựa đề Tình hình Trẻ em Thế giới năm 2024: Tương lai của Trẻ em trong một Thế giới đang thay đổi. Nêu tên 3 yếu tố lớn, còn gọi là xu hướng lớn tác động đến cuộc sống của trẻ vào năm 2050, đó là sự thay đổi nhân khẩu học, khủng hoảng khí hậu- môi trường, và công nghệ đột phá, Quỹ đưa ra những chỉ báo chính về những thách thức và cơ hội mà trẻ em có thể phải đối mặt trong tương lai.
Đối với mối đe dọa về thay đổi nhân khẩu học, báo cáo cho biết, số trẻ em trong năm 2050 dự báo vẫn tương tự mức hiện tại là 2,3 tỷ nhưng sẽ chiếm một phần nhỏ hơn trong tổng dân số toàn cầu khoảng 10 tỷ. Mặc dù tỷ lệ nhìn chung sẽ giảm ở tất cả các khu vực, trẻ em ở một số nơi nghèo nhất, đặc biệt là ở châu Phi cận Sahara, vẫn có thể tăng mạnh và đây là yếu tố có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhờ sức lao động dồi dào. Tuy nhiên, UNICEF cho rằng điều đó chỉ có thể xảy ra khi thế hệ trẻ mới được tiếp cận với nền giáo dục, chăm sóc sức khỏe và việc làm chất lượng.
Ở một số quốc gia phát triển, trẻ em có thể chiếm chưa đến 10% dân số vào năm 2050, làm dấy lên lo ngại về sự hiện diện và quyền của trẻ em ở nơi phải tập trung nguồn lực để chăm sóc bộ phận dân số già.
Mối đe dọa thứ hai là biến đổi khí hậu. Thực tế khủng hoảng khí hậu hiện nay đã trở nên rất nghiêm trọng, với 2023 là năm nóng nhất từng được ghi nhận. Báo cáo nhận định, nếu xu hướng phát thải khí nhà kính tiếp tục gia tăng như hiện nay, thì đến thập niên 2050, khủng hoảng khí hậu và môi trường dự kiến sẽ lan rộng hơn nữa, với số trẻ phải trải qua nắng nóng khắc nghiệt nhiều gấp 8 lần, số trẻ em phải hứng lũ lụt cực đoan nhiều gấp 3 lần và số trẻ em phải chịu cảnh cháy rừng cực đoan gấp gần 2 lần so với những năm 2000.
Thứ ba, yếu tố đổi mới công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, mang lại nhiều triển vọng nhưng đồng thời dẫn đến không ít nguy cơ cho trẻ. Những đối tượng tương tác với AI được nhúng trong các ứng dụng, đồ chơi, trợ lý ảo, trò chơi và phần mềm học tập. Sự phát triển nhanh như vũ bão của công nghệ còn có nguy cơ nới rộng bất bình đẳng giữa các quốc gia đang phát triển và phát triển. Năm 2024, hơn 95% dân số ở các quốc gia có thu nhập cao được kết nối với internet, trong khi ở các quốc gia thu nhập thấp, con số này chưa đến 26%.
Vì vậy, UNICEF cho rằng việc không xóa bỏ rào cản đối với trẻ em ở những quốc gia đang phát triển, đặc biệt là những trẻ sống trong các hộ gia đình nghèo nhất, đồng nghĩa với việc thế hệ trẻ em này có thể sẽ chịu thiệt thòi và tụt hậu hơn nữa. Mặt khác, việc kết nối Internet cũng đi kèm với rủi ro. Sự phát triển không kiểm soát của các loại hình công nghệ mới đặt ra mối đe dọa đối với trẻ em và dữ liệu cá nhân của các em, khiến các em dễ trở thành nạn nhân của các cuộc tấn công trên mạng, gây sang chấn tâm lý, trầm cảm, tự gây tổn thương, hủy hoại bản thân...
"Trẻ em đang trải qua vô số cuộc khủng hoảng, từ cú sốc khí hậu đến những mối nguy hiểm trực tuyến, và tình hình này sẽ ngày càng gia tăng trong những năm tới", Giám đốc điều hành UNICEF Catherine Russell nói. "Những dự báo được đưa ra trong báo cáo chứng tỏ những quyết định mà các nhà lãnh đạo thế giới đưa ra ngày hôm nay, hoặc không đưa ra sẽ định hình thế giới mà trẻ em sẽ thừa hưởng. Việc tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn vào năm 2050 không chỉ đòi hỏi trí tưởng tượng mà còn đòi hỏi hành động. Nhiều thập niên tiến bộ, đặc biệt là đối với trẻ em gái, đang bị đe dọa".
Ngọc Tuấn