Giồng Riềng là huyện thuần nông của tỉnh Kiên Giang, do nằm lọt thỏm trong tiểu vùng Tây sông Hậu, với dân số hơn 225 nghìn người. Trong lĩnh vực BHXH, BHYT, Giồng Riềng là địa phương hàm chứa khá nhiều nỗ lực, tâm huyết của những người trực tiếp dệt lưới an sinh và cấp ủy, chính quyền nơi đây.
Trong những ngày đầu tháng 10 này, PV Tạp chí BHXH đã có dịp tận mục sở thị đời sống thuần nông của bà con Giồng Riềng, nơi được xem là một trong những vựa lúa chính của tỉnh Kiên Giang. Chia sẻ về kết quả dệt lưới an sinh trên địa bàn, anh Lê Hữu Mạnh- Giám đốc BHXH huyện cho biết, so với kế hoạch cả năm, thì chỉ tiêu BHYT đã đạt 93,6%, BHXH bắt buộc đạt 91,95% và BHXH tự nguyện đạt gần 53%...
“Bà con ở đây chỉ dựa vào mùa màng thôi. Phần đông người trẻ đi xứ khác kiếm kế mưu sinh, có người ra tận nước ngoài làm ăn… Cho nên, kết quả dệt lưới an sinh dù chưa được như mong muốn, song đó là nỗ lực rất lớn của BHXH huyện và hệ thống chính trị trên địa bàn”- anh Mạnh trải lòng. Được biết, thu nhập bình quân đầu người ở Giồng Riềng dao động trên dưới 71 triệu đồng, thấp hơn mức thu nhập bình quân chung của tỉnh. Còn thu ngân sách hằng năm ở Giồng Riềng tới nay chưa quá 90 tỷ đồng.
Chia sẻ thêm về kết quả của Giồng Riềng, anh Huỳnh Quốc Việt- Phó Giám đốc BHXH tỉnh Kiên Giang cho biết, số DN ở Giồng Riềng có đặc thù “ít trong ít” (ít số DN, ít số NLĐ). Tuy nhiên, theo anh Việt, do dân số đông, nên số thu BHXH, BHYT ở địa phương này lại không ít (hơn 250 tỷ đồng/năm). Đáng chú ý, cũng với đặc thù dân số đông, nên số chi BHXH, BHYT của địa phương này cũng vào khoảng 200 tỷ đồng/năm. Trong khi đó, BHXH huyện Giồng Riềng chỉ có vỏn vẹn 13 nhân sự, nên vấn đề tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT ở đây không dễ dàng gì.
Chính vì thế, nhiều năm qua, CBVC BHXH huyện Giồng Riềng đã kiên trì "băng đồng lội ruộng" để lan tỏa an sinh tới bà con. “Tới nay, chúng tôi tin rằng, bà con nào cũng rành chính sách BHYT cả, còn chính sách BHXH tự nguyện thì cần thêm thời gian. Mới nói, ở Giồng Riềng người chưa có thẻ BHYT chỉ là thu nhập ít ỏi quá không thu xếp được thôi, chớ biết và cần thẻ BHYT thì ai ở Giồng Riềng cũng biết, cũng cần...”- chị Đặng Bảo Ngọc- Phó Giám đốc BHXH huyện lý giải thêm.
Cũng bởi vậy, cả 3 nhân sự chủ chốt của BHXH huyện là anh Mạnh, anh Việt và chị Ngọc đều cháy lên ước mơ lớn: Kinh tế Giồng Riềng trở mình phát triển hơn nữa, để lưới an sinh có điều kiện thuận lợi phủ khắp vùng đất này. Bởi, chỉ khi kinh tế huyện nhà phát triển mạnh hơn nữa, thì bà con Giồng Riềng mới có thêm thu nhập để cải thiện chất lượng cuộc sống, trong đó có việc tham gia BHXH tự nguyện, BHYT. “Chúng tôi mong lắm huyện nhà sớm có thêm DN để con em Giồng Riềng khỏi phải đi xa mưu sinh kiếm sống như hiện nay...”- anh Lê Hữu Mạnh trải lòng.
Được biết, chính quyền huyện Giồng Riềng đã kêu gọi đầu tư hình thành CCN Long Thạnh. Đây được xem là điểm nhấn trong nỗ lực chuyển hướng phát triển kinh tế-xã hội. Dù kết quả đạt được chưa như mong muốn, nhưng hy vọng trong thời gian tới, ước muốn lớn của chính quyền Giồng Riềng và những người tham gia dệt lưới an sinh nơi đây sẽ sớm trở thành hiện thực, để lưới an sinh của một trong những địa phương khó khăn nhất tỉnh Kiên Giang thêm đầy đặn.
Thanh Giang