Trong suốt bốn thập kỷ qua, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương đã không ngừng đổi mới và phát triển, khẳng định vai trò tiên phong trong lĩnh vực huyết học và truyền máu tại Việt Nam. Những nỗ lực không mệt mỏi đã giúp Viện trở thành địa chỉ tin cậy của hàng triệu bệnh nhân trên cả nước, nơi tạo nên những thành tựu y học vượt bậc và mang lại hy vọng sống cho nhiều người.
Chiều ngày 24/12/2024, Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Thành lập Viện (31/12/1984-31/12/2024). Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Hà Thanh- Viện trưởng Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương cho biết: Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương được thành lập ngày 31/12/1984 theo Quyết định số 1531/BYT-QĐ của Bộ Y tế trên cơ sở sáp nhập hai đơn vị là: khoa Huyết học- Truyền máu và phòng Bệnh máu C5; với tên gọi ban đầu là Viện Huyết học và Truyền máu, thuộc Bệnh viện Bạch Mai. Đến ngày 8/3/2004, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương, trực thuộc Bộ Y tế.
Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Thành lập Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương (31/12/1984-31/12/2024)
Vượt qua những khó khăn, thiếu thốn về nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất, trải qua 40 năm hình thành và phát triển, Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; trở thành đơn vị Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới và luôn giữ vững chất lượng chuyên môn của Viện đầu ngành về chuyên khoa Huyết học- Truyền máu trên toàn quốc.
Hiện Viện đã có 9 khoa lâm sàng với số lượng bệnh nhân điều trị nội trú luôn duy trì từ 1.100 đến 1.300 bệnh nhân mỗi ngày. Năm 2024, tổng số lượt bệnh nhân điều trị nội trú là 52.760, tăng gần 16 lần so với năm 2004; tổng số lượt người đến khám là 187.614, tăng gấp 50 lần so với năm 2004. Một trong những kỹ thuật, phương pháp hiện đại được Viện áp dụng trong điều trị là ghép tế bào gốc. Viện đã triển khai những ca ghép tế bào gốc tự thân đầu tiên từ năm 2006 và ghép tế bào gốc đồng loài phù hợp hoàn toàn từ năm 2008. Đến nay, Viện đã thực hiện 663 ca ghép, là một trong hai đơn vị ghép tế bào gốc nhiều nhất và có chất lượng tại Việt Nam.
Nhiều phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu phức tạp, từ nhiều nguồn tế bào gốc khác nhau được áp dụng như: Ghép tế bào gốc máu dây rốn (cùng huyết thống và không cùng huyết thống), ghép nửa hòa hợp, ghép nửa hòa hợp kết hợp với tế bào gốc máu dây rốn… Kỹ thuật ghép tế bào gốc được ứng dụng điều trị cho nhiều bệnh lý hơn và độ tuổi ghép ngày càng được mở rộng. Đặc biệt, việc điều trị biến chứng sau ghép đã đạt được nhiều bước tiến bộ vượt bậc, đem đến cơ hội sống cho ngày càng nhiều người bệnh.
Với nhiều phòng xét nghiệm được đánh giá là labo dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực huyết học, hoạt động cận lâm sàng không chỉ đáp ứng nhu cầu tại Viện mà còn hỗ trợ công tác chẩn đoán và theo dõi điều trị cho nhiều bệnh viện khác tại Hà Nội và các tỉnh/thành phố phía Bắc. Năm 2024, Viện đã thực hiện 10.030.974 xét nghiệm, tăng gần 30 lần so với năm 2004.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại buổi lễ
Trong lĩnh vực truyền máu, Viện đã xây dựng được Trung tâm Máu Quốc gia đồng bộ, hoàn chỉnh từ tuyên truyền, vận động hiến máu, tổ chức tiếp nhận máu, sàng lọc, điều chế, lưu trữ, phân phối máu và các chế phẩm máu với công suất lớn, kỹ thuật hiện đại. Nếu như năm 2004, Viện chỉ tiếp nhận được hơn 36.500 đơn vị máu, 68% là hiến máu nhận tiền thì đến năm 2024, Viện đã tiếp nhận được 472.000 đơn vị máu toàn phần và 33.500 đơn vị tiểu cầu (chiếm 30% tổng lượng máu tiếp nhận của toàn quốc), tỷ lệ hiến máu tình nguyện đạt trên 96,2%. Từ đó đã cung cấp được trên 850.000 đơn vị chế phẩm máu đến 185 cơ sở y tế thuộc 33 tỉnh/thành phố.
Ông Nguyễn Hà Thanh nhấn mạnh: “40 năm qua Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương không ngừng cập nhật những tiến bộ trong chẩn đoán, điều trị, nâng cao hiệu quả truyền máu và đưa vào sử dụng nhiều thuốc mới, đặc biệt là thuốc nhắm đích, đem đến cuộc sống có chất lượng tốt hơn cho người bệnh; trở thành cơ sở điều trị bệnh máu và cơ quan tạo máu lớn nhất cả nước”.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn- Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực và thành tựu mà Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương đã đạt được trong suốt 40 năm qua. “Thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế tôi biểu dương sự cống hiến không ngừng của các thế hệ lãnh đạo và những người thầy đi trước, những người đã xây dựng và đào tạo nên đội ngũ cán bộ, viên chức đoàn kết, giỏi chuyên môn, vững nghiệp vụ, làm việc nghiêm túc, khoa học và chuyên nghiệp”- Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, để Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương tiếp tục khẳng định vai trò là đơn vị đầu ngành trong lĩnh vực KCB, phòng bệnh chuyên khoa huyết học và truyền máu, đồng thời là Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo và phát triển nhân lực y tế, chỉ đạo tuyến và hợp tác quốc tế; Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đề nghị tập thể Viện tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương.
Đặc biệt, Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương cần tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng tầm vị thế, góp phần phát triển mạnh mẽ chuyên ngành Huyết học- Truyền máu, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng. Theo đó, tiếp tục nâng cao chất lượng KCB với phương châm lấy người bệnh làm trung tâm, đo lường bằng hiệu quả điều trị và sự hài lòng của người bệnh. Thực hiện hiệu quả các chính sách y tế như Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật BHYT, Luật Dược, Luật Đấu thầu, tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho phát triển ngành. Phối hợp với Cục Dân số và các đơn vị liên quan triển khai các dự án tầm soát bệnh từ cộng đồng như thalassemia, hemophilia, hướng tới phát hiện sớm, điều trị hiệu quả, giảm chi phí và gánh nặng y tế;
Phát triển các kỹ thuật di truyền sinh học phân tử, miễn dịch trị liệu, ghép tế bào gốc phục vụ chẩn đoán và điều trị bệnh huyết học. Viện cần đảm bảo công tác đấu thầu minh bạch, tránh thiếu thuốc và vật tư y tế. Đẩy nhanh thủ tục đầu tư xây dựng cơ sở 2 để mở rộng quy mô KCB và tiếp nhận máu, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.
Trung tâm Máu Quốc gia tiếp tục phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, đảm bảo nguồn máu an toàn, chất lượng cho cả tuyến Trung ương và địa phương, kể cả vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Từng bước xây dựng mạng lưới truyền máu quốc gia, dự trữ máu cho quốc phòng và ứng phó thảm họa. Chỉ đạo chuyên môn, hướng đến hình thành các Trung tâm máu tại Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ theo đúng tinh thần Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ;
Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số trong KCB, xây dựng bệnh án điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, bệnh viện không giấy, KCB từ xa và cải cách hành chính. Tích hợp dữ liệu hiến máu, kết nối liên thông giữa các địa phương và Trung tâm máu. Chú trọng đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển nguồn nhân lực huyết học- truyền máu trên cả nước. Triển khai các đề tài cấp Bộ, cấp Quốc gia mang tính ứng dụng cao. Tăng cường hợp tác quốc tế, tiếp thu kinh nghiệm và kỹ thuật mới như ghép tế bào gốc, liệu pháp tế bào. Đào tạo và chuyển giao kỹ thuật cho cấp chuyên môn kỹ thuật thấp hơn, góp phần nâng cao năng lực KCB, giảm tải cho tuyến Trung ương.
Dịp này, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng đã tặng Bằng khen cho tập thể, các cá nhân thuộc Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương vì đã có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam trao Bằng khen của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho Đoàn Thanh niên Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương.
Hà Hùng