Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi cảnh báo, tình trạng gia tăng số ca mắc đậu mùa khỉ ở châu lục này cùng những hạn chế trong công tác chẩn đoán bệnh và tỷ lệ tử vong cao đang tạo ra những thách thức lớn đối với nỗ lực đầy lùi dịch bệnh này.
Trong báo cáo cập nhật về tình hình dịch bệnh đậu mùa khỉ ở châu Phi công bố hôm 23/8, Tổng giám đốc CDC châu Phi Jean Kaseya nhấn mạnh, những thách thức này kéo theo sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh đậu mùa khỉ sang các quốc gia khác và làm giảm hiệu quả phối hợp của các nỗ lực phòng chống dịch bệnh.
Theo số liệu thống kê, từ đầu năm đến ngày 23/8 đã có 21.466 ca nghi mắc đậu mùa khỉ ở 13 nước châu Phi, trong số này có 591 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, ông Kaseya chỉ ra rằng những con số này có thể chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm" bởi còn nhiều trường hợp mắc bệnh nhẹ khó phát hiện, những hạn chế trong việc giám sát, xét nghiệm và báo cáo về số ca mắc bệnh. Quan chức này phản ánh thêm, bệnh đậu mùa khỉ có tỷ lệ tử vong cao và sự kết hợp giữa căn bệnh này với HIV/AIDS sẽ gây ra quan ngại y tế rất lớn cho châu Phi.
Hôm 14/8, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu. Đây cũng là tình trạng mà WHO đưa ra với bệnh COVID-19 vào đầu năm 2020.
Trong chuỗi hành động chống dịch lây lan, CDC châu Phi đã tham khảo ý kiến của "các nhà dịch tễ học và chuyên gia phòng thí nghiệm giỏi nhất châu Phi", của các chuyên gia quốc tế cùng nhiều cơ quan có liên quan khác nhằm tìm ra giải pháp hiệu quả. Kết luận là cần một phương pháp tiếp cận toàn diện với đánh giá lâm sàng và dữ liệu dịch tễ học để chẩn đoán và quản lý chính xác bệnh.
Hôm 23/8, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã lên tiếng kêu gọi hành động chung toàn cầu để kiểm soát đợt bùng phát Mpox mới. Ông cho biết kế hoạch ứng phó sẽ cần ít nhất 135 triệu USD trong 6 tháng tới.
WHO cho biết các đối tác của tổ chức như Liên minh Vắc xin (Gavi) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) có thể bắt đầu mua vắc xin Mpox trước khi vắc xin này được WHO cấp phép. Điều đó là nhằm đẩy nhanh hơn việc đưa vắc xin đến châu Phi để giúp châu lục này chống chọi với sự bùng phát của dịch bệnh.
Theo truyền thống, các tổ chức như Gavi giúp các nước thu nhập thấp mua vắc xin chỉ có thể bắt đầu mua vắc xin sau khi được WHO cấp phép sử dụng. Tuy nhiên, các quy tắc đã được nới lỏng trong trường hợp để thúc đẩy các cuộc đàm phán. Hồi đầu tháng, WHO đã yêu cầu các nhà sản xuất vắc xin gửi thông tin để có thể đẩy nhanh quá trình phê duyệt và cấp giấy phép khẩn cấp vào giữa tháng 9.
Hiện hai loại vắc xin do hãng dược Bavarian Nordic của Đan Mạch và KM Biologics của Nhật Bản sản xuất đã được các cơ quan quản lý dược phẩm trên toàn thế giới chấp thuận và đã được sử dụng rộng rãi để phòng ngừa đậu mùa khỉ kể từ năm 2022. Tại Mỹ, khoảng 1,2 triệu người đã tiêm vắc xin của Bavarian Nordic.
CDC châu Phi ước tính lục địa này cần khoảng 10 triệu liều vắc xin Mpox và một số lô được tài trợ dự kiến sẽ đến đây trong tuần tới. Mới đây, hôm 20/8, trong tuyên bố đăng trên mạng xã hội X, Thủ tướng Pháp Gabriel Attal cho biết sẽ tài trợ 100.000 liều cho các quốc gia châu Phi đang ứng phó khẩn cấp với đậu mùa khỉ.
Virus Mpox gây ra các triệu chứng giống cúm, gây tổn thương da và có thể lây nhiễm qua tiếp xúc gần. Mặc dù triệu chứng bệnh thường là nhẹ nhưng căn bệnh này có thể gây tử vong. Uganda giáp biên với CHDC Congo, một trong những điểm nóng dịch bệnh lớn nhất kể từ khi ca bệnh đầu tiên được phát hiện hồi tháng 1/2023.
Ngọc Tuấn