Sáng 2/8, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị Giao ban cơ quan tháng 8/2024. Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh chủ trì Hội nghị, cùng sự tham gia của Phó Chủ tịch chuyên trách HĐQL Nguyễn Văn Cường và các Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam.
Hội nghị nhằm đánh giá những kết quả trong thực hiện nhiệm vụ 7 tháng năm 2024 của toàn ngành BHXH Việt Nam, phân tích khó khăn, vướng mắc và những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong các tháng còn lại của năm 2024.
Tăng trưởng bền vững bao phủ BHXH, BHYT
Theo Báo cáo của BHXH Việt Nam, tháng 7/2024, toàn Ngành đạt nhiều kết quả tích cực trong thực hiện nhiệm vụ. Số người tham gia BHXH đạt 18,518 triệu người, tăng 7,87% so với cùng kỳ năm 2023 (trong đó, riêng số người tham gia BHXH tự nguyện là 1,737 triệu người, tăng 22,48% so với cùng kỳ năm 2023); số người tham gia BHYT đạt 92,551 triệu người, tăng 1,36% so với cùng kỳ năm 2023. Số tiền thu BHXH, BH thất nghiệp, BHYT đến hết tháng 7/2024 đạt 282.809 tỷ đồng, tăng 24.698 tỷ đồng (tương đương 9.57%) so với cùng kỳ năm 2023...
Rất nhiều giải pháp đồng bộ và hiệu quả đã được toàn Ngành triển khai hiệu quả. Theo đó, tiếp tục triển khai kế hoạch công tác thu và phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp năm 2024, từng địa phương đã đề ra các giải pháp để thực hiện, đảm bảo tính linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với địa bàn.
Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng tiếp tục chủ trì, phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thuế; Kế hoạch- Đầu tư, các bộ, ngành có liên quan khai thác cơ sở dữ liệu mới để phát triển người tham gia. Đồng thời, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố tăng cường công tác thu, phát triển người tham gia cùng các biện pháp cụ thể, đảm bảo tính đồng bộ, khả thi trong thực hiện. Theo đó, BHXH các địa phương tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Thực hiện chính sách BHXH, BHYT từ cấp tỉnh đến cấp xã; tham mưu các tỉnh, thành phố có chính sách hỗ trợ thêm mức đóng cho người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình từ các nguồn lực của địa phương; tổ chức linh hoạt các hình thức kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đóng đối với các doanh nghiệp chưa đăng ký đóng, đóng chưa đầy đủ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; kiên quyết xử phạt các hành vi vi phạm, kịp thời lập hồ sơ đề nghị khởi tố theo quy định; chú trọng kiểm tra việc thu tiền đóng của nhân viên các Tổ chức dịch vụ thu, ngăn chặn, phát hiện kịp thời các trường hợp nhân viên nộp tiền chậm làm ảnh hưởng đến quyền lợi người tham gia BHXH, BHYT; kịp thời xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ tại địa phương…
Ông Dương Văn Hào- Trưởng Ban Quản lý Thu-Sổ, thẻ
Ông Dương Văn Hào- Trưởng Ban Quản lý Thu-Sổ, thẻ đánh giá: Số người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp khởi sắc từ tháng 5/2024 và giữ vững đà tăng trưởng bền vững đến thời điểm hiện nay, với số người tham gia tháng sau cao hơn tháng trước. Một số địa phương trong tháng 7 đã có số người tham gia BHXH bắt buộc lớn như: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Bắc Giang... Đây cũng là các địa phương vận dụng tốt sự vào cuộc chỉ đạo của chính quyền địa phương, phối hợp tốt với các ngành liên quan để thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.
Trong thời gian vừa qua, toàn ngành cũng tập trung thực hiện các giải pháp đôn đốc thu, đóng BHXH, BHYT, BHYT, giảm số tiền chậm đóng. Riêng trong tháng 7/2024, đã giảm hơn 1.000 tỷ đồng so với tháng trước, hiện tổng số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 16.966 tỷ đồng…
Đặc biệt lưu ý BHXH các địa phương cần linh hoạt và chủ động hơn trong việc tham mưu, đề nghị sự vào cuộc tích cực hơn của hệ thống chính trị tại địa bàn, ông Hào cũng cho biết, tới đây Ban sẽ cùng các đơn vị liên quan tổ chức các cuộc làm việc với 30 tỉnh, thành phố có số thu lớn, nhằm đánh giá nhìn nhận lại các điểm hạn chế, cũng như giải pháp hiệu quả đã được thực hiện, trên cơ sở đó hướng dẫn lại các kỹ năng, giải pháp triển khai để thúc đẩy số người tham gia để hoàn thành nhiệm vụ năm 2024. Đồng thời thông qua các hội nghị tiếp tục trao đổi về các rủi ro và giải pháp khắc phục trong quá trình thực hiện chính sách…
Hành động “từ sớm, từ xa” hạn chế các “rủi ro”
Báo cáo của BHXH Việt Nam cho thấy, dù các mặt công tác còn gặp không ít khó khăn, nhưng toàn ngành BHXH Việt Nam đã tập trung triển khai các chế độ, chính sách BHXH theo quy định mới kịp thời và hiệu quả; đồng thời tăng cường công tác quản lý, phòng chống lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BH thất nghiệp và quản lý người hưởng các chế độ BHXH, BH thất nghiệp.
Ngay khi Nghị định 75/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ về việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng có hiệu lực, ngành BHXH đã tổ chức giải quyết, chi trả kịp thời, chính xác, thuận tiện, an toàn tới người thụ hưởng đáp ứng được nhu cầu chính đáng của người dân; tạo dư luận tốt, tâm lý phấn khởi cho người hưởng.
Tiếp tục phối hợp với Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội tiếp tục đẩy mạnh triển khai Quy trình số 2286/C06-TCKT ngày 22/3/2024 về việc “Phối hợp triển khai phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, trên nền CSDL quốc gia về dân cư”.
Đặc biệt, trong bối cảnh Luật BHXH vừa được Quốc hội thông qua vào ngày 13/6/2024, số người rút BHXH một lần (vốn là vấn đề đáng lo ngại trong đảm bảo an sinh xã hội bền vững thời gian qua) trong tháng 7 không có sự gia tăng bất thường. Theo đó, số người hưởng chế độ một lần chỉ tăng 0,82% so với cùng kỳ năm 20023 trong đó số người rút BHXH 1 lần tăng 1,49%.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh
Đánh giá cao công tác truyền thông của ngành BHXH Việt Nam trong thời gian qua, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhận định: Các hoạt động này đã chủ động truyền tải kịp thời, chính xác các thông tin liên qua chính sách, nâng cao hiệu quả định hướng thông tin, đặc biệt là những nội dung mà dư luận quan tâm. “Các hoạt động truyền thông “đón đầu” đã phát huy hiệu quả, giúp người dân hiểu rõ những ích lợi trong thay đổi và điều chỉnh chính sách, yên tâm với sự đảm bảo quyền lợi của mình từ hệ thống chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước mà ngành BHXH Việt Nam được giao thực hiện…”- Tổng Giám đốc nhấn mạnh.
BHXH Việt Nam cũng chủ động phối hợp tích cực trong việc đề xuất, xây dựng, sửa đổi các dự luật, văn bản quan trọng liên quan đến chế độ, chính sách, quản lý quỹ BHXH, BHYT và đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao của các bộ, ngành, đơn vị liên quan, như: Luật BHYT 2024; Luật Việc làm (sửa đổi);... Đồng thời, tích cực tham gia xây dựng, hoàn thiện các dự thảo Nghị định, Thông tư; đặc biệt các nội dung liên quan tới Luật BHXH (Luật số 41/2024/QH15).
Hoạt động kiểm soát, quản lý chi phí KCB BHYT cũng trong chiều hướng tích cực hơn với sự chủ động của ngành BHXH Việt Nam trong triển khai thực hiện NĐ 75, tháo gỡ “từ xa, từ sớm” các vướng mắc. Theo ông Lê Văn Phúc- Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT: các cuộc giao ban định kỳ hằng tuần giữa BHXH Việt Nam với BHXH các địa phương đến tận cấp huyện từ tháng 5/2024 đã kiểm soát tốt hơn đà tăng chi phí KCB BHYT, đặc biệt là kịp thời phát hiện, ngăn chặn các chi phí KCB BHYT bất hợp lý. Dự kiến chi phí KCB BHYT trong tháng 7 sẽ có mức gia tăng tương đương với trước, trong khi thông lệ hằng năm đà tăng chi phí từ tháng 7 thường rất cao...
Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam chủ động phối hợp với Bộ Y tế giải quyết khó khăn vướng mắc trong tổ chức thực hiện chính sách BHYT; BHXH địa phương chủ động phối hợp Sở Y tế và các cơ sở KCB ở các tỉnh, thành phố để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác KCB và thanh toán chi phí KCB BHYT. Qua đó, nhiều khó khăn, vướng mắc trong KCB và thanh toán chi phí KCB BHYT đã được hướng dẫn, tạo thuận lợi trong công tác KCB của các cơ sở KCB BHYT, đảm bảo quyền lợi tối đa cho người tham gia BHYT theo Luật định…
Các mặt công tác thanh tra, kiểm tra; cải cách TTHC, ứng dụng CNTT, đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động của Ngành... cũng vẫn đang phát huy hiệu quả. Đảm bảo vừa tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi, đồng thời tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện và xử lý vi phạm về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh bày tỏ với nỗ lực và các giải pháp tích cực đang thực hiện, ngành BHXH Việt Nam sẽ có triển vọng bứt phá trong những tháng cuối năm, và hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, đảm bảo lộ trình tăng độ bao phủ BHXH, BHYT theo lộ trình năm 2024 mà Chính phủ đề ra. Tổng Giám đốc cũng yêu cầu các Ban nghiệp vụ tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc tại từng địa phương, nâng cao hiệu quả hoạt động. BHXH các địa phương tiếp tục duy trì sự chủ động trong phối hợp với các ngành, các cấp, chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp xã, thôn, bản, và các tổ hội… để tuyên truyền người dân hiểu rõ hơn, tích cực tham gia vào lưới an sinh xã hội quốc gia. Tiếp tục triển khai quyết liệt, bám sát kịch bản đã xây dựng, mỗi địa phương phân tích chỉ ra các giải pháp thành công, nguyên nhân hạn chế trên từng địa bàn… Đồng thời, thanh tra kiểm tra chặt chẽ việc đóng, nộp; khai thác, phát huy tối đa hiệu quả CNTT, cơ sở dữ liệu của Ngành để kiểm tra, phòng ngừa gian lận, trục lợi quỹ; thực hiện đồng bộ các biện pháp để quản lý quỹ an toàn, tăng trưởng bền vững, hiệu quả…
Song song với đó “nhiệm vụ trọng tâm của ngành BHXH là phải phục vụ tốt người dân, đảm bảo người dân được thụ hưởng quyền lợi chính đáng nhanh chóng, thông qua việc cải cách thủ tục đơn giản nhất có thể”, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chỉ rõ.
Cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, hành chính- công vụ, phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu; phân công, phân nhiệm “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả” đi đôi với kiểm tra, giám sát… Nhấn mạnh tầm quan trọng có các chính sách, văn bản pháp luật sát với thực tế, Tổng Giám đốc yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ của BHXH Việt Nam và BHXH các địa phương tiếp tục tích cực tham gia sát sao, đóng góp ý kiến từ thực tiễn vào xây dựng chính sách, pháp luật BHXH, BHYT.
Thái An