Ngày 30/7, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM phối hợp BHXH Thành phố và LĐLĐ Thành phố tổ chức Hội nghị Giải pháp thúc đẩy mở rộng độ bao phủ người tham gia BHXH ở những nơi có quan hệ lao động trên địa bàn TP.HCM”.
Theo bà Lượng Thị Tới- Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, hiện TP.HCM có tỷ lệ người tham gia BHXH đạt lệ 56% so với LLLĐ. Theo kết quả này, TP.HCM có khả năng sớm hoàn thành và đạt vượt chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH.
Các đơn vị tại TP.HCM tìm giải pháp phát triển người tham gia BHXH
Tuy nhiên, theo bà Tới, vẫn còn nhiều khó khăn cần khắc phục, như một số DN gặp khó khăn duy trì việc làm cho NLĐ do giảm đơn hàng, buộc tạm ngưng hoạt động hoặc phải cắt giảm lao động, không thể tiếp tục tham gia BHXH; NLĐ có xu hướng nhận BHXH một lần tăng; một bộ phận DN thiếu hợp tác trong giải quyết quyền lợi, chế độ cho NLĐ (nhất là DN nợ lương, nợ BHXH), không tham dự các buổi làm việc do Thanh tra Sở LĐ-TB&XH mời…
Để xử lý, trong 6 tháng đầu năm, Thanh tra Sở LĐ-TB&XH tổ chức, phối hợp thực hiện thanh tra, kiểm tra 62 cuộc tại các đơn vị, DN về thực hiện pháp luật lao động. Trong đó, liên quan lĩnh vực BHXH là 62 cuộc; đã ban hành 1 quyết định xử phạt VPHC. Qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp nhận xử lý tổng số 121 đơn (69 khiếu nại, 9 tố cáo, 43 phản ánh, kiến nghị) liên quan lĩnh vực BHXH, tăng 55% so với cùng kỳ năm 2023. Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH cũng đã đề nghị các đơn vị chuyên môn, UBND các quận, huyện tích cực phối hợp hơn nữa với cơ quan BHXH trong công tác phát triển người tham gia ở các DN.
Chia sẻ tại Hội nghị, Thượng tá Ngô Thuận Lăng- Phó Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP.HCM, cho rằng, việc hiện nay vẫn còn nhiều DN cố tình chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của NLĐ. Tuy nhiên, vẫn còn vướng mắc trong xác định DN chậm đóng hay trốn đóng làm ảnh hưởng đến công tác khởi tố.
Đại diện cơ quan công an trao đổi
Đại diện Công an TP.HCM đề nghị, cơ quan BHXH sau khi thanh tra cần làm rõ được tiền trốn đóng, tiền chậm đóng và tiền lãi nhằm xác định thiệt hại của hành vi trốn đóng BHXH, BHYT từ người vi phạm. Khi xác định có dấu hiệu vi phạm, cơ quan BHXH cần kịp thời chuyển giao thông tin, tài liệu về hành vi vi phạm; đồng thời phối hợp với cơ quan công an để xác minh, làm rõ dấu hiệu vi phạm. Cần đánh giá đúng bản chất chậm đóng hay trốn đóng để làm căn cứ xử lý hình sự. Qua đó, đảm bảo xử lý đúng người, đúng tội, đảm bảo tính nhân văn nhưng cũng đồng thời răn đe, cảnh tỉnh các DN trong việc thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và NLĐ.
Ông Phạm Chí Tâm- Phó Chủ tịch LĐLĐ TP.HCM khẳng định, trong thời gian tới, các tổ chức Công đoàn sẽ tăng cường phối hợp với các Sở, ngành, Đoàn Kiểm tra liên ngành của địa phương thanh tra, kiểm tra và xử phạt VPHC đối với các DN vi phạm pháp luật về BHXH. Các cấp Công đoàn, nhất là Công đoàn cơ sở khu vực DN ngoài nhà nước tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHXH nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của chủ DN và nhận thức của NLĐ; chủ động và thường xuyên phối hợp CĐ cơ sở tiếp tục thông báo tình hình nợ của DN (trên cơ sở thông tin do BHXH TP.HCM cung cấp) để tác động DN nộp kịp thời. Không để nợ quá lâu và quá lớn sẽ không khắc phục được, dễ dẫn tới tranh chấp lao động, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ...
Tham dự Hội nghị, đại diện các đơn vị như Mặt trận Tổ quốc TP.HCM, Ban Quản lý các KCX-KCN; LĐLĐ và BHXH một số quận, huyện; đại diện DN… nêu một số thực trạng, đồng thời, có những đề xuất, giải pháp để phát triển người tham gia BHXH.
Đại diện các đơn vị đóng góp ý kiến tại Hội nghị
Ông Nguyễn Quốc Thanh- Phó Giám đốc BHXH TP.HCM cho biết, thời gian qua rất nhiều giải pháp gia tăng, phát triển người tham gia BHXH cũng đã được cơ quan BHXH triển khai. Đặc biệt là với người tham gia BHXH bắt buộc, vào cuối tháng 5/2024, ngay khi có dữ liệu Thuế do BHXH Việt Nam chuyển đến, BHXH TP đã khẩn trương rà soát dữ liệu xây dựng kế hoạch phát triển người tham gia BHXH, BHYT theo đúng hướng dẫn của BHXH Việt Nam. Đồng thời, thường xuyên báo cáo Trưởng ban Chỉ đạo Thực hiện chính sách BHXH, BHYT quận/huyện/phường/xã/thị trấn chỉ đạo các Sở ban ngành phối hợp với cơ quan BHXH rà soát tình hình hoạt động của DN trên địa bàn. Kịp thời phát hiện những DN trốn đóng, chậm đóng yêu cầu đơn vị tham gia theo đúng quy định để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia. Hàng tháng, gọi điện, đôn đốc và gửi mẫu C12-TS cho đơn vị qua Email, mời đơn vị lên để đối chiếu nhắc nhở lập biên bản đối với các DN có số nợ lớn. Tổ chức thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; đăng tải danh tính các DN nợ từ 6 tháng và có số tiền nợ từ 300 triệu đồng trở lên…
Về giải pháp trong thời gian tới, ông Quốc Thanh cho biết, cơ quan BHXH sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển người tham gia. Trong đó, chú trọng liên thông, kết nối, chia sẻ dữ liệu quản lý DN, quản lý lao động giữa các cơ quan (Thuế, Kế hoạch và Đầu tư, Công an...) để xác định chính xác số DN, NLĐ thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc để yêu cầu thực hiện đầy đủ theo quy định của pháp luật. Đồng thời, cơ quan BHXH sẽ tăng cường công tác phối hợp với các Sở ban ngành trong công tác thanh tra liên ngành, kiểm tra đột xuất các đơn vị có dấu hiệu vi phạm pháp luật BHXH. Tập trung kiểm tra đối chiếu tại các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực Xây dựng, Giao thông vận tải, Dịch vụ cung ứng lao động…
Phạm Thọ