Ngồi tại nhà hay bất cứ đâu cũng có thể xem những bộ phim yêu thích chỉ với điện thoại hay máy tính kết nối internet- đó là sự tiện lợi mà hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng đem lại. Nhưng thực tế phương thức này lại đang đặt ra không ít khó khăn cho các nhà quản lý!
Chia sẻ tại Hội thảo khoa học “Công tác quản lý phim trên không gian mạng” tổ chức mới đây, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh- TS.Đỗ Quốc Việt cho biết, đứng trước sự thay đổi về thói quen và phương thức xem phim của khán giả, các đơn vị, DN phát hành phim trong nước và nước ngoài đã đẩy mạnh đầu tư, phát triển các ứng dụng phổ biến phim trên không gian mạng như: VTVgo, FPT Play, Galaxy Play, DA.NET, Apple TV, Disney Plus, WeTV…
Đặc biệt, năm 2017, Netflix chính thức có mặt ở thị trường Việt Nam tạo ra bước thay đổi đáng kể trong hoạt động phổ biến phim trên mạng. Mỗi năm Netflix thu về hơn 1.728 tỷ đồng- tương đương với gần 1/2 doanh thu phòng vé của phim Việt chiếu rạp năm 2023 tại Việt Nam với số lượng ước đạt 150 triệu USD (gần 3.700 tỷ đồng), với tổng số 1.100 rạp chiếu trên cả nước. Đặc điểm chung của các dịch vụ cung cấp phim trên không gian mạng là có thể thực hiện xuyên biên giới, nguồn phim đa dạng, phong phú với mức chi phí hợp lý (thu tiền qua tài khoản ngân hàng), tiện ích xem phim không giới hạn về thời gian và địa điểm.
Tuy vậy, sau gần một thập kỷ phát triển mạnh mẽ, hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng đã đặt ra cho công tác quản lý nhà nước những khó khăn, bất cập nhất định, chưa ở thế chủ động do những thay đổi khách quan về công nghệ, về phương thức phổ biến... Một thực tế đã được chỉ ra rằng, đã có những cài cắm tinh vi về chủ quyền, những tranh chấp trên đất liền, biển đảo… được lồng ghép trong những câu chuyện, hành động, lời thoại của nhân vật trong các phim trên mạng.
Ví dụ như bộ phim “Nhất sinh nhất thế” (Một đời, một kiếp) phát trên nền tảng IQiYi Việt Nam, “Hướng gió mà đi” phát trên Netflix và fptplay.vn… có lồng ghép đường lưỡi bò (đường chín đoạn) trong một số chi tiết, phân cảnh phim. Trước đó, một số bộ phim như “Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta”, “Bà ngoại trưởng” (chiếu trên Netflix)… đã bị cơ quan chức năng của Việt Nam yêu cầu gỡ bỏ các vi phạm hoặc cấm chiếu.
Để phát huy hơn nữa vai trò cơ quan quản lý, bà Ngô Minh Nguyệt- phó TBT Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật cho rằng: “Vai trò quản lý của nhà nước đối với hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng cần được cụ thể bằng các điều luật, quy định cụ thể, rõ ràng. Càng cụ thể bao nhiêu thì càng hạn chế được những tác hại, mặt tiêu cực mà không gian mạng mang lại, trong đó có lĩnh vực phổ biến phim. Việc xây dựng các điều luật cũng giúp cho các đơn vị sáng tạo nội dung, vận hành phổ biến phim trên không gian mạng có nền tảng pháp lý để định hướng, điều tiết các hoạt động của mình. Luật càng cụ thể, dễ hiểu càng giúp các nghệ sĩ, các đơn vị phổ biến phim dễ vận hành”.
Đồng quan điểm, bà Phan Thu Hồng, Trưởng phòng Nghiệp vụ- Điều phối, Cục Thông tin đối ngoại (Bộ TTTT) cho rằng: Cần phải tăng cường thẩm định, rà soát, xử lý đối với việc phổ biến phim trên không gian mạng có nội dung sai phạm, bôi nhọ, xúc phạm đời tư các cá nhân, tổ chức, công dân, kích động, chia rẽ, chống phá Đảng, Nhà nước và phát tán sản phẩm văn hóa, phim ảnh đồi trụy; cương quyết chuyển cơ quan điều tra truy tố, xét xử đối với các hành vi có dấu hiệu tội phạm để đảm bảo tính răn đe, nghiêm trị. “Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao tinh thần cảnh giác của mỗi người dân Việt Nam nhằm chủ động phát hiện, tố giác hành vi cài cắm, tuyên truyền “đường lưỡi bò” phi pháp vào các tác phẩm văn hóa, điện ảnh để có biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời.”.
Minh Anh