Nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống dịch bệnh, thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tập trung hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến y tế cơ sở, y tế dự phòng, tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh; các quy định, hướng dẫn về cơ chế tài chính, công tác mua sắm, đấu thầu; sớm ban hành kế hoạch phòng chống dịch năm 2024.
Chia sẻ về kết quả phòng chống dịch bệnh năm 2023, ông Hoàng Minh Đức- Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Năm 2023, cả nước ghi nhận hơn 172.000 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 43 ca tử vong. So với năm 2022, số mắc giảm 53,8%, số tử vong giảm 72,4% (giảm 108 trường hợp). Các địa phương ghi nhận số mắc cao gồm: Hà Nội (36.795), TP.HCM (17.257), Gia Lai (6.532), Đồng Nai (5.508), Bình Dương (5.092), Đắk Lắk (4.972), Bình Thuận (4.853), An Giang (4.840), Lâm Đồng (4.832), Đà Nẵng (4.604).
Ông Hoàng Minh Đức- Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế)
Năm 2023, cả nước ghi nhận gần 181.000 ca mắc tay chân miệng, trong đó có 31 ca tử vong. So với năm 2022 (67.586/3), số mắc tăng gấp 2,7 lần, số tử vong tăng 28 trường hợp. Các địa phương ghi nhận số mắc cao: TP.HCM (50.161), Đồng Nai (10.968), An Giang (9.945), Bình Dương (9.021)... Về dịch bạch hầu, năm 2023, cả nước ghi nhận 57 ca mắc, 7 trường hợp tử vong, xảy ra cục bộ tại một số địa phương khu vực miền núi phía Bắc: Hà Giang(49), Điện Biên (6), Thái Nguyên (2).
Về dịch bệnh đậu mùa khỉ, lãnh đạo Cục Y tế dự phòng cho biết, tính đến hết năm 2023, cả nước ghi nhận 137 ca mắc (2 ca ghi nhận năm 2022), 6 ca tử vong; các trường hợp mắc và tử vong đều ghi nhận tại khu vực phía Nam, chủ yếu tại TP.HCM. Các ca mắc chủ yếu là nam (98,5%), tuổi trung bình khoảng 31, trong đó có 55% ca bệnh nhiễm HIV. Năm 2023, không ghi nhận các trường hợp mắc cúm độc lực cao ở người như cúm A(H5N1), A(H5N6), A(H7N9), A(H9N2)... Các bệnh truyền nhiễm khác không ghi nhận các ổ dịch lớn, tình hình ổn định và cơ bản được kiểm soát.
Về bệnh dại, trong năm 2023, cả nước ghi nhận 82 trường hợp tử vong do bệnh dại, tăng 12 ca so với năm 2022. Các địa phương ghi nhận số trường hợp tử vong cao là Gia Lai (14), Nghệ An (7), Bình Phước (7), Điện Biên (6), Bến Tre (5). “Đặc biệt, theo thống kê, có gần 500.000 người dân phải tiêm vắc-xin phòng dại, với giá mỗi liều từ 1,2-1,5 triệu đồng. Đồng thời, chúng ta phải tiêm phòng bệnh dại cho 8 triệu con chó, mèo, mỗi mũi khoảng 50.000 đồng. Như vậy, dù số tử vong là 82 ca, nhưng tổng kinh phí phải chi trả cho bệnh dại rất lớn”- lãnh đạo Cục Y tế dự phòng cho biết.
Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhận định, tình hình dịch bệnh diễn biến chưa ổn định, khó lường, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi tiếp tục xuất hiện, các biến chủng mới, các tác nhân gây bệnh liên tục biến đổi. Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới, gió mùa, nóng ấm, mưa nhiều, thời tiết thay đổi bất thường, nguy cơ lây lan các dịch bệnh lưu hành như tay chân miệng, sốt xuất huyết... rất lớn. Trong khi đó, thiếu thông tin, dữ liệu để hỗ trợ thực hiện phân tích, đánh giá, cảnh báo dịch. Tỷ lệ tiêm chủng ở một số nơi còn thấp, chưa đạt tiến độ đề ra, nhất là vùng sâu, vùng xa, khu vực DTTS sinh sống; miễn dịch giảm theo thời gian.
Bộ Y tế nhận định tình hình dịch bệnh diễn biến chưa ổn định, khó lường, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát
Theo ông Hoàng Minh Đức, trong năm 2024, nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống dịch bệnh, Cục Y tế dự phòng sẽ tập trung hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến y tế cơ sở, y tế dự phòng, tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh; các quy định, hướng dẫn về cơ chế tài chính, công tác mua sắm, đấu thầu.
Bên cạnh đó, chỉ đạo tổ chức triển khai sớm, hiệu quả kế hoạch phòng chống dịch 2024; chỉ đạo thường xuyên, kịp thời công tác phòng chống dịch trên cơ sở theo dõi, bám sát diễn biến tình hình dịch với quan điểm phòng bệnh từ xa, từ sớm, ngay từ cơ sở. Đặc biệt, chỉ đạo nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp trong công tác phòng chống dịch. Tăng cường phối hợp giữa ngành Y tế với các bộ, ban, ngành, địa phương để triển khai hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm.
Đối với công tác dự phòng, giám sát, kiểm soát dịch, Cục sẽ tăng cường theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; thường xuyên phân tích, đánh giá, dự báo tình hình và chuẩn bị sẵn sàng các phương án với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh. Rà soát, cập nhật, xây dựng, sửa đổi và bổ sung các hướng dẫn chuyên môn về giám sát, phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm.
Chủ động giám sát, triển khai hiệu quả giám sát thường xuyên, giám sát dựa vào sự kiện để phát hiện sớm các ca bệnh ngay tại cửa khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế thực hiện mục tiêu ngăn chặn nguồn lây xâm nhập từ bên ngoài và khoanh vùng, dập dịch từ bên trong.
Về công tác tiêm chủng, xét nghiệm và an toàn sinh học, Bộ Y tế sẽ xây dựng, đề xuất sửa đổi, bổ sung danh mục bệnh truyền nhiễm phải sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế bắt buộc theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, xây dựng kế hoạch tiêm chủng mở rộng căn cứ trên nhu cầu đề xuất từ các tỉnh, thành phố; thực hiện tốt Chương trình tiêm chủng mở rộng, thường xuyên rà soát đối tượng và tổ chức tiêm vét các loại vắc-xin trong tiêm chủng mở rộng. Tăng cường chất lượng quản lý thông tin tiêm chủng; theo dõi, giám sát, tổng hợp, thực hiện chia sẻ thông tin, phân tích các trường hợp tai biến nặng sau tiêm theo quy định.
Xây dựng, hoàn thiện các hướng dẫn chuyên môn về xét nghiệm trong y tế dự phòng và an toàn sinh học trong phòng xét nghiệm được phân công. Thẩm định, trình cấp có thẩm quyền cấp mới, cấp lại và thu hồi giấy chứng nhận cơ sở xét nghiệm đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học cấp III trên địa bàn cả nước. Hướng dẫn tổ chức thực hiện việc quản lý mẫu bệnh phẩm có chứa hoặc có khả năng chứa các tác nhân gây bệnh cho người, các chủng vi sinh vật gây bệnh cho người.
Đối với công tác điều trị, Bộ Y tế sẽ đẩy mạnh rà soát, cập nhật, xây dựng, sửa đổi và bổ sung các hướng dẫn chuyên môn về chẩn đoán, điều trị các bệnh truyền nhiễm. Tổ chức thực hiện hiệu quả việc phân tuyến, phân luồng khám, sàng lọc bệnh; đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, cách ly, điều trị; thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở KCB. Tăng cường năng lực cho cơ sở KCB các tuyến, tổ chức phân tuyến điều trị, phòng chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở KCB. Tăng cường năng lực hồi sức tích cực cho các tuyến đáp ứng yêu cầu điều trị; tổ chức đào tạo, tập huấn về các phác đồ điều trị, hồi sức cấp cứu, chăm sóc bệnh nhân, phòng chống lây nhiễm; tổ chức các đội cấp cứu lưu động để hỗ trợ tuyến dưới.
Thời gian tới, Bộ Y tế cũng sẽ chủ động hơn nữa trong việc cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh và các khuyến cáo phòng chống dịch; đẩy mạnh tuyên truyền qua hệ thống truyền thông cơ sở và các kênh truyền thông phù hợp như thông điệp, infographic, video, audio... trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội, internet... Tăng cường truyền thông phòng bệnh để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi; khuyến khích thực hiện 2K tại các địa điểm tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng và tại các cơ sở KCB...
Tổ chức triển khai các hoạt động truyền thông đặc thù với từng dịch bệnh truyền nhiễm; tổ chức các đợt cao điểm về phòng chống dịch theo mùa; các chiến dịch, phong trào vệ sinh yêu nước và các chiến dịch truyền thông hưởng ứng các ngày phòng chống dịch bệnh. Đề xuất các giải pháp tăng cường ứng dụng CNTT trong phòng chống dịch; nâng cao chất lượng thực hiện báo cáo bệnh truyền nhiễm, báo cáo kiểm dịch y tế; báo cáo giám sát dựa vào sự kiện, quản lý thông tin tiêm chủng, kho dữ liệu bệnh truyền nhiễm.
Hà Hùng