BHXH Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam tổ chức Hội thảo Quản lý hiệu quả chi phí bệnh đái tháo đường. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa chủ trì Hội thảo.
Gánh nặng bệnh đái tháo đường gia tăng
Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, với sự tham dự của bà Katrin Riisgaard Pedersen- Tham tán Y tế Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam; Lãnh đạo Vụ BHYT và Cục Quản lý KCB (Bộ Y tế), cùng 300 đại biểu đến từ các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, BHXH 22 tỉnh, thành phố, các chuyên gia, khách mời của Bộ Y tế, Trường Đại học Dược Hà Nội, Bệnh viện Nội tiết Trung ương... Đây cũng là hoạt động được tổ chức trong khuôn khổ các hoạt động hợp tác giữa BHXH Việt Nam và Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam, căn cứ Biên bản ghi nhớ đã ký kết giữa hai bên trong lĩnh vực BHYT giai đoạn 2023-2025; nhằm cung cấp thêm thông tin, tăng cường kiến thức cho các giám định viên về bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) và quản lý hiệu quả chi phí bệnh ĐTĐ.
Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa: Thách thức lớn hiện nay là tình trạng bệnh không lây nhiễm tăng cao cùng quá tình già hóa dân số. Trong đó, bệnh ĐTĐ là một trong những vấn đề cấp bách của y tế toàn cầu, có thể tác động làm chậm lại quá trình phát triển kinh tế, cản trở quá trình đạt mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt ở các nước thu nhập thấp và trung bình.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tới năm 2025, số người mắc bệnh sẽ lên đến 330 triệu người trên toàn thế giới. Đây là con số mà tôi nghĩ rằng thách thức lớn, ngoài ra còn nhiều bênh nhân mắc bệnh không lây nhiễm khác. Đặc biệt, bệnh tiến triển âm thầm, nếu không được phát hiện điều trị kịp thời sẽ dẫn tới tỉ lệ tử vong cao. Bệnh ĐTĐ vẫn được xem như “kẻ giết người thầm lặng” của toàn nhân loại thời hiện đại.
Hiện nay tỷ lệ mắc bệnh ĐTĐ ở Việt Nam ước chiếm khoảng trên 6% dân số, và khoảng 10% dân số khác mắc tiền ĐTĐ. Thực trạng này vẫn đang gia tăng khiến Việt Nam là một trong các quốc gia có tỷ lệ gia tăng nhanh bệnh lý này. Tuy số người được điều trị có tăng trong những năm gần đây, nhưng vẫn còn rất nhiều người bệnh chưa được phát hiện và điều trị sớm. Theo báo cáo của Bộ Y tế, mới chỉ có 28,9% người bệnh ĐTĐ được quản lý tại các cơ sở y tế.
Theo thống kê, hằng năm, quỹ BHYT đã chi hàng ngàn tỷ đồng để chẩn đoán và điều trị cho các trường hợp mắc bệnh tiểu đường và chi phí này tiếp tục gia tăng hàng năm. Với khoảng 16 triệu lượt người KCB về ĐTĐ. Đặc biệt chi phí về quản lý bệnh đái tháo dường là các biến chứng của bệnh. “Vấn đề đặt ra là nguồn lực chi cho y tế luôn có giới hạn, nguồn quỹ BHYT có giới hạn. Câu hỏi đặt ra hiện nay là cách nào quản lý, theo dõi điều trị hợp lý hiệu quả nhất bệnh tiểu đường? Làm sao để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, giảm gánh nặng xã hội và đồng thời đảm bảo khả năng chi trả của nguồn quỹ BHYT?”, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa đặt vấn đề.
Nhấn mạnh “Bệnh ĐTĐ không chỉ là một tình trạng bệnh lý mà còn là một thách thức xã hội đòi hỏi chúng ta phải quan tâm và hành động ngay lập tức”, bà Katrin Riisgaard Pedersen- Tham tán Y tế Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam cũng chỉ ra nhiều hệ lụy từ căn bệnh này. Theo chuyên gia này, bệnh ĐTĐ gây ra gánh nặng to lớn cho người bệnh, gia đình họ khi chiếm phần đáng kể trong chi tiêu chăm sóc sức khỏe. ĐTĐ không chỉ gây ra chi phí trực tiếp (chi phí điều trị, thuốc...), mà còn gây tổn thất gián tiếp (giảm năng suất lao động, nghỉ việc, nghỉ hưu sớm...). Ngoài ra còn gây tổn thất tinh thần với gia đình, và bản thân bệnh nhân liên quan đến căng thẳng, trầm cảm... Vì vậy, thời gian qua, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam đã phối hợp với nhiều cơ quan liên quan đánh giá, tìm giải pháp cho vấn đề này.
Biến chứng ĐTĐ khiến chi phí điều trị tăng gấp đôi
Chia sẻ nghiên cứu dịch tễ bệnh và các cấu phần chi phí trong quản lý bệnh ĐTĐ, TS Kiều Thị Tuyết Mai- Bộ môn Quản lý và Kinh tế Dược (Đại học Dược Hà Nội) đánh giá: có tiềm ẩn nguy cơ về khoảng trống điều trị lớn khi so sánh tỉ lệ hiện mắc ĐTĐ típ 1 tại Việt Nam và các nước trên thế giới, vậy nên việc thực hiện các chương trình tầm soát và quản lý bệnh nhân từ sớm là rất cấp thiết. Trong chăm sóc ĐTĐ típ 1, tiền thuốc chiếm hơn 40%, điều đó cho thấy việc quan tâm sử dụng thuốc với chi phí hiệu quả sẽ giúp tiết kiệm chi phí cho quỹ bảo hiểm, và tiết kiệm cả những chi phí khác bệnh nhân hiện đang tự chi trả để tự kiểm soát. Với bệnh nhân ĐTĐ típ 2, Việt Nam hiện có hơn 2 triệu người mắc bệnh, trong đó 65% trong số đó đã xuất hiện biến chứng (dẫn đầu là tim mạch, thần kinh...). Biến chứng khiến chi phí điều trị tăng cao- trung bình tăng gấp 2 lần/người bệnh so với điều trị bệnh nhân ĐTĐ thông thường. Phần lớn ngân sách cho ĐTĐ hiện được dùng để điều trị các biến chứng liên quan, trong đó chi phí thuốc ĐTĐ chỉ chiếm 17% tổng ngân sách; Insulin chỉ chiếm 5%...
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa
Chung quan điểm về phát hiện sớm và quản lý hiệu quả bệnh ĐTĐ, ThS.BS.Nguyễn Thị Thu Hương- Phó Trưởng khoa Thận- Tiết niệu (Bệnh viện Nội tiết TƯ) cũng nhấn mạnh: chi phí điều trị cho bệnh nhân ĐTĐ có biến chứng gấp đôi so với bệnh nhân ĐTĐ chưa có biến chứng. Chi phí thuốc điều trị ĐTĐ là rất nhỏ so với chi phí điều trị biến chứng. Để quản lý bệnh hiệu quả, cần điều trị bệnh nhân tích cực ngay từ đầu, tuy nhiên thực tế cho thấy bệnh nhân tại Việt Nam gặp nhiều trở ngại trong việc điều trị ĐTĐ hiệu quả. Cụ thể như: Tần suất kiểm tra đường huyết thấp; bênh nhân thiếu tuân thủ trong điều trị; phần lớn bệnh nhân có lối sống ít vận động; và một kết quả khảo sát cũng cho thấy có 39% bệnh nhân bày tỏ lo ngại về nguy cơ hạ đường huyết trong điều trị… “Để kiểm soát tốt bệnh ĐTĐ cần sự chung tay của cả đội ngũ thầy thuốc, bệnh nhân và gia đình cùng hệ thống BHYT”, Ths.BS Nguyễn Thị Thu Hương chia sẻ.
Trong phát biểu của mình, bà Katrin Riisgaard Pedersen cũng đặc biệt nhấn mạnh đến hệ lụy mà bệnh ĐTĐ típ1 (vốn ít phổ biến hơn tuýp 2, chiếm khoảng 5-10% trong số người mắc bệnh ĐTĐ). Tham tán Y tế Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam chia sẻ: từ tháng 4/2023, Chương trình Thay đổi bệnh ĐTĐ ở trẻ em và trẻ vị thành niên do Novo Nordisk khởi xướng với sự tham gia và quản lý chặt chẽ của Hội Nhi khoa Việt Nam, Roche và Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam cùng thực hiện, đã tiếp cận được hơn 500 trẻ em mắc bệnh ĐTĐ típ1 tại Việt Nam. “Hiện tại ở Việt Nam có khoảng 12.000 người trong tổng dân số hơn 100 triệu người được chẩn đoán mắc ĐTĐ típ1. Ở Đan Mạch chúng tôi có khoảng 28.000 bệnh nhân trong ĐTĐ típ1 trong tổng dân số dưới 6 triệu người. Tôi muốn chia sẻ với các bạn rằng, những số liệu này có thể là dấu hiệu cho thấy ngoài kia có thể có nhiều người đang chung sống với bệnh ĐTĐ típ1 hơn…”, bà Katrin Riisgaard Pedersen chia sẻ.
Chuyên gia này phân tích: Trẻ em và thanh thiếu niên mắc bệnh ĐTĐ típ1 là nhóm bệnh nhân dễ bị tổn thương. Họ không chỉ phụ thuộc vào người khác để phát hiện với các triệu chứng và chăm sóc mà còn phải đối mặt với một căn bệnh suốt đời có thể tác động tiêu cực to lớn đến chất lượng cuộc sống và tuổi thọ. Nhưng nếu chúng ta chẩn đoán sớm và giúp họ quản lý tốt bệnh tật chúng ta có thể giúp họ sống lâu và khỏe mạnh. Bà Katrin Riisgaard Pedersen cũng bày tỏ hy vọng sự quan tâm của tất cả các bên sẽ có giải pháp quản lý tốt nhất cho ĐTĐ cả hai típ bệnh này…
Chia sẻ từ DN dược cung cấp nguồn thuốc diều trị thuốc điều trị ĐTĐ hiện nay, ông Erik Wiebols- Tổng giám đốc Công ty TNHH Novo Nordisk Việt Nam cũng nhấn mạnh: thực tế chi phí trung bình điều trị cho bệnh nhân ĐTĐ bị biến chứng đang chiếm phần lớn chi phí điều trị hằng năm của quỹ BHYT cho căn bệnh này. Mặt khác, có một nhóm nhỏ hơn là bệnh nhân ĐTĐ típ1 với nhu cầu cấp bách cần có phác đồ điều trị chuẩn, danh mục thuốc cần thiết... Đây là vấn đề cần sự chung tay của các nhà quản lý
Đại diện cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực y tế, TS.Nguyễn Trọng Khoa- Phó Cục trưởng Cục Quản lý KCB (Bộ Y tế) đánh giá: ĐTĐ là bệnh lý mạn tính thường gặp nhất tại Việt Nam với chi phí cao. “Vấn đề lớn hiện nay là tỷ lệ quản lý điều trị tương đối thấp. Hầu hết ĐTĐ đang được quản lý tại tuyến huyện trở lên, trong đó các BV tuyến trên chịu áp lực rất lớn. Vấn đề chúng ta cần nghiên cứu là làm sao giảm bớt số lượng bệnh nhân tại các cơ sở y tế tuyến trên, tăng số lượng bệnh nhân ĐTĐ được quản lý ở tuyến dưới, đặc biệt là sự tham gia của các trạm y tế xã trong quản lý bệnh mạn tính để sát với bệnh trạng cũng như giảm chi phí xã hội…”, ông Khoa chia sẻ. Để làm được điều này, sẽ cần cần các điều kiện: khả năng nhân lực y tế tuyến xã, danh mục thuốc cho bệnh nhân ở tuyến cơ sở… Thực tế có nhiều địa phương thực hiện tốt điều này, đây là vai trò điều tiết của Sở y tế. “Chúng ta cần có những điều chỉnh về chính sách để sử dụng chi phí hiệu quả. Hiện chúng tôi cũng đang nghiên cứu phương án điều chỉnh thời gian kê đơn thuốc cho bệnh nhân mạn tính, không giới hạn ở quy định tối đa 30 ngày như hiện nay, nhằm giảm gánh nặng theo dõi điều trị, chi phí…”, ông Khoa cho biết.
Bà Trần Thị Trang- Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cũng nhấn mạnh: đây là vấn đề cần phải xem xét trên nhiều khía cạnh như: Quy định thời gian cấp phát thuốc hiện nay, quy định điều kiện cấp thuốc, và cần quan tâm cả về cấp phát thuốc, bảo quản thuốc của người bệnh…
Thái An