Trình bày báo cáo của Chính phủ về Kế hoạch phát triển kinh tế những tháng đầu năm 2024, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh nhiệm vụ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội trong thời gian còn lại năm 2024 rất nặng nề, song nhất định chúng ta sẽ khắc phục mọi khó khăn, phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu đề ra.
Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững
Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, tình hình kinh tế- xã hội những tháng cuối năm tiếp tục phục hồi, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra.
Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 5,05% (số đã báo cáo đạt trên 5%), thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng ở mức cao trên thế giới và khu vực. Quy mô nền kinh tế đạt 430 tỉ đô, bước vào nhóm các nước trung bình cao, lạm phát kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 3,25% (số báo cáo tăng khoảng 3,5%). Thị trường tiền tệ, ngoại khối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm, thu NSNN đạt trên 1,75 triệu tỷ đồng, vượt 8,2%. Nhiều chính sách, giải pháp được thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả để hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân… Các lĩnh vực văn hóa- xã hội tiếp tục được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống người dân không ngừng được cải thiện; số hộ gia đình có thu nhập tăng lên và ổn định đạt 94,1%. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được tăng cường và bảo đảm; chủ quyền quốc gia được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh.
Về triển khai kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội những tháng đầu năm 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh, nhìn chung, tình hình kinh tế- xã hội những tháng đầu năm 2024 tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả tốt hơn cùng kỳ năm 2023 trên các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Tăng trưởng GDP quý I/2024 đạt 5,66%- cao nhất trong giai đoạn 2020- 2023 và là nỗ lực lớn trong bối cảnh nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 3,93% so với cùng kỳ. Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, giảm mặt bằng lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, chỉ số phát triển con người của Việt Nam tăng 8 bậc, xếp thứ 107/193. Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 11 bậc, xếp thứ 54/143. Tình hình lao động, việc làm phục hồi tích cực; tăng cường kết nối cung- cầu lao động, hỗ trợ NLĐ tìm việc làm; thu nhập NLĐ tăng lên. Quan tâm phát triển thị trường lao động ngoài nước. Các chương trình tín dụng chính sách xã hội tiếp tục được triển khai hiệu quả, góp phần tạo việc làm, sinh kế cho người dân (4 tháng đầu năm, các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ vay vốn cho trên 906 nghìn đối tượng, tạo việc làm cho hơn 261 nghìn lao động). Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao cho các ngành công nghiệp mới nổi, sản xuất chíp, bán dẫn. Chất lượng dịch vụ KCB, y tế cơ sở, y tế dự phòng tiếp tục được nâng lên; cơ bản bảo đảm thuốc, vật tư y tế.
Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chính sách BHXH, BHYT
Về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái khẳng định, Chính phủ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô. Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội. Nâng cao chất lượng dịch vụ KCB, y tế cơ sở, y tế dự phòng; bảo đảm thuốc, vắc- xin, trang thiết bị y tế; tăng cường quản lý môi trường y tế, an toàn thực phẩm. Thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế; thúc đẩy phát triển công nghiệp dược và dược liệu. Đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội; tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, NCC với cách mạng, giảm nghèo bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau. Mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT; mở rộng và nâng mức trợ cấp xã hội. Xây dựng phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng…
“Nhiệm vụ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội trong thời gian còn lại của năm 2024 là rất nặng nề, song với tinh thần đoàn kết, năng động nhất định chúng ta sẽ khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức, tận dụng mọi cơ hội, phát triển kinh tế- xã hội nhanh, bền vững, bảo đảm quốc phòng an ninh và hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả, phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu đề ra cho năm 2024 và cả giai đoạn 2021- 2025”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội những tháng đầu năm 2024, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế- xã hội những tháng đầu năm 2024 cũng bộc lộ những khó khăn, thách thức. Tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2024 dù cải thiện nhưng chưa quay lại quỹ đạo cần thiết, chưa đủ để tạo ra những bước đột phá cho phát triển bền vững và chưa thể giúp nước ta thoát khỏi nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN còn nhiều khó khăn; số DN rút lui khỏi thị trường (86,4 nghìn doanh nghiệp) cao hơn số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường (81,3 nghìn DN); cải cách TTHC còn một số tồn tại gây khó khăn cho DN, người dân. Thị trường lao động còn tiềm ẩn rủi ro, xuất hiện tình trạng lao động xin nghỉ việc hàng loạt do tâm lý e ngại chính sách đối với NLĐ thay đổi; đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo.
Chính vì vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ nâng cao năng lực phân tích, dự báo, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả. Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; củng cố, giữ vững vai trò và làm mới các động lực tăng trưởng chính, động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Có giải pháp hiệu quả tháo gỡ điểm nghẽn về năng suất lao động. Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; thực hiện tốt và hiệu quả việc cải cách tiền lương, chính sách BHXH, chính sách cho NCC và các chính sách giảm nghèo bền vững. Giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế; tháo gỡ vướng mắc để triển khai hiệu quả chính sách nhà ở xã hội; tiếp tục quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, giáo dục, dạy nghề…
Báo cáo kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 7 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định, cử tri và nhân dân vui mừng, phấn khởi, đánh giá cao tổng sản phẩm trong nước quý I/2024 tăng trên 5,6% so với cùng kỳ năm 2023, là năm cao nhất trong 4 năm trở lại đây. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân còn băn khoăn, lo lắng số DN giải thể, tạm ngưng hoạt động chưa có chiều hướng giảm, công nhân lao động bị ngừng việc, nghỉ việc, rút BHXH một lần tăng; thực hiện 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia vẫn còn chậm; giá các mặt hàng thiết yếu vẫn cao trong khi tiền lương chưa tăng ảnh hưởng đến đời sống của những người làm công, ăn lương và lao động thiếu việc làm, thu nhập không ổn định. Tình trạng thiếu một số vật tư, thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ KCB. Chất lượng KCB ở tuyến y tế cơ sở còn thấp; vẫn còn tình trạng quá tải ở các BV tuyến Trung ương. Danh mục thuốc BHYT còn bất cập…
Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị Đảng, Nhà nước chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia, nhất là Chương trình giảm nghèo và phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; sớm giải quyết khó khăn về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, sinh kế, an sinh xã hội. Tháo gỡ khó khăn để hạn chế các DN rời khỏi thị trường, tạo điều kiện để các DN phục hồi sản xuất, tạo việc làm cho NLĐ.
“Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan chức năng rà soát các văn bản hướng dẫn, các điều kiện “cần và đủ” để triển khai thực hiện chính sách tiền lương mới từ 1/7/2024. Trong đó, cần quan tâm giải quyết kịp thời bất cập, vướng mắc phát sinh để chính sách tiền lương mới thực sự động viên cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân và DN”- ông Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh.
V.Thu