Phần lớn các giáo viên ở Hàn Quốc đang không hài lòng với công việc của mình, nhưng không phải tất cả đều mong muốn tìm một công việc khác.
Một cuộc khảo sát do Liên đoàn Các hiệp hội giáo viên Hàn Quốc thực hiện nhân Ngày Nhà giáo nước này (ngày 15/5) cho thấy, chỉ 21,4% số giáo viên được hỏi bày tỏ sự hài lòng đối với công việc hiện tại, giảm mạnh so với tỷ lệ gần 70% của năm 2006.
Nói về những khó khăn lớn nhất trong công việc, 31,7% số ý kiến cho biết đó là việc dạy dỗ những học sinh quậy phá, tiếp đến là giải quyết khiếu nại và duy trì mối quan hệ tốt với phụ huynh học sinh (24%), và sau cùng là phải xử lý quá nhiều công việc hành chính dường như không liên quan đến giáo dục (22,4%).
Có tới 26,9% người được hỏi khẳng định họ đã thấy học sinh hoặc phụ huynh ghi âm cuộc trao đổi với giáo viên. Đề cập khả năng xảy ra kiện tụng, 62,7% số giáo viên tham gia khảo sát nói rằng họ sẵn sàng mua thiết bị ghi âm cho riêng mình.
Có khoảng 19,7% trong số hơn 11.000 giáo viên đang làm việc tại các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và đại học ở Hàn Quốc tham gia khảo sát quả quyết rằng nếu có cơ hội làm lại từ đầu, họ sẽ chọn nghề khác. Tỷ lệ này đã lần đầu tiên giảm xuống dưới 20% kể từ năm 2012.
Theo một cuộc khảo sát hồi tháng 2/2023 cũng của Liên đoàn Các hiệp hội giáo viên Hàn Quốc, 26,5% giáo viên phải nhận tư vấn hoặc điều trị các vấn đề tâm lý do công việc.
Hồi tháng 9 năm ngoái, hàng chục nghìn giáo viên ở xứ sở kim chi đã tham gia các cuộc biểu tình nhằm kêu gọi quyền được bảo vệ trước những học sinh ngỗ ngược và phụ huynh hạch sách. Một loạt trường học đã phải đóng cửa vì nhiều giáo viên đồng loạt xin nghỉ phép. Cuộc biểu tình này đã đánh dấu khoảnh khắc lịch sử ở Hàn Quốc, bởi đây là lần đầu tiên các giáo viên không hề có bất kỳ liên kết nào với các nhóm giáo dục có định hướng chính trị cùng nhau tham gia một hành động tập thể.
Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành nhiều chính sách về trường học nhằm đảm bảo giáo viên có thể "đuổi" học sinh quậy phá ra khỏi lớp và tịch thu điện thoại của học sinh, đồng thời yêu cầu phụ huynh sắp xếp công việc để đến trường nói chuyện với giáo viên.
Bất chấp những thay đổi chính sách đang diễn ra, các giáo viên vẫn liên tục lên tiếng sau khi đã dồn nén tức giận trong suốt thời gian dài. Sự bất mãn này đang tác động tiêu cực đến chất lượng giáo dục ở Hàn Quốc. Nhiều giáo viên đang cân nhắc chuyển nghề, bỏ việc hoặc nghỉ hưu sớm, dẫn đến tình trạng thiếu hụt những người có chuyên môn cao và ảnh hưởng đến khả năng học tập của học sinh.
Theo giới chuyên gia, xã hội Hàn Quốc quá coi trọng thành tích học tập nên không có gì ngạc nhiên khi phụ huynh tạo áp lực lớn cho giáo viên nói riêng và hệ thống giáo dục nói chung. Nhiều phụ huynh tin rằng họ có quyền đòi hỏi nhiều thứ từ trường học.
Hoàng Dương