Tại buổi khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH giai đoạn 2020-2023 mới đây tại BHXH TP.Hà Nội của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội, ông Phan Văn Mến- Giám đốc BHXH Thành phố cho biết: Trong giai đoạn 2020-2023, số người tham gia BHXH hàng năm của TP.Hà Nội đều đạt và vượt kế hoạch được giao. So sánh cho thấy, năm 2020, số người tham gia BHXH là 1.846.011 người, nhưng đến năm 2023 đã tăng lên 2.164.037 người (trong đó, có 2.057.698 người tham gia BHXH bắt buộc và 106.339 người tham gia BHXH tự nguyện). Như vậy, đã tăng thêm 318.026 người tham gia BHXH, tương đương 17,2% so với năm 2020.
Theo ông Phan Văn Mến, đạt được kết quả trên là do công tác BHXH, BHYT tại TP.Hà Nội luôn được BHXH Việt Nam, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức xã hội phối hợp hiệu quả và tập thể BHXH Hà Nội đoàn kết phấn đấu nỗ lực không ngừng.
Đơn cử, chỉ trong 3 năm (2020-2023), BHXH Thành phố phối hợp với các Sở, ngành, địa phương tham mưu Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố ban hành 53 văn bản (5 Nghị quyết, 2 Chương trình, 1 Chỉ thị, 14 Kế hoạch, 7 Quyết định và 24 văn bản) liên quan đến thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH. Đây là những Nghị quyết, Chương trình, Chỉ thị… có tính khả thi cao và mang tính chỉ đạo định hướng thực hiện một cách chính xác, thống nhất trong toàn thành phố. Các cấp uỷ Đảng, Chính quyền, các sở, ban, ngành cũng lấy đây làm căn cứ triển khai, vào cuộc để chung tay thực hiện tốt chính sách BHXH.
Đặc biệt, Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND ngày 6/7/2022 về việc quy định một số nội dung và mức chi thuộc thẩm quyền của HĐND Thành phố quy định mức hỗ trợ tiền tham gia BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn thành phố Hà Nội hay Nghị quyết số 21/2023/NQ-HĐND ngày 08/12/2023 về hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện cho công an xã bán chuyên trách được bố trí ở thôn tham gia đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở, thời gian hỗ trợ từ 01/01/2024… là những cơ chế chính sách rất đặc thù, thiết thực. Nhiều người dân nhờ đó được tham gia BHXH, được thụ hưởng chính sách an sinh.
Để có nguồn lực giải quyết chế độ, chi trả quyền lợi cho người tham gia, BHXH Hà Nội đã luôn nỗ lực hoàn thành và vượt chỉ tiêu thu BHXH, BH thất nghiệp do Chính phủ, BHXH Việt Nam giao, số thu năm sau cao hơn năm trước. Năm 2020, tổng số thu BHXH là 33.321 tỷ đồng, đến năm 2023 đã là 44.138 tỷ đồng (tăng 10.817 tỷ đồng, tương đương 32,5% so với năm 2020). Tổng số thu cả giai đoạn 2020 – 2023 là 152.190 tỷ đồng, bình quân mỗi năm tăng 9,7%. BHXH Thành phố phối hợp với các Sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp 22.213 cuộc. Tỷ lệ thu hồi tiền chậm đóng khoảng 70-80% trong các năm.
BHXH Thành phố cũng đã phối hợp chặt chẽ với Bưu điện Thành phố trong tổ chức thực hiện công tác chi trả các chế độ BHXH hàng tháng và BHXH một lần qua 2 hình thức: chi trả bằng tiền mặt và chi trả qua tài khoản cá nhân. Giai đoạn 2020-2023, BHXH Thành phố chi lương hưu, trợ cấp BHXH cho 8.147.671 lượt người hưởng một cách an toàn, đầy đủ.
Với phương châm “Lấy DN, Nhân dân và NLĐ làm trung tâm phục vụ”, BHXH TP.Hà Nội thường xuyên rà soát các TTHC thuộc thẩm quyền để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị BHXH Việt Nam sửa đổi những TTHC không phù hợp theo hướng đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của các tổ chức, cá nhân. Đẩy mạnh cắt giảm thành phần, số lượng giấy tờ, hồ sơ TTHC nhằm giảm thời gian thực hiện các TTHC về tham gia và hưởng các chế độ BHXH, BHYT của các đơn vị, DN. Đến nay, có trên 99,18% đơn vị tham gia BHXH, BHYT thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử. Những đơn vị chưa thực hiện giao dịch điện tử đã thực hiện giao dịch qua dịch vụ Bưu chính, chủ yếu là các đơn vị SDLĐ dưới 10 người. BHXH thành phố đã thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.
Tại buổi làm việc, đại diện Lãnh đạo BHXH quận Hoàn Kiếm, Đông Anh và đại diện một số DN như Tổng Công ty May 10, Công ty Cổ phần Khóa Việt Tiệp, Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt, Ngân hàng Đông Nam Á, đại diện các sở, ban, ngành đã phản ánh những bất cập, khó khăn và thảo luận, tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật BHXH sửa đổi. Đồng thời, đề xuất: Thứ nhất, để tăng sự hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện cần tăng mức hỗ mức trợ đóng; giảm điều kiện thời gian đóng để hưởng lương hưu và bổ sung thêm chế độ hưởng; Thứ hai, bổ sung quy định nghiêm cấm hành vi cầm cố, mua bán sổ BHXH; hành vi mượn hồ sơ, giấy tờ của người khác để tham gia quan hệ lao động và tham gia BHXH…
Theo bà Phạm Thị Thanh Mai- Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội, nhìn vào những kết quả trên, đặc biệt là kết quả về sự tăng trưởng độ bao phủ BHXH, chuyển đổi số nâng cao chất lượng phục vụ, cho thấy, chính sách BHXH ngày càng bám sâu vào cuộc sống. Tuy nhiên, BHXH thành phố cần phấn đấu hơn nữa để hoàn thành mục tiêu mà Nghị quyết 28-NQ/TW đề ra. Cụ thể, cần tiếp tục mở rộng khai thác nguồn tham gia BHXH, giảm thiểu tối đa tình trạng chậm đóng BHXH. Trong công tác thanh tra, kiểm tra, BHXH Thành phố nên đảm bảo thanh tra, kiểm tra tập trung, nhưng nên phân loại rủi ro, hạn chế thanh tra, kiểm tra nhiều lần, đảm bảo cho DN tập trung sản xuất, kinh doanh.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố cũng ghi nhận những kiến nghị, đề xuất để trình lên Quốc hội sửa đổi Luật BHXH theo hướng mở rộng quyền lợi, thu hút người tham gia BHXH, bảo đảm tốt hơn quyền an sinh của người dân.
Châu Anh