Sáng 8/5, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa tiếp xúc cử tri chuyên đề với hơn 400 đoàn viên, công nhân lao động trên địa bàn tỉnh.
Báo cáo công tác chăm lo cho đoàn viên, NLĐ năm 2023 và 4 tháng năm 2024 với Đoàn ĐBQH tỉnh, ông Mai Bá Nam- Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh nêu rõ, toàn tỉnh Thanh Hóa có 345.900 công nhân, viên chức, NLĐ, trong đó có 332.401 đoàn viên công đoàn. Trong năm 2023 và 4 tháng năm 2024, hoạt động chăm lo cho đoàn viên, NLĐ được các cấp công đoàn chú trọng. LĐLĐ tỉnh xét hỗ trợ 7,018 tỷ đồng cho 3.447 đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, bị ốm đau bệnh hiểm nghèo, TNLĐ-BNN. Trong đó, hỗ trợ làm nhà và sửa nhà cho 54 đoàn viên với số tiền 2,125 tỷ đồng; thăm hỏi, hỗ trợ 1.543 đoàn viên ốm đau, mắc bệnh hiểm nghèo; tặng quà cho 1.166 đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn...
Tại buổi tiếp xúc, các cử tri đã đưa ra nhiều câu hỏi liên quan đến cơ chế, chính sách đảm bảo và nâng cao đời sống cho công nhân, viên chức, NLĐ như: Đối với việc chi trả tiền lương cho NLĐ, doanh nghiệp cần căn cứ vào tiền lương đã thỏa thuận, năng suất lao động và chất lượng thực hiện công việc tương xứng với sức lao động, năng suất lao động mà NLĐ đã tạo ra cho doanh nghiệp.
Đối với các dự án nhà ở xã hội cần được thông tin một cách chính thống qua Công đoàn để Công đoàn thông tin kịp thời đến NLĐ, hỗ trợ NLĐ tiếp cận với các dự án nhà ở xã hội để NLĐ sớm có cơ hội được mua nhà ở xã hội. Ngoài ra, do điều kiện của NLĐ còn hết sức khó khăn, cần có chính sách ưu đãi mua nhà ở xã hội đối với công nhân lao động. Đồng thời, cử tri cũng đề nghị Quốc hội bổ sung các quy định pháp lý, các chế tài để ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng chủ doanh nghiệp bỏ trốn; Quốc hội xem xét, có chính sách cho NLĐ có con từ 7 tuổi đến dưới 16 tuổi ốm đau được nghỉ làm để chăm sóc…
Trước đây, ông Nguyễn Văn Tuấn- Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần may Tatsu (huyện Yên Định) làm việc tại Công ty TNHH may TS Vina (huyện Yên Định). Trong quá trình làm việc, do Công ty nợ tiền lương, BHXH, BHYT, BH thất nghiệp quá dài, số tiền nợ lớn (gần 20 tỷ đồng), không có khả năng trả nợ dẫn đến ngừng hoạt động từ năm 2020, chủ doanh nghiệp bỏ trốn, gây thiệt hại hơn 300 lao động. Mặc dù cơ quan chức năng đã thanh tra, xử phạt nhiều lần nhưng Công ty không chấp hành, đến nay, không có hướng giải quyết. Quyền lợi về BHXH của NLĐ đến nay vẫn bị treo. NLĐ không thể chốt được sổ BHXH cho giai đoạn làm việc tại Công ty mặc dù chuyển sang doanh nghiệp khác làm việc nhiều năm. Tại hội nghị, công nhân Nguyễn Văn Tuấn đề nghị, Quốc hội bổ sung các quy định pháp lý, chế tài để ngăn chặn, xử lý hiệu quả tình trạng chủ doanh nghiệp bỏ trốn. Quốc hội cần sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật để giải quyết tình trạng chủ doanh nghiệp bỏ trốn nhằm đảm bảo quyền lợi của NLĐ.
Còn bà Hoàng Thị Hằng- Chủ tịch LĐLĐ huyện Quảng Xương chia sẻ, cuối quý I/2024, số công nhân lao động trong khối doanh nghiệp giảm so với cuối quý IV/2023 là 4.016 người. Số công nhân lao động này đã nghỉ việc, bỏ việc để chuyển đến địa phương khác làm việc hoặc làm công việc khác có thu nhập tốt hơn. Nguyên nhân cơ bản của việc giảm lao động trong các doanh nghiệp là do doanh nghiệp trả lương cho công nhân lao động còn thấp, chưa tương xứng năng suất, hiệu quả lao động của NLĐ…
Sau khi nghe các ý kiến của cử tri, đại diện các sở, ngành liên quan đã giải đáp thắc mắc, làm rõ những vấn đề cử tri quan tâm, đồng thời trình bày một số giải pháp, chủ trương về phát triển nhà ở xã hội, xây dựng thiết chế văn hóa phục vụ công nhân; vấn đề việc làm, tai nạn lao động; thực hiện chính sách BHXH...
Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, ông Lại Thế Nguyên- Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đánh giá cao các ý kiến thẳng thắn, trách nhiệm, có tính xây dựng cao, phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng và những kiến nghị của công nhân, viên chức, NLĐ gửi đến Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành ở Trung ương, Tổng LĐLĐ Việt Nam, các cấp chính quyền trong tỉnh. Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp thu, tổng hợp những vấn đề mà cử tri phản ánh để trình Quốc hội, các bộ, ngành, Tổng LĐLĐ Việt Nam, UBND tỉnh và các sở, ngành xem xét, giải quyết theo quy định. Trong đó, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ chuyển các ý kiến, kiến nghị của cử tri đến Tổng LĐLĐ Việt Nam, BHXH Việt Nam và các bộ, ngành liên quan xung quanh các vấn đề tiền lương, BHXH, nhà ở cho công nhân, NLĐ. Đồng thời, ông Lại Thế Nguyên cũng mong muốn cử tri tiếp tục nghiên cứu và đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi); Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) thông qua các kênh, các diễn đàn, để đạo luật sau khi được thông qua sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, không có vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.
Trước đó, tiếp xúc với cử tri là công nhân, NLĐ trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận của Đoàn ĐBQH tỉnh, cử tri đã có nhiều ý kiến, kiến nghị liên quan trực tiếp đến đời sống đoàn viên, công nhân, NLĐ như: một số chính sách, quy định pháp luật về BHXH; bổ sung những điểm mới để thu hút NLĐ tham gia BHXH, tránh tình trạng rút BHXH một lần; chính sách về cải cách tiền lương đối với khu vực công; Luật Công đoàn; tài chính công đoàn… Ngoài ra, cử tri cũng kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành Trung ương điều chỉnh phân vùng TP Phan Rang Tháp Chàm từ vùng III lên vùng II; các huyện lân cận từ vùng IV lên vùng III; kiến nghị Quốc hội xem xét, có biện pháp tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện về chính sách tuyển dụng cán bộ công đoàn, để có thể thu hút đội ngũ cán bộ công đoàn có nhiều kinh nghiệm, trưởng thành từ cơ sở theo đúng tinh thần Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới…
Theo đoàn viên Nguyễn Công Tuấn, đến tháng 3/2024, Ninh Thuận có 204 doanh nghiệp nợ BHXH 3 tháng, tình trạng doanh nghiệp trốn, chậm và chiếm dụng tiền BHXH của NLĐ vẫn diễn ra và có xu hướng tăng. Do vậy, cử tri kiến nghị sửa đổi Luật BHXH lần này cần xây dựng quy định chi tiết, cụ thể hơn, chế tài mang tính răn đe hơn nữa, xử lý nghiêm các chủ doanh nghiệp cố tình trốn đóng, chậm đóng BHXH để đảm bảo quyền lợi của NLĐ.
Ông Nguyễn Mai Anh Tuấn- Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Phan Rang- Tháp Chàm cho rằng, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã bổ sung Điều 41 quy định cơ chế có tính chất “đặc thù” để bảo vệ NLĐ trong trường hợp người SDLĐ chậm đóng, trốn đóng quy định tại Điều 37 và Điều 38. Việc bổ sung quy định này là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, thực tiễn vẫn còn một bộ phận NLĐ bị treo quyền lợi BHXH do doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả dẫn đến giải thể, phá sản hoặc chủ doanh nghiệp cố tình bỏ trốn... Chính vì vậy, Quốc hội xem xét các quy định cụ thể hơn, chế tài xử lý mạnh hơn để giải quyết vấn đề này triệt để, NLĐ mới an tâm khi tham gia BHXH.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến của công nhân lao động cho rằng chính sách BHXH tự nguyện hiện tại mới chỉ có chế độ hưu trí và chế độ tử tuất. Việc bổ sung trợ cấp thai sản do NSNN đảm bảo như Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) lần này là bước tiến mới. Song, cần nghiên cứu thiết kế các gói BHXH tự nguyện ngắn hạn, linh hoạt để NLĐ có nhiều sự lựa chọn tham gia và thụ hưởng. Đề nghị Quốc hội xem xét từng bước mở rộng sang các chế độ khác (như ốm đau) vào chế độ mà người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng dựa trên mức đóng góp.
Anh Bùi Văn Phúc- Công ty TNHH May Tân Tiến Ninh Thuận cũng kiến nghị Quốc hội xem xét chọn phương án về BHXH tự nguyện nhằm đảm bảo đầy đủ chế độ, quyền lợi của người tham gia. Ngoài ra, đề nghị có các nhóm giải pháp đồng bộ hơn để hỗ trợ NLĐ vượt qua khó khăn trong giai đoạn mất việc làm như: Tín dụng ưu đãi, dạy nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, phát triển thị trường lao động để giảm thiểu tình trạng NLĐ chọn rút BHXH một lần mà bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí về sau…
Nguyệt Hà