Thế giới hiện có khoảng 1,2 tỷ thanh niên độ tuổi từ 15 đến 24, phần lớn cư trú tại các quốc gia đang phát triển. Trong đó, châu Phi tự hào có châu lục có dân số trẻ nhất thế giới, với 60% công dân dưới 25 tuổi và độ tuổi trung bình là khoảng 19 tuổi (so với độ tuổi trung bình của Mỹ là 39 tuổi). Nhóm nhân khẩu học này mang đến cho các quốc gia châu Phi những cơ hội và thách thức, đặc biệt là trong việc khai thác tiềm năng của dân số trẻ và trao quyền lãnh đạo cho thanh niên.
Độ tuổi trung bình của các nhà lãnh đạo châu Phi hiện vào khoảng 63 tuổi; trong khi đó, châu lục này có tới 60% công dân dưới 25 tuổi và độ tuổi trung bình là khoảng 19 tuổi. Theo Brookings, 80 triệu thanh niên châu Phi đang sống trong tình trạng nghèo đói cùng cực, phải đối mặt với tình trạng thiếu việc làm; khả năng tiếp cận giáo dục thấp và bất bình đẳng giới cao. Phụ nữ và trẻ em gái đảm nhận phần lớn công việc gia đình, bao gồm như chăm sóc trẻ em, nấu ăn, xách nước… dẫn đến tỷ lệ có việc làm thấp hơn so với nam giới. Theo nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), việc thanh niên không có việc làm và không được học tập hoặc đào tạo, dẫn đến nghèo đói, cùng nhiều hạn chế khác.
Theo Phó Tổng Thư ký LHQ Rosemary DiCarlo, các Chính phủ cần có nhiều hỗ trợ và đầu tư hơn cho thanh niên vì “đầu tư vào thanh niên là đầu tư cho hòa bình”. Đồng thời, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ghi nhận tiếng nói và quan điểm của người trẻ ở các vị trí lãnh đạo. Các Chính phủ xem xét ưu tiên và thúc đẩy giáo dục bằng cách tích cực xóa bỏ các “rào cản”, đặc biệt là đối với phụ nữ, về giáo dục- việc làm.
LHQ cũng giới thiệu một số mô hình, sáng kiến hay tại châu Phi trong việc trao quyền lãnh đạo cho thanh niên, có thể kể đến:
Chương trình Trao quyền và Sinh kế cho Thanh thiếu niên (ELA): Do Ủy ban Phát triển Nông thôn Bangladesh (BRAC) khởi xướng, phủ sóng ở Liberia, Sierra Leone, Tanzania, Nam Sudan và Uganda, với nội dung tích hợp trao quyền xã hội, trao quyền kinh tế, sự tham gia của cộng đồng và giáo dục cho thanh niên, trong đó có phụ nữ trẻ, trẻ em gái. Các dự án, khóa học của BRAC giúp thanh niên xây dựng sự tự tin, tư duy phản biện, khả năng lãnh đạo, kỹ năng ra quyết định và kỹ năng xã hội. Đồng thời, giúp củng cố kiến thức về pháp luật, sức khỏe tình dục và sinh sản, bạo lực trên cơ sở giới, tảo hôn, quyền con người… tóm lại, giúp chuẩn bị cho những người trẻ châu Phi phát triển thành người trưởng thành với ưu điểm mạnh mẽ, kiên cường và linh hoạt.
Sáng kiến Hỗ trợ thanh niên của UNICEF ở Tây và Trung Phi: Với nội dung vận động và truyền cảm hứng cho thanh thiếu niên, qua đó giúp thay đổi xã hội tốt đẹp hơn. Sáng kiến là “cầu nối” để các nhà lãnh đạo thế giới hiểu rõ hơn về những vấn đề mà trẻ em đã và đang gặp phải. Ví dụ, Djedje Aurélia Esther, một cô bé 16 tuổi, quốc tịch Côte d'Ivoire trở thành người điều phối chính của CLB Giáo dục Nhân quyền và Quyền Công dân tại trường học của mình. Ngoài ra, cô bé còn tạo ra một trò chơi board game tập trung vào Kỹ năng sống vì hòa bình và hiện là Phó Điều phối viên nền tảng quốc gia của các tổ chức trẻ em ở Côte d'Ivoire trong việc bảo vệ quyền trẻ em.
Cộng đồng Lãnh đạo trẻ toàn cầu châu Phi, tổ chức được bảo trợ bởi Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) và Quỹ Aliko Dangote: Chương trình đào tạo và khuyến khích các diễn giả trẻ tuổi nêu lên quan điểm của họ về các vấn đề kinh tế- xã hội. Qua đó, giúp người trẻ ở các quốc gia đang phát triển được lắng nghe và ghi nhận nguyện vọng của họ trên phạm vi toàn cầu, đồng thời giúp thúc đẩy các cuộc đối thoại quốc tế liên quan và ghi nhận, giới thiệu các giải pháp, sáng kiến có thể mang lại sự thay đổi tích cực cho quê hương, cộng đồng của họ.
Như vậy, việc trao quyền cho thanh niên thông qua các sáng kiến giáo dục, lãnh đạo và vận động hứa hẹn mang lại sự thay đổi mang tính chuyển đổi. Những nỗ lực này không chỉ bồi dưỡng các nhà lãnh đạo trẻ mà còn đảm bảo tiếng nói của họ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai của cộng đồng. Với sự hỗ trợ bền vững và các cơ hội mở rộng, hy vọng rằng dân số trẻ của Châu Phi có thể thúc đẩy sự tiến bộ và đổi mới trên khắp lục địa.
Tùng Anh (Theo UN)