Các bác sĩ BV ĐKQT S.I.S Cần Thơ vừa ngoạn mục can thiệp bít túi phình mạch máu não kích thước lên đến 25x35mm, cỡ đầu ngón tay cái người lớn, ngăn chặn thành công nguy cơ xuất huyết não đe dọa tính mạng bệnh nhân.
Đó là bệnh nhân N.T.S (sinh năm 1955), người đã lần thứ 2 can thiệp túi phình sau 8 năm can thiệp lần đầu tại một BV ở TP.HCM. Ghi nhận bệnh sử cho thấy, trước nhập viện S.I.S Cần Thơ 3 ngày, bà S. bị đau đầu âm ỉ, buồn nôn nên đi khám ở bệnh viện gần nơi cư trú. Kết quả chụp cộng hưởng từ (MRI) ghi nhận túi phình đã đặt dây xoắn mạch máu (Coil) một phần. Song, kích thước túi phình đã to thêm, nên bà S. được chuyển đến BV S.I.S Cần Thơ để tiếp tục điều trị.
Hình ảnh dựng 3D từ máy DSA cho thấy túi phình khổng lồ của bà S.
Tại đây, kết quả chụp ảnh mạch máu số hóa xóa nền (DSA) cho thấy, bà S. có túi phình khổng lồ động mạch cảnh trong, bên trái đoạn động mạch mắt đã đặt coil một phần, kích thước 25x35mm (cỡ đầu ngón tay cái người lớn), cổ rộng và gập góc. Vậy là các bác sĩ khẩn trương hội chẩn và đưa ra phương án điều trị tối ưu, cũng có thể nói gần như duy nhất, cho trường hợp của bà S.: Đặt stent chuyển dòng (FD) để thay đổi dòng chảy của máu, không xoáy vào lòng túi phình để ngăn chặn túi phình vỡ ra.
“Tuy nhiên, đây là một trường hợp phình mạch máu não khổng lồ rất khó, nằm ở sâu trong não (động mạch cảnh trong đoạn động mạch mắt), cổ túi lại gập góc như cua cùi chỏ trên đường vượt đèo, nên dây dẫn rất khó tiếp cận và đi ngang qua cổ túi phình...”- TS.BS.Trần Chí Cường, Giám đốc chuyên môn BV S.I.S Cần Thơ cho biết. Ghi nhận bệnh sử còn cho thấy, bà S. đã được can thiệp trước đó với sự hỗ trợ của chuyên gia nước ngoài để đặt Stent chuyển dòng, song không thành công (chi phí gần 1 tỷ đồng).
Theo chuyên gia, đây thực sự là một áp lực lớn cho kíp can thiệp và cả gia đình bệnh nhân. Song, túi phình đang tiến triển với nguy cơ vỡ cao không thể không chữa…, dù trước ca can thiệp không nói trước được điều gì. “Chúng tôi hạ quyết tâm cố gắng hết sức và tiết kiệm hết sức, chỉ cầu mong làm sao cho bệnh nhân an toàn”- BS.Cường chia sẻ thêm. Với sự đồng ý tuyệt đối của gia đình, các bác sĩ thực hiện ca can thiệp theo hướng thống nhất ban đầu.
TS.BS.Trần Chí Cường thăm khám bà S. sau can thiệp
“Sau gần 3 giờ, ca can thiệp với sự hỗ trợ của công nghệ cao như hệ thống máy DSA Artics Icono biplane, công nghệ dựng hình 3D... để quan sát rõ cổ túi phình, chúng tôi đã thực hiện ca can thiệp thành công ca túi phình khó nhất trong năm 2023”- BS.Cường phấn khởi. Được biết, toàn bộ chi phí can thiệp giữ tính mạng bà S. vào khoảng 400 triệu đồng. Do có tham gia BHYT nên bà S. còn nhận được sự san sẻ từ Quỹ BHYT.
“Qua 7 ngày điều trị sau can thiệp, sức khỏe của bà S. đã hồi phục tốt và đã xuất viện”- BS.Cường thông tin thêm. Dịp này, chuyên gia hàng đầu về can thiệp khu vực phía Nam cũng lên tiếng cảnh báo: Trong vòng 2 tuần trở lại đây, phía BV S.I.S ghi nhận có quá nhiều ca đột quỵ xuất huyết não phải nhập viện cấp cứu. Trong đó, số ca đột quỵ trẻ chẩn đoán muộn dẫn đến tử vong tăng khá cao. “Với những trường hợp đau đầu thường xuyên kéo dài, sụp mi mắt, nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị sớm tránh túi phình vỡ...”- chuyên gia khuyến cáo.
Thanh Giang