Sáng ngày 24/9/2024, tại Hà Nội, Cục Dân số (Bộ Y tế) phối hợp với Tổ chức Di cư Quốc tế tại Việt Nam tổ chức Hội thảo Di cư và Sức khỏe Người di cư nội địa.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Thanh Dũng- Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế), Thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia Dân số và Phát triển cho biết: Dân số Việt Nam hiện đang là 100,3 triệu người, trong đó dân số đô thị chiếm 38,13%. Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng với 67,7 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm 67,4% tổng dân số. Đây là lực lượng di cư lớn tại Việt Nam.
Ông Lê Thanh Dũng- Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) phát biểu tại Hội thảo
Kết quả Điều tra Biến động Dân số và Kế hoạch hóa gia đình 1/4/2022 của Tổng cục Thống kê cho thấy, dòng di cư lớn nhất ở nước ta là từ thành thị đến thành thị, chiếm tới 44,6% tổng số các dòng di cư trong cả nước.Khu vực có tỷ suất xuất cư cao nhất là Đồng bằng sông Cửu Long và Trung du, miền núi phía bắc. Khu vực thu hút người di cư nhất là Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng. Các tỉnh có tỷ suất xuất cư cao như: Lạng Sơn, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Bạc Liêu. Các tỉnh, thành phố có tỷ suất nhập cư cao như: Bắc Ninh, Bình Dương, Đà Nẵng, TP.HCM, Thừa Thiên Huế, Long An.
Xu hướng nữ hóa di cư thường quan sát được trong nhiều năm qua. Năm 2022, nữ di cư chiếm 53,2%. Tỷ lệ nữ di cư cao hơn nam di cư ở hầu hết các dòng di cư, ngoại trừ dòng di cư nông thôn - thành thị, tỷ lệ nam giới di cư cao hơn nữ giới 3,4 điểm phần trăm.
Di cư mang đến các cơ hội về giáo dục, việc làm, thu nhập, chuyển giao công nghệ, giao lưu văn hóa, thúc đẩy hợp tác giữa nơi đi và nơi đến. Di cư là sự tất yếu và là động lực của quá trình phát triển. Tuy nhiên, di cư cũng tạo ra những khó khăn, thách thức cho cả nơi đi và nơi đến; người di cư thuộc nhóm dân số dễ bị tổn thương và gặp khó khăn, thách thức trong việc tiếp cận dịch vụ xã hội.
Về sức khỏe người di cư, kết quả Điều tra Di cư nội địa Quốc gia 2015 cho thấy: 60% số người di cư được hỏi cho biết sức khỏe hiện nay là bình thường, 2/3 có thẻ BHYT (70,2%). Đa số người di cư (63%) tự chi trả chính cho lần đau/bệnh gần nhất của mình; trên 70% người di cư sử dụng dịch vụ y tế công. Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai của phụ nữ di cư (37,7%) thấp hơn so với người không di cư (58,6%). Tỷ lệ người di cư dùng rượu bia cao hơn người không di cư. Những thói quen này không chỉ hại cho sức khỏe mà còn không phù hợp với môi trường công việc.
Các nghiên cứu trong và ngoài nước đều cho thấy người di cư thuộc nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất là trong những tình huống y tế công cộng khẩn cấp (đặc biệt trong đại dịch Covid-19). Người di cư phải đối mặt với nhiều vấn đề như hạn chế di chuyển, giảm lương, mất việc làm, các nguy cơ, sự chậm trễ và gián đoạn trong việc chăm sóc sức khỏe...
Theo các chuyên gia, sức khỏe người di cư là một vấn đề xuyên suốt, liên quan nhiều cấp, ngành, cần có hướng giải quyết một cách toàn diện, liên ngành với sự tham vấn các bên liên quan. Sức khỏe người di cư cũng chính là sức khỏe của doanh nghiệp và của nền kinh tế. Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 đã yêu cầu quan tâm, đầu tư đối với nhóm dân số dễ bị tổn thương trong đó có người di cư.
Toàn cảnh Hội thảo
Tham luận tại Hội thảo, bà Nguyễn Hải Ninh- Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dân số, Lao động, Việc làm (Viện Khoa học Lao động và Xã hội) đề xuất một số giải pháp về chính sách việc làm và an sinh xã hội với lao động di cư. Theo đó, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, việc làm: Luật Việc làm, Luật Giáo dục nghề nghiệp… Phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động thông minh, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm dịch vụ việc làm. Phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại; thúc đẩy học tập suốt đời, đào tạo chuyển đổi việc làm cho NLĐ; khuyến khích các mô hình khởi nghiệp nông nghiệp…
Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong thực hiện chính sách việc làm và an sinh xã hội. Hoàn thiện hệ thống định danh để tích hợp hệ thống thông tin về việc làm, an sinh xã hội. Chuẩn hoá phương pháp xác định đối tượng và đăng ký đối tượng thụ hưởng trong các chương trình chính sách. Đơn giản hoá, cải cách TTHC về vấn đề cư trú.
Ông Vũ Đình Huy- Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam đánh giá: Người di cư nội địa gặp nhiều vấn đề về sức khỏe. Với nhóm di cư không chính thức, thường khó khăn hơn do điều kiện sống, điều kiện làm việc, giờ làm việc, công việc thường không được kiểm soát; thường có xu hướng có lối sống không lành mạnh như uống rượu bia, hút thuốc lá, ăn đồ ăn không bảo đảm vệ sinh; có khả năng cao bị mắc các bệnh truyền nhiễm (lây qua đường tình dục, lao, …) và cả bệnh không lây nhiễm trong đó có bệnh tâm lý.
Báo cáo Nghiên cứu Thực trạng sức khỏe người di cư tại Việt Nam năm 2019 của Tổ chức Di cư quốc tế, Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế đã cho thấy, người di cư còn có các rào cản, khó khăn liên quan đến tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe như thiếu kiến thức về quyền lợi BHYT, thiếu các chương trình truyền thông về sức khỏe cộng đồng, sự tham gia của các bên...
Nhiều người di cư, nhất là nhóm không chính thức có thể có nhiều yếu tố xã hội ảnh hưởng đến sức khỏe như điều kiện sống kém, điều kiện làm việc thiếu an toàn, giờ làm việc kéo dài, có khả năng cao bị bạo hành/lạm dụng... Khả năng sử dụng dịch vụ y tế bị hạn chế do không có thẻ BHYT, hoặc do các yếu tố xã hội khác (giờ làm việc nhiều không đi khám bệnh được, thiếu sự hỗ trợ của gia đình, thu nhập thấp.
Theo chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới, để hỗ trợ cho người di cư nội địa cần có các biện pháp cung cấp kiến thức về sức khỏe như sách hướng dẫn, tăng cường truyền thông giáo dục; Củng cố mạng lưới chăm sóc xã hội như tạo điều kiện về nhà ở, giáo dục, vệ sinh, chế độ BHYT, củng cố y tế cơ sở....; xây dựng các chính sách/quy định về an toàn lao động, điều kiện làm việc, cơ sở chăm sóc ban đầu tại công ty,… và giám sát thực hiện; thực hiện khám sức khỏe định kỳ.
Tại hội thảo, các diễn giả, đại biểu tập trung thảo luận nhằm nhận diện một số vấn đề nhân khẩu học của di cư nội địa hiện nay; mối quan hệ giữa di cư với phát triển bền vững, di cư với việc làm, di cư với an sinh xã hội, di cư với giới và đặc biệt là hướng đến việc nâng cao sức khỏe người di cư; tăng cường sự hợp tác và tham gia của các bên, chia sẻ những sáng kiến, cách làm hay và đưa ra các khuyến nghị phù hợp.
Hà Hùng