Nhiều ngày nay, các diễn viên, biên kịch ở Hollywood đã tạo nên một cuộc đình công lớn chưa từng có trong lịch sử. Có thể nói, việc này làm “tê liệt” ngành giải trí thế giới nói chung, ngành giải trí Mỹ nói riêng.
Nguyên nhân sâu xa của cuộc đình công của Hiệp hội Biên kịch Mỹ- Hiệp hội Diễn viên Mỹ bao gồm các vấn đề thù lao và điều kiện làm việc trong bối cảnh dịch vụ phát trực tuyến (streaming) lên ngôi, còn nguồn thu từ truyền hình lại có xu hướng giảm; vấn đề cắt giảm lao động để tiết kiệm chi phí sản xuất; vấn đề giảm tiền tác quyền khi tái sử dụng sản phẩm giải trí và một số vấn đề khác, đặc biệt là yêu cầu phải quản lý chặt việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI).
Đại dịch Covid-19 làm ngành, nghề dịch vụ- trong đó có NLĐ làm việc trong lĩnh vực giải trí, gặp nhiều khó khăn. Hiện tại, khi mọi lĩnh vực kinh tế đang dần dần trở lại ổn định, thì NLĐ làm việc trong lĩnh vực giải trí vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn. “Ước mơ của sinh viên các ngành nghệ thuật, diễn viên mới đang bị trì hoãn bởi các cuộc đình công kép đã và đang diễn ra”- bà Jessica Payne, cựu diễn viên và giờ là giảng viên dạy diễn xuất, nhận định – “Chúng tôi nhận ra rằng, càng đình công, mọi chuyện càng bế tắc. Có những học viên của tôi đã nhận được lời mời đóng vai chính hay tham gia những dự án lớn, song tất cả dừng lại vô thời hạn do đình công. Điều này rất bất lợi cho nghệ sỹ trẻ, nhất là người đang chập chững những bước đầu tiên trong sự nghiệp…”.
Một giảng viên dạy diễn xuất khác là Natalia Castellanos cũng cho biết: “Có thể nhanh chóng nhận thấy hệ lụy sau khi các cuộc đình công bắt đầu. Số lượng học viên của các lớp đào tạo giảm xuống không phanh. Lý do là sinh viên các ngành nghệ thuật, diễn viên mới mất đi cơ hội nghề nghiệp nên không thể có tiền trang trải cuộc sống, chứ đừng nói đến việc tham gia các lớp đào tạo để trau dồi kỹ năng nghề nghiệp. Mặc dù diễn xuất vốn là một ngành nghề đặc thù, không phải ai cũng có năng khiếu để theo đuổi, song rõ ràng các cuộc đình công đã tạo thêm nhiều trở ngại cho sinh viên các ngành nghệ thuật và diễn viên mới”.
Đến Los Angeles (Mỹ) khoảng 15 năm trước, Natalia Castellanos trở thành giảng viên dạy diễn xuất, nhờ kinh nghiệm dạn dày trong quảng cáo, lồng tiếng, truyền hình và điện ảnh. Khi lớp đào tạo thưa vắng học viên; các khoản thù lao từ nghề ngày càng giảm, nữ giảng viên đang phải tìm kiếm một công việc mới để bù đắp thu nhập đã mất. Một học viên của cô, Krystal Alvarez, cho biết cảm nhận được tác động của cuộc đình công đối với sự nghiệp mới bắt đầu của mình: “Tôi chứng kiến nhiều đồng nghiệp xung quanh đã chán nản và bỏ cuộc vì thiếu cơ hội. Tôi cũng như họ, có lúc không biết phải làm gì, song với tôi đam mê diễn xuất là điều không hề lay chuyển. Mục tiêu hàng đầu của tôi luôn là diễn xuất và sẽ luôn là diễn xuất”.
Tùng Anh (Theo AMPTP)