Tác giả Huỳnh Mai Liên vừa ra mắt tập thơ “Bay qua Hồ Gươm”, gồm 54 bài thơ- là những lời thủ thỉ tâm tình cùng con gái về Hà Nội.
Tác giả Huỳnh Mai Liên không sinh ra ở Hà Nội, nhưng chị đã gắn bó với thành phố này trên 30 năm. Bởi vậy, từng ngõ phố, từng con đường, từng địa danh, từng nét đẹp văn hóa- đời sống đã trở nên quen thuộc với chị. Tập thơ “Bay qua Hồ Gươm” ra mắt dịp Hà Nội kỷ niệm 70 năm giải phóng, chính là tấm chân tình mà chị muốn gửi gắm tới thành phố này. Đây cũng là dự án riêng về Hà Nội mà Huỳnh Mai Liên đã ấp ủ từ lâu.
“Khi đang biên tập bài thơ cho SGK lớp 5 của bộ sách Cánh diều, tôi chợt nhớ ra năm sau là kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Tôi đã tự hỏi mình sẽ viết gì cho Hà Nội, viết gì để gắn với tháng 10. Điều đó đã thôi thúc tôi gác lại các dự án khác để bắt đầu hành trình mới với “Bay qua Hồ Gươm”. Tôi đã dành tất cả tình yêu của mình, bằng sự trân trọng, cảm ơn Hà Nội đã cưu mang tôi trong suốt hơn 30 năm qua”- Huỳnh Mai Liên chia sẻ.
“Bay qua Hồ Gươm” là tập thơ thứ tư của Huỳnh Mai Liên, sau thành công của các tác phẩm “Biển là trẻ con” (tập thơ, 2016), “Ngày xưa của con” (tập thơ, 2018), “Mẹ yêu ai nhất (truyện tranh, 2019) và “Nhà mình vui nhất (tập thơ, 2023). Trong tập thơ mới nhất này, chị có sự đồng hành của con gái nhỏ. Toàn bộ tranh minh họa trong sách đều do con gái Mai Khuê thực hiện.
Nhà thơ Thụy Anh nhận xét, “Bay qua Hồ Gươm” mang lại cảm giác là một “bức ký họa Hà Nội bằng thơ”, đưa ta lên con tàu trở về với sân ga của miền xưa cũ, rồi quay lại bến ngày nay. Qua cửa kính, ta có thể thấy Hà Nội với rất nhiều sắc độ đậm nhạt, mang đủ phong vị cổ kính lẫn mới mẻ, từ những điều nhỏ bé nhất tới to thật to của con người và khung cảnh thiên nhiên nơi này.
Quả thực, “Bay qua Hồ Gươm” là lời thủ thỉ, tâm tình của người mẹ với con gái nhỏ, kể về thành phố nơi đang sống. Từ những con phố cổ rêu phong tới những tòa nhà cao chọc trời, từ mặt hồ Gươm lấp lánh tới những hàng cây xanh mát. Có khi, nhà thơ lại hóa thân vào vạn vật để kể câu chuyện của Hà Nội. Đó là chú chim sẻ líu lo, cụ rùa già kể chuyện xưa, hay có khi là cột cờ Hà Nội thầm thì với gió mây, hay những hàng cây quen thuộc gắn với từng con phố, làn sương trắng mùa Đông vương vấn bước chân người đi qua, con tàu trên cao “đi theo mặt trời”, chiếc xe buýt tựa “ngôi nhà nhỏ” tránh gió tránh mưa lao băng băng vững chắc về phía trước… Cứ thế, người mẹ dẫn dắt con gái đi qua từng địa điểm, khám phá từng nét đẹp, từng câu chuyện của Hà Nội. Không chỉ là cảnh quan, Hà Nội còn đẹp với sức sống con người, từ những người lao động vỉa hè, tới những nghệ nhân phố cổ- tất cả góp phần tạo nên linh hồn của Thủ đô yêu dấu.
Không chỉ có hiện tại, tác giả còn đưa người đọc ngược dòng thời gian, trở về với ký ức từ thời ông bà, cha mẹ. Đó là “Hà Nội của ông”- một thời huy hoàng hoa lửa, lớp thanh niên lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc; là “Hà Nội của bố” với tiếng tàu điện leng keng, que kem mát lạnh Bờ Hồ; rồi “Hà Nội của con” khi Hà Nội đang vươn mình đầy sức sống. Tất cả để nói lên rằng “Để ai cũng nhớ/Hà Nội trong mình/Để ai cũng có/Hà Nội trong tim”. Và chắc chắn rằng, độc giả cầm trên tay tập thơ, lướt qua từng con chữ, cũng sẽ chung cảm nhận, chung tình cảm với tác giả, về Hà Nội- Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Minh Anh