Trong nhiều thập kỷ, Olympic luôn để lại điều tiếng về sự tốn kém và lãng phí. Đôi khi, cả một sân vận động bị bỏ hoang sau khi được xây dựng để phục vụ sự kiện thể thao kéo dài hơn 2 tuần này, điển hình là Olympic Athens 2004. Đến nay, người dân Hy Lạp vẫn phải oằn mình trả nợ cho chi phí quá lớn tổ chức sự kiện này. Trong bối cảnh đó, Mỹ dự kiến chi 6,9 tỷ USD để tổ chức Thế vận hội Olympic 2028 tại Los Angeles, với trọng tâm là sử dụng cơ sở hạ tầng hiện có thay vì xây mới, nhằm tiết kiệm chi phí.
Los Angeles sẽ trở thành thành phố thứ ba trên thế giới tổ chức Olympic 3 lần, sau khi từng đăng cai thành công vào các năm 1932 và 1984. Nhờ kinh nghiệm từ các lần tổ chức trước, đặc biệt là Thế vận hội 1984, Los Angeles đã tạo ra một mô hình tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời thu hút sự quan tâm của các thành phố lớn khác trên thế giới. Đối với Olympic 2028, ban tổ chức đã công bố kế hoạch "không xây dựng", tức là không đầu tư mới vào cơ sở vật chất mà tận dụng các địa điểm và hạ tầng hiện có. Điều này giúp Mỹ tiết kiệm được hàng trăm triệu đến hàng tỷ USD.
Olympic 2028 sẽ diễn ra tại nhiều địa điểm nổi tiếng của Los Angeles. Lễ khai mạc dự kiến tổ chức tại Sân vận động SoFi, nơi đã diễn ra trận Siêu cúp bóng bầu dục Mỹ và các buổi hòa nhạc lớn kể từ khi mở cửa năm 2020. Intuit Dome- sân nhà mới của đội bóng rổ Los Angeles Clippers sẽ là nơi tranh tài của các môn bóng rổ và một số môn thể thao khác. Sân Crypto Arena ở trung tâm thành phố Lakers sẽ diễn ra môn thể dục dụng cụ. Tuy nhiên, cũng như vấn đề xảy ra tại Olympic 2024 và sông Seine của Paris, các nhà tổ chức LA 2028 có thể phải đối mặt những thách thức trong việc đảm bảo an toàn và sức khỏe cho VĐV. “Một trong những thách thức lớn là vấn đề ô nhiễm nước tại khu vực bờ sông Long Beach, nơi sẽ tổ chức các cuộc đua bơi marathon và 3 môn phối hợp. Thành phố Los Angeles đã cam kết nâng cấp và cải thiện chất lượng nước để đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn cho các vận động viên. Tuy nhiên, chúng ta sẽ phải xem thực tế các nhà tổ chức có thể làm gì với tình trạng hiện tại”, Tiến sĩ Nicole Iovine, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Florida, cho biết.
Thay vì đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông mới, Los Angeles sẽ nâng cấp các tuyến đường sắt và xe buýt hiện có để phục vụ cho Olympic. Kế hoạch này bao gồm việc mở rộng tuyến tàu điện ngầm kết nối trung tâm Los Angeles với UCLA, nơi sẽ là Làng Olympic. Dr. Sarah Thompson, chuyên gia Kinh tế Thể thao, nhấn mạnh việc tổ chức Thế vận hội không ô tô là một thách thức lớn. “Để thành công, BTC cần phát triển một hệ thống giao thông công cộng hiệu quả, an toàn và thân thiện với người đi bộ. Điều này không chỉ giảm ô nhiễm mà còn tạo ra trải nghiệm tốt cho du khách. Đặc biệt, thành phố đã nhận được 900 triệu USD tài trợ từ chính quyền liên bang để nâng cấp giao thông công cộng. Một dự án quan trọng khác là Inglewood People Mover- tuyến tàu điện tự động với ba điểm dừng qua các địa điểm tổ chức lớn, mặc dù dự án này đang đối mặt với thách thức về tài chính và tiến độ hoàn thành”, bà Thompson nói.
Vấn đề an ninh cũng được đặt lên hàng đầu, khi tỷ lệ tội phạm tại Los Angeles hiện nay cao hơn đáng kể so với năm 1984. Thế vận hội 2028 đã được chỉ định là sự kiện an ninh đặc biệt cấp quốc gia, với Cơ quan Mật vụ Mỹ là lực lượng chủ chốt xây dựng kế hoạch bảo vệ. Ban tổ chức Olympic Los Angeles dự kiến thu về 2,5 tỷ USD từ tài trợ và gần 2 tỷ USD từ doanh số bán vé, đóng góp vào ngân sách 6,9 tỷ USD cho sự kiện này. Los Angeles 2028 không chỉ là sự kiện thể thao lớn, mà còn là cơ hội để Mỹ khẳng định vị thế của mình trong lĩnh vực tổ chức sự kiện quốc tế. Trước khi diễn ra Olympic 2028, Los Angeles sẽ là chủ nhà của nhiều sự kiện thể thao quan trọng khác, bao gồm FIFA World Cup 2026 và trận Siêu cúp bóng bầu dục Mỹ năm 2027.
Hoàng Hương