Tiếp tục Chương trình Phiên họp chuyên đề tháng 8, sáng 12/8/2024, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Ủy ban TVQH đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Trình bày một số vấn đề lớn trong tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về chính sách của Nhà nước về dược và phát triển công nghiệp dược, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định những nguyên tắc chung trong chính sách của Nhà nước về dược tại Điều 7 sửa đổi; làm rõ hơn một số nội dung so với dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh
Cụ thể, làm rõ nội hàm ưu tiên về các thủ tục hành chính trong cấp giấy đăng ký lưu hành và cấp phép nhập khẩu đối với một số đối tượng tại khoản 5; quy định về việc áp dụng các cơ chế ưu đãi, tài trợ, hỗ trợ từ các quỹ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ cho hoạt động nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm lâm sàng, chuyển giao công nghệ thuốc tại khoản 6; bổ sung chính sách “xúc tiến thương mại để xuất khẩu thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền” tại khoản 7.
Bên cạnh đó, Điều 8 quy định cụ thể các lĩnh vực ưu tiên được hưởng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt và ưu đãi, hỗ trợ đầu tư. Trong đó, quy định quy mô của dự án đầu tư trong một số lĩnh vực dược với vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư được áp dụng chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt (tương tự quy mô áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt đối với dự án đầu tư thành lập mới các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 20 Luật Đầu tư).
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật đã điều chỉnh tỷ lệ mà doanh nghiệp được trích tối đa tính trên thu nhập tính thuế hằng năm để lập Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp là 15% và được thực hiện trong 10 năm; bổ sung cơ chế để kiểm soát việc lạm dụng hoặc sử dụng quỹ không đúng mục đích.
Đối với kinh doanh chuỗi nhà thuốc, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, Dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng: Chỉnh sửa khái niệm “chuỗi nhà thuốc” tại khoản 49 Điều 2 sửa đổi là “hệ thống các nhà thuốc hoạt động theo hệ thống quản lý chất lượng thống nhất dưới một nhãn hiệu của cùng một cơ sở tổ chức chuỗi nhà thuốc”. Quy định cụ thể điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược đối với cơ sở tổ chức chuỗi nhà thuốc tại điểm h khoản 1 Điều 33 sửa đổi và điều kiện đối với người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của cơ sở tổ chức chuỗi nhà thuốc, nhà thuốc trong chuỗi nhà thuốc tại Điều 17a. Quy định cụ thể hơn trách nhiệm và quyền của của cơ sở tổ chức chuỗi nhà thuốc và của nhà thuốc thuộc chuỗi tại Điều 47a. Trong đó, cơ sở tổ chức chuỗi nhà thuốc phải chịu trách nhiệm toàn bộ về hoạt động của các nhà thuốc trong chuỗi nhà thuốc (điểm đ khoản 2) đồng thời thông báo, cập nhật danh sách các nhà thuốc và người hành nghề trong chuỗi nhà thuốc đến cơ quan có thẩm quyền (điểm g khoản 2).
Về kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng: quy định cụ thể loại thuốc được bán lẻ và và các loại thuốc được bán buôn theo phương thức thương mại điện tử tại khoản 1a Điều 42 sửa đổi, bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm tại khoản 17, 18 Điều 6 sửa đổi; quy định trách nhiệm bảo mật thông tin của người mua và giao Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc và tổ chức việc giao thuốc đến người mua tại điểm b và d khoản 4 Điều 42 sửa đổi.
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận Ủy ban Xã hội đã chủ trì thẩm tra một cách tích cực, chủ động, khẩn trương, trách nhiệm để hoàn thiện dự án Luật. Hiện còn một vấn đề vẫn có ý kiến khác nhau giữa Thường trực Ủy ban Xã hội và Bộ Y tế là quy định về oxy y tế. Nêu rõ điều này, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là nội dung có tính chuyên môn sâu, có đưa hay không đưa vào Dự thảo Luật và nếu không đưa vào dự thảo Luật này thì đưa vào Luật nào hay văn bản có tính pháp lý nào của Chính phủ? Đây là sản phẩm đặc biệt đưa vào cơ thể người bệnh để chữa bệnh nên phải được Luật quy định với các quy phạm có tính nguyên tắc.
Vì quyền lợi của người bệnh, “có quy định pháp luật về khí y tế thì BHYT sẽ chi trả cho người bệnh khi sử dụng loại khí này”. Do đó, trong khi chưa được điều chỉnh trong Luật, có thể xem xét cân nhắc đưa nội dung này vào Nghị quyết Kỳ họp Quốc hội hoặc Nghị quyết của Ủy ban TVQH. Tuy nhiên, dù là quy định trong văn bản luật, nghị quyết hay nghị định thì phải bao hàm các loại khí sử dụng trong y tế, trong KCB, không nên chỉ đề cập đến oxy y tế. Trong trường hợp cần thiết, có thể đưa ra 2 phương án trình tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách sắp tới để ĐBQH đánh giá, thảo luận, cho ý kiến thêm.
Đối với quảng cáo thuốc, Chủ tịch Quốc hội nêu thực tế, quảng cáo thuốc trên truyền hình hiện nay rất nhiều nhưng có chất lượng hay không? Ví dụ như thuốc trị các loại bệnh đều có bác sĩ, dược sĩ giới thiệu ở các chương trình trên VTV1. Trước đó, nhiều loại thuốc quảng cáo nhưng cuối cùng lại giới thiệu “sản phẩm này không phải là thuốc” và không chịu trách nhiệm. Quảng cáo mà không chịu trách nhiệm thì như thế nào? Do đó, phải phân tích chặt chẽ vấn đề này.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, Ủy ban TVQH cơ bản tán thành với nhiều nội dung của Dự thảo Luật được các cơ quan báo cáo, kiến nghị tiếp thu và chỉnh lý; đề nghị Chính phủ chính thức có ý kiến về các nội dung tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát dự thảo Luật để bảo đảm thống nhất với các luật có liên quan và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; rà soát các thuật ngữ, giải thích từ ngữ để làm tường minh các nội dung.
“Thường trực Ủy ban Xã hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, các cơ quan có liên quan xin ý kiến các chuyên gia, đối tượng chịu sự tác động của dự án Luật này, bảo đảm tính khả thi, đột phá của dự thảo Luật trong lĩnh vực phát triển công nghiệp dược. Đồng thời, tiếp thu ý kiến Ủy ban TVQH tại phiên họp để chỉnh lý dự thảo Luật; Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và thực hiện đầy đủ các quy trình trước khi trình Quốc hội thông qua”- Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị.
V.Thu