Tiếp tục chương trình làm việc tại các địa phương phía Nam, ngày 7/8, tại TP.HCM, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu đã chủ trì Hội nghị đôn đốc, hướng dẫn triển khai giải pháp phát triển người tham gia BHXH, BHYT các tháng cuối năm 2024 đối với BHXH 5 tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam Bộ gồm: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh và Bình Phước.
Tham gia Hội nghị có lãnh đạo Ban Quản lý Thu-Sổ thẻ, Trung tâm CNTT và Thanh tra BHXH; Ban Giám đốc và các nhân sự chủ chốt BHXH 5 tỉnh, thành phố (TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước); cùng Giám đốc BHXH các quận, huyện, thị xã, thành phố; đại diện lãnh đạo Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Công ty Bảo hiểm PVI và một số tổ chức dịch vụ thu.
BHXH các tỉnh, thành phố chưa thực hiện đúng kịch bản phát triển người tham gia BHXH, BHYT
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu thông tin về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong toàn quốc. Đáng chú ý, theo Phó Tổng Giám đốc, có tới 30 tỉnh, thành phố lớn cần phải quan tâm do hiệu quả chưa đạt được như mong muốn. “3 tỉnh mà tôi đã trực tiếp làm việc trong tháng 5-6 (TP.HCM, Bình Dương, Bình Phước); Ban Quản lý Thu-Sổ thẻ đi làm việc một tỉnh (Tây Ninh), đến thời điểm này số người tham gia BHXH, BHYT có tăng nhưng chưa ổn…”- Phó Tổng Giám đốc cho biết.
Nhấn mạnh BHXH Việt Nam đã chủ động xây dựng kịch bản phát triển người tham gia BHXH, BHYT theo Công văn số 2236/BHXH-TST và Công văn số 3165/BHXH-TST nhằm hướng dẫn cụ thể cho BHXH các tỉnh, thành phố, Phó Tổng Giám đốc lưu ý, tại Hội nghị này, BHXH các tỉnh, thành phố cần báo cáo cụ thể từng lĩnh vực đã và đang triển khai, để cùng các vụ, ban nghiệp vụ đánh giá, tìm giải pháp phù hợp. Qua đó, tập trung phát triển người tham gia BHXH, BHYT bắt buộc; khai thác người tham gia tiềm năng qua dữ liệu hộ gia đình. "Việc kết hợp 3 bên (BHXH, tổ chức dịch vụ thu, BCĐ) có hiệu quả không? 5 tháng còn lại làm gì để hoàn thành nhiệm vụ được giao?..."- Phó Tổng Giám đốc nói thêm.
Lưu ý chỉ đạo của lãnh đạo Ngành, ông Dương Văn Hào- Trưởng ban Quản lý Thu-Sổ thẻ đề nghị BHXH các tỉnh, thành phố cần làm rõ nguyên nhân vì sao kết quả thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT đến giờ còn thấp; trách nhiệm của các đơn vị trong việc thu số tiền chậm đóng có theo đúng quy trình hay không? Công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng đã và đang thực hiện như thế nào?...
Bà Lê Minh Lý- Giám đốc BHXH tỉnh Bình Dương
Báo cáo và giải trình tại Hội nghị, bà Lê Minh Lý- Giám đốc BHXH tỉnh Bình Dương cho biết, thời gian qua, BHXH tỉnh Bình Dương đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ khai thác người tham gia BHXH, BHYT từ dữ liệu thuế. "Từ đầu năm đến nay, BHXH tỉnh Bình Dương đã gửi 2.700 thông báo, tổ chức 19 hội nghị. Riêng BHXH tỉnh tổ chức 3 hội nghị, mỗi hội nghị từ 200-250 đơn vị, DN tham gia"- bà Lý thông tin.
Ông Phạm Long Sơn- Phó Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai cũng cho biết, từ đầu năm đến nay, BHXH tỉnh Đồng Nai đã hướng dẫn các tổ chức dịch vụ thu ký kết phối hợp với các trưởng thôn, trưởng bản… tổ chức 3 hội nghị với 215 đơn vị đến làm việc (phát triển thêm 750 lao động). Bên cạnh đó, BHXH tỉnh Đồng Nai đã tham mưu cho UBND TP.Biên Hòa ra văn bản chỉ đạo cấp xã, phường phát triển người tham gia BHXH, BHYT một cách hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Huấn- Giám đốc BHXH tỉnh Tây Ninh
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Huấn- Giám đốc BHXH tỉnh Tây Ninh, BHXH tỉnh đang gặp khó khăn trong việc mời đơn vị tham gia hội nghị. Theo đó, hiện toàn tỉnh có 2.273 DN cần phải triển khai thu BHXH, BHYT bắt buộc (theo dữ liệu thuế); tuy nhiên qua rà soát có tới 750 DN không có khả năng tham gia (do giải thể, địa chỉ DN không đúng…). Từ đầu năm đến nay, BHXH tỉnh cũng đã tổ chức 3 hội nghị, nhưng chỉ thành công 2 hội nghị, còn 23.000 lao động chưa tham gia BHXH, BHYT.
Ông Lăng Quang Vinh- Phó Giám đốc BHXH tỉnh Bình Phước cho biết, theo dữ liệu cơ quan thuế cung cấp, hiện toàn tỉnh có 800 đơn vị, với trên 12.000 lao động phải phát triển tham gia BHXH, BHYT. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh tổ chức được 5 hội nghị đối thoại với DN, qua đó chỉ phát triển được khoảng 1.500 lao động tham gia BHXH, BHYT…
Còn theo ông Nguyễn Quốc Thanh- Phó Giám đốc BHXH TP.HCM, do Trưởng BCĐ là Chủ tịch UBND các cấp nên việc phát triển người tham gia BHXH, BHYT đang phát huy hiệu quả. Đơn cử, từ đầu năm đến nay, BHXH TP. HCM đã tổ chức được 56 hội nghị đối thoại với DN (9.000 DN, với hơn 13.000 lao động tham gia), với đầy đủ các thành phần trong BCĐ tham dự. "Hiện BHXH TP.HCM có 1.064 cộng tác viên xã, phường. Có 164/312 xã, phường đã ký kết 3 bên (BHXH, BCĐ và tổ chức dịch vụ thu), phấn đấu đến 20/8/2024 sẽ ký xong với các xã, phường để giao chỉ tiêu tới từng nhân viên thu"- ông Thanh cho biết.
Phải triển khai quyết liệt hơn nữa
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu đánh giá, các tỉnh, thành phố chưa tuân thủ các hướng dẫn, quy trình phát triển người tham gia BHXH, BHYT theo kịch bản của BHXH Việt Nam. “BHXH Việt Nam đã hướng dẫn rất rõ, nhưng nhiều tỉnh, thành phố vẫn chưa thực hiện đúng quy trình, nên hiệu quả phát triển người tham gia BHXH, BHYT chưa cao”- Phó Tổng Giám đốc nhấn mạnh.
Nhắc lại quy trình mà BHXH đã phê duyệt, ông Dương Văn Hào- Trưởng ban Quản lý Thu-Sổ thẻ lưu ý, BHXH các địa phương cần căn cứ vào địa bàn, địa hình, quy mô, số lượng để tìm giải pháp triển khai cho phù hợp. Sau đó, báo cáo với Trưởng BCĐ và phân công cụ thể, từ công tác chuẩn bị, cử người tuyên truyền, cho đến trả lời vướng mắc của DN… Kết thúc hội nghị, cần phải tham mưu cho Trưởng BCĐ ký văn bản kết luận, sau đó gửi cho từng thành viên BCĐ và các DN tham gia hội nghị; nếu các đơn vị tiếp tục không chấp hành thì áp dụng các chế tài tiếp theo như thanh tra, kiểm tra…
Ông Bùi Quang Huy- Chánh Thanh tra BHXH Việt Nam
Về tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT, ông Bùi Quang Huy- Chánh Thanh tra BHXH Việt Nam cho biết: "Biện pháp đầu tiên chúng ta cần thực hiện là ngăn chặn chậm đóng ngay từ đầu, hạn chế phát sinh chậm đóng mới, bởi càng chậm đóng với số tiền lớn thì càng khó khắc phục. Bên cạnh đó, BHXH các tỉnh, thành phố cần tăng cường tổ chức đối thoại, đôn đốc thu nợ tại các DN, đồng thời áp dụng các biện pháp mạnh khi cần thiết…".
Kết luận Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu lưu ý, 5 tháng còn lại của năm 2024, BHXH các tỉnh, thành phố phải xây dựng bằng được kế hoạch theo tinh thần “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ kết quả”. Đối với việc phát triển người tham gia BHXH, BHYT bắt buộc phải tuân thủ đầy đủ theo quy trình tại Công văn số 2236 và Công văn số 3165. "Trong tháng 8, mỗi tỉnh phải tổ chức 1 hội nghị đối thoại với DN, riêng mỗi quận, huyện tại TP.HCM tổ chức 1 hội nghị..."- Phó Tổng Giám đốc yêu cầu.
Riêng với BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng, theo Phó Tổng Giám đốc, trong tháng 8/2024, các địa phương phải ký kết hợp tác 3 bên, giao chỉ tiêu cụ thể đến từng nhân viên thu. Về công tác giảm chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, các địa phương cần tuân thủ đúng quy trình thanh tra, kiểm tra, xử phạt; đồng thời tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh có biện pháp xử lý kịp thời; tránh tình trạng để số tiền chậm đóng, trốn đóng tăng cao.
Lê Văn