Khi đang loay hoay xem xét cây cối trong trang trại của mình ở Kyparissia, miền Tây Hy Lạp, anh Panos Adamopoulos rất vui mừng khi nhìn thấy những quả xoài đầu tiên sắp chín- đây là một phần Sáng kiến thí điểm Thay đổi cơ cấu cây trồng của Viện Nông nghiệp Nhà nước Demeter (Hy Lạp) để đương đầu với biến đổi khí hậu.
Trong nhiều thập kỷ, Kyparissia- vùng đất màu mỡ trên bờ biển Ionian- chủ yếu được biết đến với cây ô liu, dưa hấu và một số loại cây trồng khác. Dù có lượng mưa nhiều hơn các vùng khác của Hy Lạp, Kyparissia cũng đang phải “vật lộn” với tác động tiêu cực của hạn hán. Sau mùa đông ấm nhất từng được ghi nhận, Hy Lạp vừa trải qua tháng 6 và tháng 7 nóng nhất lịch sử, kể từ khi quốc gia này bắt đầu thu thập dữ liệu chính thức vào năm 1960.
“Không có mùa đông”- anh Panos Adamopoulos, 38 tuổi, nói với PV- “Khu đất của tôi không nhận được một giọt mưa nào kể từ tháng 3 năm nay. Không có nước, không thể canh tác”. Phần lớn thu nhập của anh hiện nay đến từ rau diếp. Nhưng với mùa khô ngày càng đến gần, anh có thể sớm phải từ bỏ một số loại cây trồng sinh lợi nhưng cần nhiều nước của mình, chẳng hạn như dưa hấu.
Anh Panos Adamopoulos là một trong số ít người trồng trọt ở Hy Lạp chuyển sang các loại trái cây nhiệt đới như xoài, bơ, vải, cherimoya và hạt mắc ca, “có khả năng chống chịu tốt hơn” với nắng nóng ngày càng dữ dội ở vùng Địa Trung Hải. Để tham gia Sáng kiến thí điểm Thay đổi cơ cấu cây trồng, anh trồng vài chục cây xoài và bơ trên khu đất rộng 80 ha của mình. Các loại trái cây mới này thích nghi rất tốt với thời tiết, đến nỗi anh hiện đang có kế hoạch trồng thêm 300 cây nữa. Anh cho biết thêm đã nhận được đơn đặt hàng cho vụ thu hoạch đầu tiên của mình, dự kiến vào cuối tháng này.
Sáng kiến thí điểm thay đổi cấy trồng là một phần trong nghiên cứu của Viện Nông nghiệp Nhà nước Demeter (Hy Lạp) nhằm xác định liệu trái cây nhiệt đới có thể giúp giải quyết vấn đề hạn hán đang nghiêm trọng ở Hy Lạp hay không. Cô Teresa Tzatzani, giám sát viên nghiên cứu, cho biết mục đích là: "Tìm ra những cách mới để đối mặt với biến đổi khí hậu này và khiến nó có lợi cho người nông dân. Thời tiết bây giờ có xu hướng nóng và ấm hơn quanh năm và điều này tốt cho các loại cây trồng này”.
Mặc dù cây bơ đã được trồng phổ biến trên đảo Crete, các nhà khoa học Hy Lạp vẫn chưa chắc chắn liệu loại cây này có thích nghi được với điều kiện ở đất liền. Còn cây xoài, tuy cần rất ít nước, song cũng không đạt hiệu quả như mong muốn vì 2 mùa đông gần đây khô hạn bất thường. Mặc dù vậy, việc thí điểm rất cần thiết để hỗ trợ ngành nông nghiệp này khỏi các “thảm họa khí hậu” trong tương lai. Sáng kiến thí điểm Thay đổi cơ cấu cây trồng có kế hoạch mở rộng sang các vùng khác của Hy Lạp, với mong muốn tìm được loại cây trồng phù hợp tình hình mới, song vẫn giữ nguyên các cây trồng chủ yếu như ô liu hoặc cam.
Anh Theodoros Dimitrakakis, một nông dân Hy Lạp khác tham gia Sáng kiến thí điểm Thay đổi cơ cấu cây trồng, lo ngại phải mất nhiều năm nữa, việc sản xuất trái cây nhiệt đới mới có lãi ở Hy Lạp. Mặc dù rất nhiệt tình tham gia nhưng anh cho biết không đủ khả năng dành toàn bộ thời gian cho Sáng kiến vì nguồn thu nhập chính của anh và gia đình trong thời điểm hiện tại vẫn là cây ô liu: “Làng tôi, giống như nhiều ngôi làng khác ở Hy Lạp, thường xuyên không có nước trong nhiều giờ trong ngày do lịch cắt nước. Năm ngoái, sản lượng ô liu của tôi thấp hơn mức trung bình 60%”.
Mặc dù là một nhà hoạt động vì môi trường trong những năm còn học Đại học, anh Theodoros Dimitrakakis thừa nhận, gần đây anh mới nhận thức thấy biến đổi khí hậu sẽ sớm tác động đến anh như vậy. Anh hy vọng có thể thuyết phục những người nông dân khác cùng tham gia Sáng kiến thí điểm Thay đổi cơ cấu cây trồng, bởi một bộ phận trong số họ chủ quan nghĩ rằng tình trạng này chẳng qua chỉ là một "năm tồi tệ và không may mắn".
Tùng Anh (Theo AsiaOne)