Bajau- cộng đồng cư dân hành nghề đánh bắt cá ở Indonesia trong nhiều thế kỷ đang phải trở về đất liền kiếm sống do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và tình trạng đánh bắt quá mức.
Cộng đồng ngư dân Bajau có cuộc sống “du mục” trên biển qua nhiều thế hệ, trên những chiếc thuyền lợp mái tranh ở vùng biển giữa Indonesia, Malaysia và Philippines. Các nhà nghiên cứu cho biết, người Bajau bơi và lặn từ khi còn rất nhỏ, cơ thể của họ thậm chí đã thích nghi theo thời gian để có thể đánh cá dưới nước trong thời gian dài hơn người bình thường.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, hàng trăm người Bajau sinh sống tại đảo Pulau Papan (Indonesia) không còn duy trì được tập quán độc đáo của tổ tiên họ. “Chúng tôi đã thay đổi nghề nghiệp. Chúng tôi là ngư dân nhưng làm việc tại trang trại. Làm nông mang lại thu nhập tốt hơn vì một năm có thể canh tác đan xen nhiều loại cây trồng. Hiện tôi sở hữu một mảnh đất rộng 2 ha để trồng ngô và chuối. Trong khi đó, trước kia đôi khi chúng tôi chẳng kiếm được gì khi ra khơi. Ngày thì có cá, ngày thì không có gì cả”- Sofyan Sabi, 39 tuổi, cho biết.
Sofyan Sabi được huấn luyện để có thể lặn ở độ sâu từ 10-15m từ khi còn nhỏ, anh rất thành thạo đánh bắt hải sâm hoặc bạch tuộc, công việc này có thể giúp anh kiếm được 500.000 rupiah (khoảng 31 USD). Bên cạnh luyện tập, các nhà nghiên cứu cho rằng, khả năng lặn sâu và lâu hơn của người Bajau có thể là do đột biến gen khiến họ có lá lách lớn hơn, cho phép máu lưu trữ nhiều oxy hơn.
Tuy nhiên, gần đây, việc đánh bắt hải sản trở nên khó khăn. Ông Wengki Ariando, một nhà khoa học, thuộc Đại học Chulalongkorn (Thái Lan) phân tích: “Biến đổi khí hậu và tình trạng đánh bắt quá mức đã khiến cuộc sống của người Bajau thay đổi. Hay nói cách khác, họ đã và đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm tài nguyên biển. Thêm vào đó, khi nhiệt độ tăng, mô hình di cư và giao phối của cá thay đổi, san hô bị tẩy trắng và chuỗi thức ăn cũng biến động”. Dữ liệu của Bộ Hàng hải và Thủy sản Indonesia cũng cho thấy, hơn một nửa trong số 11 khu vực quản lý nghề cá của quốc gia này đã trong tình trạng “bị khai thác hoàn toàn”. Trữ lượng cá của Indonesia giảm từ 12,5 triệu tấn (năm 2017) xuống còn 12 triệu tấn (năm 2022).
“Người Bajau bắt đầu định cư ở Pulau Papan từ khoảng 3 thế hệ trước vì cảm thấy hòn đảo này thích hợp để định cư; kể từ đó, họ không còn là dân du mục, di chuyển khắp nơi nữa”- anh Davlin Ambotang, cư dân đảo chia sẻ- “Sâu xa hơn, người Bajau thay đổi sinh kế để được chấp nhận là một dân tộc ở Indonesia (một trong những điều kiện để được chấp nhận là một dân tộc của Indonesia là phải định cư-ND), việc này bắt đầu vào những năm 1990 dưới thời cựu Tổng thống Suharto. Tuy nhiên, cuộc sống trên đất liền cũng có một số thách thức nhất định. Anh trai tôi điều hành một nhà trọ nhỏ, trước đây lượng khách khá ổn định, song gần đây làm ăn khó khăn hơn do cạnh tranh quyết liệt”.
Ngày nay, đời sống của người dân Bajau đã ổn định hơn. Ngôi làng đông dân với những ngôi nhà khá kiên cố. Nhà thờ Hồi giáo có mái vòm màu bạc. Trên khoảng sân công cộng, phụ nữ chơi bóng chuyền, trong khi một nhóm đàn ông ngồi xung quanh hút thuốc lá và tán gẫu. Những chiếc thuyền gỗ đậu ở rìa đảo, lối đi chính cắt ngang đảo, tách ra thành các cầu tàu bên hông. Với khả năng truy cập Internet trên đất liền, người Bajau đã lập ra các nhóm trên mạng xã hội với hàng nghìn người theo dõi, giúp đỡ lẫn nhau giải quyết vấn đề trong cuộc sống.
Tuy nhiên, dưới góc độ là nhà khoa học, ông Wengki Ariando cung cấp thông tin: “Thế hệ trẻ Bajau có vẻ như đang có xu hướng mất đi bản sắc của mình, họ giống như một cộng đồng thanh niên trên đất liền hơn. Một số người Bajau tham gia khảo sát của chúng tôi bày tỏ mong muốn thế hệ trẻ tiếp tục theo đuổi nghề đi biển vì họ lo lắng rằng tập quán sinh sống dựa vào đại dương của tổ tiên họ sẽ bị mai một.
“Tôi cũng hiểu, một khi bọn trẻ cảm thấy thoải mái với cuộc sống trên đất liền, chúng sẽ không dễ dàng quay lại sinh sống ở biển cả”- Ngư dân Muslimin, cư dân đảo, ngậm ngùi- “Nhưng tôi vẫn ước chúng có thể chuyên tâm làm ngư dân, vì nghề này rất thú vị và vẫn kiếm được tiền. Thực tế, có quá nhiều khó khăn trên đất liền, không phải người Bajau cũng thích nghi tốt”.
Tùng Anh (Bali Times)