Một trường đại học ở Bắc Kinh vừa quyết định mở chương trình đầu tiên đào tạo về mọi vấn đề liên quan đến hôn nhân, nhằm góp phần đảo ngược tình trạng lười kết hôn ngại sinh con ở Trung Quốc.
Chương trình mới là của trường Đại học Nghề Dân chính thuộc Bộ Dân chính Trung Quốc, bắt đầu tuyển sinh vào tháng 9 tới, dự kiến tuyển 70 chỉ tiêu ở 12 tỉnh. Hiệu trưởng Yu Xiaohui cho biết, chuyên ngành 4 năm cung cấp kiến thức về dịch vụ và quản lý hôn nhân để sinh viên tham gia vào "toàn bộ chu kỳ của hôn nhân và gia đình".
"Chu kỳ này bắt đầu từ trước khi một cặp đôi lập gia đình, từ mai mối hôn nhân, đến tư vấn tiền hôn nhân, đăng ký kết hôn, dịch vụ đám cưới và cả tư vấn trước khi ly hôn", hiệu trưởng Yu chia sẻ với truyền thông địa phương. Ông cho biết, thị trường dịch vụ hiện nay đang có nhu cầu nhân sự về các chuyên gia được đào tạo bài bản.
Các học phần trong ngành bao gồm xã hội học, thiết kế địa điểm tổ chức đám cưới, đạo đức gia đình, kinh tế của ngành hôn nhân và các chính sách gia đình. Theo hiệu trưởng Yu, đào tạo học thuật sẽ chiếm khoảng 45% chương trình giảng dạy, trong khi đào tạo thực hành chiếm khoảng 55%.
Sau khi tốt nghiệp, các sinh viên sẽ là lực lượng tiên phong trong công tác thúc đẩy người dân kết hôn, sinh con ở độ tuổi phù hợp, khuyến khích cha mẹ chia sẻ trách nhiệm nuôi dạy con cái. Họ cũng sẽ là những người tuyên truyền loại bỏ những phong tục cưới xin lạc hậu, ví dụ như tình trạng đòi sính lễ cao, giúp người dân giảm áp lực khi kết hôn.
Theo các chuyên gia, việc một trường đại học mở chuyên ngành đầu tiên về hôn nhân cho thấy nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đang tìm cách ngăn chặn xu hướng tỷ lệ sinh giảm và tốc độ già hóa dân số nhanh đang hiện hữu ở nước này.
Năm 2023, Trung Quốc chứng kiến năm thứ 2 dân số sụt giảm do tỷ lệ sinh thấp, đẩy nhanh quá trình già hóa dân số và dẫn tới những tác động lâu dài và sâu rộng đến tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế nước này.
Ngày nay, nhiều người trẻ ở Trung Quốc thích cuộc sống độc thân hoặc trì hoãn kết hôn. Theo thống kê chính thức, trong năm 2023, số cuộc hôn nhân mới ở đất nước tỷ dân đã tăng 12,4% so với năm trước đó nhưng hơn một nửa dân số trong độ tuổi từ 25 đến 29 vẫn chưa kết hôn.
Trường Đại học Nghề Nội vụ là một cơ sở mới được thành lập trực thuộc Bộ Nội vụ Trung Quốc. Ngoài chương trình quản lý hôn nhân, trường còn có khóa học về quản lý chăm sóc sức khỏe thông minh, công tác xã hội, công nghệ thiết bị hỗ trợ phục hồi chức năng và quản lý tang lễ.
Quản lý tang lễ hiện đại cũng là chuyên ngành đại học đầu tiên của Trung Quốc trong lĩnh vực này, nhằm trang bị cho sinh viên nhiều kỹ năng khác nhau như ướp xác và bảo quản thi thể, an ủi thân nhân, cũng như hỏa táng và bảo trì thiết bị tang lễ. Hơn 100 sinh viên sẽ bắt đầu khóa học mới vào tháng 9.
Trung Quốc là một trong những quốc gia có dân số già hóa nhanh nhất thế giới. Tổng dân số của cả nước này đã giảm hơn 2 triệu người so với năm trước xuống còn 1,41 tỷ người.
Kể từ năm 2021, Trung Quốc bắt đầu cho phép các cặp vợ chồng có thể sinh con thứ 3. Tuy nhiên, các biện pháp này chưa cải thiện được tình trạng suy giảm nhân khẩu học.
Nhằm cải thiện tình hình, cả chính quyền trung ương và địa phương của Trung Quốc đã và đang triển khai nhiều kế hoạch khác nhau, chẳng hạn như hoàn thiện hơn nữa chính sách về chế độ nghỉ phép của cha mẹ, cải thiện cơ chế chia sẻ với các chủ doanh nghiệp các chi phí liên quan đến người lao động và phát triển hơn nữa các dịch vụ chăm sóc trẻ em. Bên cạnh đó là khuyến khích thanh niên kết hôn, sinh thêm con và hỗ trợ tài chính khi sinh con.
Hồi tháng 3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cam kết chính phủ nước này sẽ nỗ lực hướng tới "một xã hội tạo điều kiện hết mức cho các cặp vợ chồng sinh con và thúc đẩy sự phát triển dân số cân bằng, lâu dài", cũng như giảm chi phí sinh con, nuôi dạy và giáo dục con cái.
Hoàng Dương