Mới đây, các bác sĩ Khoa Nam học BV Bình Dân (TP.HCM) vừa phẫu thuật thám sát và tạo hình vùng bìu cho anh L.T.T (24 tuổi), người không may bị tai nạn hi hữu khi sửa điện trong tiệm bida, khiến cây cơ đâm xuyên từ vùng bìu.
Theo ghi nhận bệnh sử, cách nhập viện 120 phút, anh T. đứng trên ghế cao để sửa điện, thình lình trượt chân té ngã xuống. Cú ngã vào bệ đỡ cơ đánh bida khiến một cây cơ đâm xuyên gây tổn thương vùng sinh dục. Ngay sau vụ tai nạn, đội ngũ cấp cứu ngoại viện 115 nhanh chóng hiện diện theo tin báo, thực hiện cố định cây cơ tại vết thương, tháo một đầu đoạn cơ bida để dễ vận chuyển anh T. đến BV Bình Dân.
Các chuyên gia khoa Nam học đang thực hiện phẫu thuật
Theo BS.CKII.Đặng Quang Tuấn- Phó Trưởng khoa Nam học, sau khi xác định những tổn thương vùng kín và loại trừ những tổn thương kèm theo ở những nơi khác trong cơ thể bệnh nhân, kết hợp các kết quả xét nghiệm và chụp chiếu cấp cứu nhanh chóng, bệnh nhân T. được chỉ định phẫu thuật cấp cứu.
“Sau phẫu thuật, người bệnh đáp ứng tốt với điều trị. Vết thương lành nhanh và bệnh nhân được xuất viện ở ngày hậu phẫu thứ 6. Các chức năng về sinh lý và tình dục vẫn được đảm bảo sau khi vết thương lành hẳn”- BS.Tuấn cho biết.
“Chúng tôi lo nhất không phải là các vết thương ngoài da ở vùng bìu, mà là các tổn thương ở bên trong mà mắt thường không nhìn thấy được. Với trường hợp bệnh nhân T., khi thấy một cây cơ bida dài đâm thủng vào bìu theo góc 45 độ, chúng tôi lo ngại nguy cơ cây cơ bida xuyên đứt thừng tinh gây thiếu máu tinh hoàn, hoặc có thể tổn thương vào niệu đạo, thậm chí có thể tổn thương bó mạch chậu trái. Rất may mắn là bệnh nhân không có những tổn thương này”- BS.Tuấn chia sẻ thêm.
Chuyên gia cũng lưu ý thêm nguyên tắc khi xử lý vết thương bị đâm xuyên là không tự ý rút dị vật ra khỏi vùng tổn thương. Nếu dị vật xuyên phải mạch máu lớn, nếu rút ra có thể khiến vùng tổn thương mất đi lực đè ép sẽ xảy ra chảy máu ồ ạt dẫn đến sốc mất máu và bệnh nhân có thể tử vong. Động tác rút dị vật ra khỏi cơ thể bệnh nhân khi không được kiểm soát tốt có thể làm trầm trọng thêm các tổn thương hoặc khiến bệnh nhân đau đớn. Các vết thương này chỉ nên xử lý trong phòng phẫu thuật, sau khi được gây mệ và do các bác sĩ có chuyên môn thực hiện để vừa thám sát, vừa khống chế, kiểm soát các tổn thương.
Thanh Giang