Tết Trung thu 2024 sắp tới, nhu cầu tiêu dùng các loại thực phẩm, rượu, bia, bánh, kẹo, đồ chơi trẻ em, đặc biệt là bánh trung thu sẽ gia tăng. Để phòng ngừa, ngăn chặn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) vừa có văn bản đề nghị Cục QLTT các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý theo địa bàn, thu thập thông tin, kiểm tra, kiểm soát thị trường.
Tết Trung thu 2024 đang đến gần, nhu cầu tiêu dùng các loại bánh, kẹo, đặc biệt là bánh trung thu có xu hướng tăng lên. Bên cạnh các cơ sở sản xuất, kinh doanh uy tín, sản phẩm bảo đảm an toàn, vẫn còn một số tổ chức, cá nhân đưa thực phẩm, hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ ra thị trường tiêu thụ, gây ảnh hưởng sức khỏe của người sử dụng. Vừa qua, lực lượng chức năng đã phát hiện, tạm giữ hàng nghìn bánh trung thu nhập lậu.
Điển hình như, ngày 15/8, Đội QLTT số 3 (Cục QLTT TP.Đà Nẵng) tiến hành kiểm tra đối với cửa hàng đang kinh doanh bánh kẹo các loại tại quận Thanh Khê. Tại đây, đã phát hiện, tạm giữ hơn 1.800 chiếc bánh trung thu các loại nhập lậu.
Đội QLTT số 1 (Cục QLTT tỉnh Bắc Giang) đã phát hiện và tạm giữ 1.540 sản phẩm bánh nhập lậu do Trung Quốc sản xuất tại hộ kinh doanh H.T.T, do bà H.T.T làm đại diện (địa chỉ ở phường Trần Phú, TP.Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang).
Tại Hà Nội, ngày 20/8, Đội QLTT số 5 (Cục QLTT TP.Hà Nội) phối hợp với Công an quận Hai Bà Trưng tiến hành khám 26 thùng cát-tông chứa bánh trung thu tại địa chỉ số 338 Trần Khát Chân (phường Thanh Nhàn). Kết quả kiểm tra, tổ công tác đã thu giữ 2.496 chiếc bánh trung thu, chủ hàng hóa chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp.
Trước đó, ngày 16/8, Đội QLTT số 5 cũng phối hợp với Công an quận Hai Bà Trưng tiến hành khám 20 thùng cát-tông chứa bánh trung thu tại địa chỉ đầu ngõ 7 phố Tây Kết. Kết quả kiểm tra, đã thu giữ 900 chiếc bánh trung thu các loại là hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp, kèm theo là hàng hóa nhập lậu.
Ngày 7/8, Đội QLTT số 3 phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc BCĐ 389 quận Ba Đình tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh hàng tạp hóa tại số 4 Đặng Dung (Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội). Đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở đang kinh doanh 400 chiếc bánh nướng (50gr/chiếc) do nước ngoài sản xuất, không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, không rõ chất lượng.
Trước đó, ngày 6/8, khi kiểm tra cơ sở kinh doanh hàng tạp hóa tại địa chỉ số 115 Tân Ấp (Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội), Đội QLTT số 3 phát hiện cơ sở đang kinh doanh 321 sản phẩm bánh, kẹo các loại (trong đó có 175 chiếc bánh nướng các loại). Toàn bộ số hàng hóa này do nước ngoài sản xuất, không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, không rõ chất lượng.
Lãnh đạo Cục QLTT Hà Nội cho biết, chỉ trong thời gian ngắn triển khai cao điểm kiểm tra thị trường dịp Tết Trung thu 2024, lực lượng chức năng TP.Hà Nội đã phát hiện, xử lý 6 vụ vi phạm, tiêu hủy gần 5.000 chiếc bánh trung thu nhập lậu, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tính chung từ đầu năm đến nay, lực lượng QLTT Hà Nội đã kiểm tra và xử lý 46 vụ vi phạm liên quan đến mặt hàng đồ chơi trẻ em, với số tiền phạt hành chính là 540 triệu đồng và tổng giá trị hàng hóa vi phạm lên tới 1,377 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Cục QLTT đã tiến hành kiểm tra, xử lý 3 vụ, phạt hành chính 26,5 triệu đồng, buộc tiêu hủy hàng hoá trị giá 23 triệu đồng. Hàng hoá vi phạm là 721 chiếc bánh trung thu, 120 sản phẩm các loại bánh khác là hàng hoá nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm. Điều này cho thấy, việc vi phạm vẫn diễn ra phức tạp, đòi hỏi các biện pháp quyết liệt hơn trong công tác kiểm soát.
Theo ông Dương Mạnh Hùng- Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội, Cục QLTT Hà Nội đặc biệt chú trọng kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh trung thu tại các làng nghề truyền thống tại quận Bắc Từ Liêm, các huyện Hoài Đức, Thanh Trì, cũng như các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhà hàng, khách sạn có sản xuất, kinh doanh bánh trung thu. Đồng thời, sẽ kiểm tra các cơ sở kinh doanh thiết bị, đồ dùng học tập, xuất bản phẩm và đồ chơi trẻ em nhập lậu, hàng giả, không rõ nguồn gốc.
Bà Chu Thị Thu Hương- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cũng cho biết, dịp Tết Trung thu sắp tới, nhu cầu tiêu dùng các loại thực phẩm, rượu, bia, bánh, kẹo, đồ chơi trẻ em, đặc biệt là bánh trung thu sẽ gia tăng. Để phòng ngừa, ngăn chặn các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường, bảo vệ quyền lợi và sức khoẻ người tiêu dùng, Tổng cục QLTT đã có văn bản đề nghị Cục QLTT các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý theo địa bàn, thu thập thông tin, kiểm tra, kiểm soát hàng lậu, kém chất lượng.
Qua đó, ngăn chặn, xử lý việc kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền, giả mạo nhãn hiệu, không bảo đảm an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Trung thu như bánh trung thu, rượu, bia, nước giải khát, đồ chơi trẻ em...
Theo Tổng cục QLTT, thời gian qua, có hiện tượng một số cơ sở đã xây dựng được thương hiệu bánh trung thu sản xuất từ nguyên liệu trong nước, nhưng thực tế vẫn sử dụng nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài. Về mặt chất lượng, hiện chưa xác định được có ảnh hưởng tới an toàn thực phẩm, sức khỏe người tiêu dùng hay không.
Trước tình hình này, Tổng cục QLTT cũng đã chỉ đạo các Cục QLTT, nhất là Cục QLTT TP.Hà Nội và TP.HCM- 2 địa phương có sức tiêu thụ lớn về bánh trung thu trong dịp này, tiến hành kiểm tra đối với các thương hiệu lớn sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc không rõ ràng, kịp thời xử lý nghiêm, đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu năm nay.
Bên cạnh đó, khuyến cáo người tiêu dùng nên lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có nhãn mác đầy đủ và đăng ký chất lượng với cơ quan quản lý, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm như bánh trung thu. Ngoài ra, người tiêu dùng cần cẩn trọng với các sản phẩm bán trên các nền tảng thương mại điện tử. Nếu có nghi ngờ về chất lượng sản phẩm, người tiêu dùng nên báo cáo ngay cho các cơ quan chức năng để kịp thời kiểm tra, xử lý.
Thủy Hà