Sáng 19/9, tại Hà Nội, Diễn đàn Kinh tế-Xã hội Việt Nam năm 2023 chính thức khai mạc với chủ đề “Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ DN vượt khó”. Diễn đàn được kết nối trực tuyến tới 6 điểm cầu ở 3 khu vực Bắc- Trung- Nam.
Phát triển khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Diễn đàn Kinh tế-Xã hội Việt Nam là sự kiện thường niên hằng năm của Quốc hội, là phương thức quan trọng để quy tụ và phát huy rộng rãi trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của các vị ĐBQH, nhân dân, cử tri, các chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ DN, doanh nhân trong và ngoài nước nhằm đóng góp vào các vấn đề quan trọng của quốc gia, các quyết sách của Quốc hội. Đặc biệt, Diễn đàn diễn ra trong bối cảnh thế giới đang diễn biến phức tạp, khó lường; đại dịch Covid-19 để lại nhiều “di chứng” nặng nề không chỉ đối với sức khỏe của con người, mà còn ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế và những hệ quả khôn lường.
Nhờ các chính sách, giải pháp đúng đắn, kịp thời, nửa nhiệm kỳ vừa qua, Việt Nam cơ bản đã vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức trước “những cơn gió ngược” và đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện. Nền kinh tế duy trì được đà tăng trưởng và là một điểm sáng “trong bức tranh xám màu” của kinh tế toàn cầu. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, định hạng tín nhiệm quốc gia và vị thế quốc tế tiếp tục được cải thiện. Trong 8 tháng đầu năm 2023, thu hút vốn đầu tư FDI, giải ngân vốn đầu tư công, khu vực dịch vụ có chuyển biến tích cực hơn; một số địa bàn công nghiệp trọng điểm phục hồi hoặc duy trì đà tăng nhanh; công tác an sinh xã hội được quan tâm…
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, nền kinh tế Việt Nam cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 3,72%, gần thấp nhất trong 12 năm trở lại đây, tạo áp lực rất lớn về tăng trưởng GDP cho 2 quý còn lại của năm; việc đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023, giai đoạn 5 năm 2021-2025 và cả thời kỳ chiến lược 2021-2030 trở nên hết sức khó khăn. Nhiều động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong 8 tháng đầu năm 2023 đang có dấu hiệu chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài…
“Đất nước đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thử thách, trong đó nhiều diễn biến mới xuất hiện, gay gắt, nặng nề hơn so với dự báo, đòi hỏi phải có giải pháp ứng phó ngay trong ngắn hạn và giải pháp căn cơ có tầm chiến lược lâu dài. Từ thực tế vươn lên trong đại dịch khi đối diện với những khó khăn, thử thách khắc nghiệt như 3 năm vừa qua, chúng ta cần tăng cường, phát huy “nội lực”, vận dụng, khai thác hiệu quả “ngoại lực” để thích ứng và phát triển, đây được coi là nhiệm vụ hàng đầu và xuyên suốt đặc biệt trong bối cảnh, tình hình mới với nhiều biến động, rủi ro ngày càng gia tăng”- Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Xuân Thắng- Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, nhiều năm qua chúng ta đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, kéo theo thách thức lớn về tỷ giá, đứt gãy chuỗi cung ứng, lao động… Trong khi đó các vấn đề bất cập tích tụ trong nhiều năm như thị trường trái phiếu DN, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán bộc lộ rõ hơn trong đại dịch Covid-19, đã ảnh hưởng và trực tiếp tác động lên nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, gây ra nguy cơ rủi ro về hệ thống.
Do đó, theo ông Nguyễn Xuân Thắng, vận dụng nguyên tắc "dĩ bất biến, ứng vạn biến", Việt Nam đã thực hiện các chính sách vừa tập trung chống dịch, thích ứng với các sức ép từ bên ngoài, tháo gỡ các "điểm nghẽn" ở bên trong. Qua đó, đã góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm cân đối lớn, củng cố niềm tin của nhân dân, nhà đầu tư và DN.
Để xác định kịch bản tăng trưởng trong thời gian tới, ông Nguyễn Xuân Thắng đề nghị, cần đánh giá đầy đủ và chủ động khôi phục tiêu dùng trong nước; khôi phục dòng vốn đầu tư; tháo gỡ những khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh của các DN. Đồng thời, cần tiếp tục phát huy bài học kinh nghiệm, đó là càng trong khó khăn càng cần phải chú ý đến mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội; tích cực hỗ trợ NLĐ, người nghèo trước nguy cơ bị mất việc làm, thu nhập giảm sút và giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu gia tăng. "Đây cũng là dịp để phát huy vai trò của hệ thống chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội"- ông Thắng nhấn mạnh.
Vũ Thu