Các chuyên gia cảnh báo Trung Quốc đang đối mặt với một mùa Hè nắng nóng bất thường, với nguy cơ thời tiết cực đoan xảy ra trên khắp cả nước.
Đây sẽ là mùa Hè thứ ba liên tiếp Trung Quốc hứng chịu thời tiết nắng nóng cực độ, sau hai năm trải qua lũ lụt, hạn hán và cháy rừng khiến nhiều người thiệt mạng và đẩy cơ sở hạ tầng của nước này đến giới hạn.
Trao đổi với hãng thông tấn China News Service, Zheng Zhihai- Trưởng ban dự báo thời tiết tại Trung tâm Khí hậu quốc gia Trung Quốc cho biết, hầu hết các khu vực của nước này sẽ có nhiệt độ cao hơn bình thường trong mùa Hè năm nay, với nhiệt độ thủy ngân tăng trên 35 độ C diễn ra thường xuyên hơn mức trung bình lịch sử.
"Nhiệt độ ở hầu hết khu vực trên cả nước dự kiến cao hơn mức trung bình cùng kỳ những năm trước, với số ngày nắng nóng tăng lên", ông Zheng Zhihai nói và dự báo các đợt nắng nóng ngắn hạn sẽ quét qua miền Nam, miền Đông và miền Bắc Trung Quốc.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), một số khu vực có thể hứng chịu nhiệt độ cực cao nhưng tình hình chung được đánh giá sẽ ít nghiêm trọng hơn so với năm 2022 khi toàn Trung Quốc hứng chịu đợt nắng nóng tồi tệ nhất trong lịch sử với nhiệt độ cao bất thường kéo dài hơn 70 ngày.
Trong những ngày gần đây, mối lo ngại của người dân về các đợt sóng nhiệt cực độ ở Trung Quốc bắt đầu gia tăng trước thông tin về những cái chết vì nắng nóng xảy ra ở Ấn Độ. Ông Zheng khuyến nghị các địa phương chịu ảnh hưởng cần chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp ứng phó với nguy cơ hạn hán và đảm bảo đủ nguồn cung điện cho sinh hoạt và sản xuất khi nhu cầu sử dụng điều hòa không khí lên tới đỉnh điểm.
Trung Quốc đặc biệt dễ bị tổn thương trước tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu. Theo báo cáo về rủi ro khí hậu của Nhóm Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á, nhiệt độ ở nước này dự kiến sẽ tăng cao hơn so với hầu hết các quốc gia khác, đặc biệt là ở miền Bắc và miền Tây Trung Quốc. Báo cáo cho biết thêm, nhiệt độ như thiêu đốt trầm trọng hơn do hiệu ứng đảo nhiệt đô thị sẽ gây ra mối đe dọa "lớn" đối với năng suất kinh tế, nguồn cung cấp năng lượng và cuộc sống của người dân ở các thành phố lớn.
Theo cách phân loại của Trung tâm Dịch vụ Dữ liệu Khí tượng Trung Quốc, bất kỳ ngày nào có nền nhiệt tối đa vượt quá 35 độ C thì được coi là "ngày nhiệt độ cao", và nếu nền nhiệt này duy trì trong 3 ngày liên tiếp thì sẽ tạo thành đợt nắng nóng, hay còn gọi là sóng nhiệt.
Các nhà khoa học cảnh báo, biến đổi khí hậu mà biểu hiện chính là sự nóng lên toàn cầu làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan, bao gồm nắng nóng cực đoan xảy ra với tần suất nhiều hơn và khắc nghiệt hơn, hạn hán, lũ lụt, mực nước biển sẽ dâng cao hơn và các sông băng có xu hướng tan nhanh hơn.
Trong hơn một tháng qua, không chỉ ở Trung Quốc, người dân khu vực Nam Á và Đông Nam Á cũng phải chật vật ứng phó trước tác động mà các đợt nắng nóng cực đoan kéo dài gây ra. Tại Ấn Độ. thủ đô New Delhi và bang Rajasthan gần đó đã chứng kiến nền nhiệt lên tới hơn 50 độ C, khiến ít nhất 50 người thiệt mạng vì sốc nhiệt chỉ trong vòng một tuần. Nước láng giềng Pakistan cũng ghi nhận nhiệt độ trên 50 độ C, trong khi ở Thái Lan, nắng nóng gay gắt khiến nông dân khốn đốn, đặc biệt là những người trồng sầu riêng.
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cảnh báo, 2024 nhiều khả năng sẽ là một năm nắng nóng kỷ lục tiếp theo, "xô đổ" kỷ lục về nắng nóng của năm 2023. Mặc dù vậy, tổ chức này nhận định, sự trở lại của hiện tượng thời tiết La Nina sẽ có thể đem lại thời tiết mát mẻ hơn cho một số khu vực.
Ngọc Tuấn