Trong thời gian tới, Agribank sẽ chủ động triển khai đồng bộ, linh hoạt nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng có hiệu quả gắn với kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng, hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các DN, phục vụ cho các động lực tăng trưởng của nền kinh tế.
Ngày 3/3/2024, tại Hà Nội, Thường trực Chính phủ tổ chức gặp mặt đầu xuân các DNNN tiêu biểu. Tại cuộc gặp mặt, ông Phạm Đức Ấn- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đã báo cáo Thường trực Chính phủ về một số kết quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng, cũng như các định hướng hoạt động trong thời gian tới.
Ông Phạm Đức Ấn- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Agribank
Theo ông Phạm Đức Ấn, với sứ mệnh phục vụ “Tam nông”, thời gian qua, Agribank luôn chủ động, tiên phong, gương mẫu, triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ người dân, DN tháo gỡ khó khăn về vốn, phục hồi sản xuất kinh doanh theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và NHNN. Kết thúc năm 2023, quy mô tổng tài sản của Agribank đạt trên 2 triệu tỷ đồng, huy động vốn đạt 1,88 triệu tỷ đồng, dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 1,55 triệu tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân đạt gần 65%.
Phát huy trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng, trong năm 2023, Agribank dành 500 tỷ đồng triển khai các hoạt động an sinh xã hội, tập trung vào xây dựng nhà cho đối tượng chính sách, hỗ trợ xây dựng trường học, đầu tư lĩnh vực y tế. Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn vừa qua, Agribank dành hơn 100 tỷ đồng trao quà, hỗ trợ cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách đón Tết…
Nhận định tình hình năm 2024 vẫn diễn biến phức tạp, khó đoán định, nhiều nền kinh tế lớn gặp khó khăn, thậm chí đang có những dấu hiệu suy thoái, ông Phạm Đức Ấn cho rằng, chính điều này đang tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN trong nước. Cụ thể, mặc dù lãi suất huy động giảm nhiều, nhưng tiền gửi vẫn tiếp tục vào hệ thống ngân hàng, nhu cầu sử dụng vốn sụt giảm do nhu cầu về sản xuất, tiêu thụ hàng hoá chưa được cải thiện, do đó vốn tín dụng đang trở nên dư thừa tại nhiều ngân hàng thương mại, tăng chi phí trả lãi của ngân hàng.
Để gia tăng khả năng tiếp cận vốn, ngay từ đầu năm 2024, Agribank đã chủ động điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, triển khai các chương trình tín dụng quy mô hơn 120.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay thấp hơn từ 2,5-3% so với lãi suất thông thường để khuyến khích, hỗ trợ khách hàng. Thời gian tới, Agribank sẽ chủ động cân đối để phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ hỗ trợ khách hàng, nhất là DN; cải tiến, đơn giản hóa thủ tục, quy trình cho vay để nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Đồng thời, chủ động triển khai đồng bộ, linh hoạt nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng có hiệu quả gắn với kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng, hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các DN phục vụ cho các động lực tăng trưởng của nền kinh tế.
Nhân dịp này, ông Phạm Đức Ấn cũng nêu một số kiến nghị tháo gỡ vướng mắc, bất cập về cơ chế, chính sách, giải pháp nhằm góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tại các DNNN, khu vực này thực sự trở thành “lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước”, có vị trí then chốt, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
K.Ngân