Năm 2024, thị trường gạo thế giới tiếp tục chịu tác động bởi nhiều yếu tố như lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số quốc gia. Nếu tận dụng tốt lợi thế, giá trị hạt gạo Việt Nam sẽ đạt được kết quả tốt như năm 2023 vừa qua.
Ông Vũ Bá Phú- Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) chia sẻ tại Hội nghị “Đánh giá tình hình xuất khẩu và định hướng công tác xúc tiến thương mại phát triển thị trường gạo năm 2024” diễn ra ngày 29/2, tại Hà Nội.
Theo ông Vũ Bá Phú, dù đối diện với nhiều thách thức nhưng 2023 vẫn là năm thành công của ngành lúa gạo nước ta với sản lượng xuất khẩu đạt trên 8,1 triệu tấn, trị giá 4,6 tỷ USD, giá xuất khẩu bình quân đạt 575 USD/tấn.
“Hiện nay hoạt động sản xuất, xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng của năm 2023. Minh chứng là trong tháng 1/2024, hoạt động xuất khẩu gạo cho thấy những tín hiệu khởi sắc. Theo ước tính sơ bộ, gạo Việt Nam được xuất khẩu sang 27 thị trường với khối lượng trên 512.000 tấn, trị giá 362 triệu USD trong tháng 1/2024, tăng 42,8% về lượng và tăng tới 94,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022” - ông Vũ Bá Phú cho hay.
Cùng chung nhận định nêu trên, đại diện Hiệp hội Lương thực cho hay, trong khó khăn thách thức, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, nỗ lực của các bộ, ngành, doanh nghiệp, người nông dân, năm 2023, Việt Nam tiếp tục là một trong ba quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu, bên cạnh Ấn Độ và Thái Lan.
Tại hội nghị, nhận diện tình hình thương mại gạo toàn cầu trong năm 2024, các chuyên gia kinh tế, thương mại cho rằng, thị trường gạo thế giới đang tiếp tục chịu tác động bởi nhiều yếu tố như lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số quốc gia. Đáng kể là Nga tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen; thời tiết không thuận lợi gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản lượng lương thực tại nhiều nước… gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu gạo của các quốc gia.
Vì thế toàn bộ những sự thay đổi về chính sách, biến động về cung cầu và khuynh hướng giá cả của các quốc gia tiêu thụ gạo trên thế giới đều sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ngành gạo Việt Nam.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, năm 2024 tiếp tục có nhiều biến động khó dự báo, trong đó lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, việc Trung Quốc và Indonesia gia tăng nhập khẩu gạo tạo nhiều cơ hội hơn cho xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Thông tin về thị trường cho xuất khẩu gạo của Việt Nam, ông Phùng Văn Thành- Tham tán Thương mại Việt Nam tại Philippines cho biết, Philippines là thị trường tiêu thụ lớn nhất của ngành hàng gạo Việt Nam, với 85% sản lượng được nhập từ nước ta, 10% từ Thái Lan và còn lại đến từ các thị trường Ấn Độ, Bangladesh, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc).
Nhận định về dư địa hạt gạo Việt Nam, ông Phùng Văn Thành khẳng định, nguồn cung gạo của Việt Nam ổn định cả về số lượng và giá cả, có thể đáp ứng được nhu cầu nhập khẩu hàng năm của Philippines. Việt Nam cũng tận dụng được ưu thế trong các Hiệp định thương mại song phương và đa phương mà hai bên tham gia, trong khi các đối tác ngoài Asean của Philippines không có, như Ấn Độ, Pakistan.
Ông Phạm Thế Cường- Tham tán Thương mại Việt Nam tại Indonesia- quốc gia nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam cho hay, tính tới tháng 2/2024, Indonesia trải qua 8 tháng thâm hụt gạo liên tiếp do sản xuất trong nước thiếu hụt so với nhu cầu. Giá bán gạo lẻ tại thị trường đối với gạo phẩm cấp cao đang lên tới 1,16 USD/kg, vượt giá trần Chính phủ ấn định là 0,9 USD/kg.
Do vậy, ông Cường thông tin, DN xuất khẩu gạo Việt Nam cần theo dõi sát thông tin thị trường, tận dụng tranh thủ cơ hội xuất khẩu gạo trong những tháng đầu năm sang thị trường Indonesia.
Về giải pháp thúc đẩy xuất khẩu gạo, ông Vũ Bá Phú đề nghị, DN xuất khẩu gạo cần đa dạng các mặt hàng gạo xuất khẩu, không chỉ quá tập trung vào các sản phẩm gạo có chất lượng cao phục vụ cho người có thu nhập cao, mà còn cần khai thác tiềm năng của các loại gạo chất lượng trung bình để phục vụ cho số lượng lớn người dân thu nhập trung bình và thấp.
Hà Thủy