Theo dữ liệu chính thức, trong số hơn 297 triệu người từ 60 tuổi trở lên ở Trung Quốc, hiện đang có 1/4 là người độc thân. Đối mặt với những “tổ ấm” trống rỗng khi con, cháu lập nghiệp nơi xa và sự thay đổi cấu trúc xã hội khi dân số ngày một già đi, người cao tuổi Trung Quốc tự mình giải quyết vấn đề.
Một trong những địa điểm tập trung nhiều người cao tuổi nhất ở Thượng Hải (Trung Quốc) có lẽ là nhà hàng của Thương hiệu Nội thất nổi tiếng Ikea. Hầu hết các ngày trong tuần, đặc biệt là thứ Ba, có tới hàng trăm người cao tuổi đến đây để thưởng thức tiệc trà, đồ ăn nhẹ và thậm chí cả rượu mang từ nhà đến. Đối mặt với những “tổ ấm” trống rỗng khi con, cháu lập nghiệp nơi xa và sự thay đổi cấu trúc xã hội khi dân số ngày một già đi, người cao tuổi Trung Quốc đã tự mình giải quyết vấn đề. “Không chỉ người trẻ, mà người cao tuổi cũng cần giao lưu"- một cựu Giám đốc Viện dưỡng lão xưng tên là Qingqing-Thanh Thanh nói với phóng viên trong một buổi chiều mùa đông gần đây.
Bầu không khí ở nơi đây và cả độ ồn ào giống như một canteen trường học hơn là một nơi dành cho người cao tuổi. Theo dữ liệu chính thức, trong số hơn 297 triệu người từ 60 tuổi trở lên ở Trung Quốc, hiện đang có 1/4 là người độc thân. Trước đây, hộ gia đình nhiều thế hệ là tiêu chuẩn xã hội thì hiện tại, rất nhiều người cao tuổi sống một mình. Một cuộc khảo sát năm 2016 của Đại học Nhân dân Bắc Kinh cho thấy, 1/4 số người trên 60 tuổi cho biết, họ đang độc thân và có nhiều lúc cảm thấy vô cùng cô đơn.
“Trong tôi lúc nào cũng ẩn chứa sự cô độc”- ông Gu Yijun-Cố Nhất Quân, một tài xế xe khách đã nghỉ hưu chia sẻ- “Sau nhiều năm làm việc, đến tuổi nghỉ hưu, tôi cảm thấy cuộc sống hiện tại thật nhàm chán. Tôi luôn muốn có một người bạn đời bên cạnh". Ông Cố Nhất Quân cho biết thêm, mấy năm gần đây, ông thường lui tới nhà hàng Ikea để gặp gỡ những người cùng trang lứa, tuy là chưa gặp được đối tượng phù hợp nhưng có thêm rất nhiều bạn bè và có những giây phút thư giãn, vui vẻ: "Như vậy tốt hơn nhiều so với việc một mình đối mặt với tấm gương ở nhà, chỉ nhìn thấy hình ảnh phản chiếu của chính mình".
Đại diện Ikea Thượng Hải (Trung Quốc) cho biết, nhà hàng của thương hiệu thu hút người cao tuổi từ hơn 10 năm nay. Đến giờ, vẫn không có một hội nhóm cụ thể nào đứng ra tổ chức các hoạt động, mà những người cao tuổi đến đây như một thói quen hoặc một cách tự phát theo lời giới thiệu của bạn bè. Ban đầu, Ikea không mấy hài lòng, thậm chí năm 2011, từng tăng cường an ninh, dựng rào khu vực chỗ ngồi và treo biển kêu gọi không tụ tập. Tuy nhiên, sau đó, nhận thấy việc đón nhận những vị khách cao tuổi cũng là một cách để đóng góp cho xã hội nên Ikea tiếp tục mở rộng cửa cho đối tượng này: “Ikea nhận thức được sự cô đơn của những người cao tuổi, họ cần được quan tâm, tương tác với nhau, vì vậy chúng tôi cung cấp một nơi để họ có thể cảm thấy như ở nhà và gặp gỡ bạn bè”.
Tùng Anh (Theo AsiaOne)