Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông tin, số lượng người trưởng thành sử dụng thuốc lá đang giảm đều đặn trong những năm gần đây. Năm 2022, khoảng 1/5 người trưởng thành trên thế giới hút thuốc hoặc tiêu thụ các sản phẩm thuốc lá khác. Tỷ lệ này thấp hơn hẳn những năm 2000, cứ 3 người thì có 1 người hút thuốc.
Một báo cáo mới đây của WHO cho biết, căn cứ xu hướng phổ biến của việc sử dụng thuốc lá từ năm 2000 đến năm 2030, cho thấy 150 quốc gia đã giảm thành công việc sử dụng thuốc lá thông qua các quy định, thuế cao và các biện pháp khác. Tuy nhiên, ngành công nghiệp thuốc lá không bỏ cuộc, ngược lại, đang tăng cường nỗ lực nhằm phá vỡ và làm suy yếu thành tựu đó. Thậm chí, còn lôi kéo đối tượng khách hàng thanh thiếu niên, bất chấp đạo đức ngành nghề.
Theo thống kê, hiện việc sử dụng thuốc lá ước tính vẫn giết chết hơn 8 triệu người mỗi năm, trong đó có khoảng 1,3 triệu người không hút thuốc nhưng tiếp xúc với khói thuốc thụ động. Tỷ lệ hút thuốc đang giảm nhưng sẽ phải mất nhiều thập kỷ, số ca tử vong liên quan đến thuốc lá mới giảm theo. Hơn nữa, tất cả các quốc gia trên thế giới có thể sẽ không đạt được mục tiêu giảm 30% lượng sử dụng thuốc lá trong giai đoạn 2010-2025. Cụ thể, sẽ chỉ có 56 quốc gia dự kiến sẽ đạt được mục tiêu này, trong đó có Brazil, quốc gia đã cắt giảm 35% việc sử dụng thuốc lá kể từ năm 2010. Ở chiều ngược lại, 6 quốc gia đã chứng kiến việc sử dụng thuốc lá gia tăng kể từ năm 2010, bao gồm Cộng hòa Congo, Ai Cập, Indonesia, Jordan, Moldova và Oman.
“Nhìn chung, thế giới đang trên đà giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá xuống 1/4 trong khoảng thời gian 15 năm cho đến năm 2025”– WHO cho biết- “Đúng là đã có một số tiến bộ trong việc kiểm soát thuốc lá những năm gần đây, song chúng ta không có thời gian để tự mãn hay chủ quan. Đặc biệt, cần lưu tâm đến quảng bá thuốc lá điện tử, thuốc lá điện tử và các sản phẩm không khói khác của ngành công nghiệp thuốc lá. Ngành công nghiệp thuốc lá khẳng định không nhắm đến giới trẻ nhưng lại tung ra sản phẩm có "hàng nghìn hương vị" và "hầu hết đều hấp dẫn trẻ em như mùi kem vani, kẹo dẻo… hoặc hình dạng bắt mắt như sợi dây của áo hoodie, son môi, bút chì”.
Chính vì vậy, WHO kêu gọi tất cả các quốc gia duy trì và tăng cường chính sách kiểm soát, cũng như hạn chế “sự xâm lấn của ngành công nghiệp thuốc lá”, nhất là đối với đối tượng thanh thiếu niên. Nhấn mạnh sự cần thiết phải thu thập dữ liệu chi tiết hơn về việc sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên, WHO cho biết, trung bình khoảng 10% trẻ em từ 13 đến 15 tuổi trên toàn cầu sử dụng một hoặc nhiều loại thuốc lá. Con số đó tăng lên tới ít nhất 37 triệu thanh thiếu niên, trong đó khoảng 12 triệu em sử dụng các sản phẩm thuốc lá không khói mới. Đây chưa phải là số liệu chính thức và đầy đủ, do 70 quốc gia không cung cấp dữ liệu.
Tùng Anh (Theo WHO)