Chiều 15/12, BHXH tỉnh An Giang phối hợp với Trường Đại học An Giang tổ chức tuyên truyền, vận động các em SV tham gia BHYT, đồng thời kết hợp hướng dẫn cài đặt ứng dụng VssID. Hoạt động này nhằm mục tiêu quyết tâm đưa toàn bộ các em HSSV vào hệ thống an sinh.
Trước đó, theo thống kê của BHXH tỉnh An Giang, trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn khoảng 800 HSSV có thẻ BHYT đã hết hạn sử dụng nhưng chưa tham gia tiếp (chiếm 0,24% trên tổng số HSSV phải tham gia BHYT). Trong đó, tập trung chủ yếu ở nhóm SV các trường đại học, cao đẳng như: Đại học An Giang (518 em), Cao đẳng Nghề, Cao đẳng Y tế… Chính vì vậy, Ban Giám đốc BHXH tỉnh đã yêu cầu phải tiếp tục có các giải pháp mạnh mẽ để 100% HSSV được tham gia BHYT.
Ông Hà Dựng Chí- Trưởng phòng Truyền thông (BHXH tỉnh An Giang) thông tin về chính sách BHYT HSSV tại Trường Đại học An Giang
Tại buổi tuyên truyền, đại diện BHXH tỉnh An Giang đã giải đáp những ý kiến thắc mắc của các em HSSV về nơi đăng ký KCB ban đầu; phân biệt mã thẻ BHYT hộ gia đình và mã thẻ HSSV; những quyền lợi của HSSV khi đi KCB BHYT… Qua đó, giúp các em hiểu rõ thêm về quyền lợi khi tham gia BHYT. Ngoài tuyên truyền trực tiếp, BHXH tỉnh An Giang còn gửi tin nhắn thương hiệu (SMS) đến các em HSSV có thẻ BHYT hết hạn sử dụng và hướng dẫn các em liên hệ với nhà trường để được hướng dẫn gia hạn tiếp.
“Theo quy định của Luật BHYT, HSSV là nhóm bắt buộc tham gia BHYT. Do đó, việc tham gia BHYT không những là quyền lợi, mà còn là trách nhiệm phải tuân thủ pháp luật. Tham gia BHYT cũng là thể hiện tinh thần tương thân tương ái của các em HSSV. Thông qua việc đóng BHYT, các em sẽ chia sẻ rủi ro với những người không may bị ốm đau, bệnh tật…”- đại diện BHXH tỉnh chia sẻ tại buổi nói chuyện.
Ông Đặng Hồng Tuấn- Giám đốc BHXH tỉnh An Giang cho biết thêm, tính đến ngày 14/12, tỉnh An Giang có 528 cơ sở giáo dục với 365.235 HSSV tham gia BHYT, chiếm tỷ lệ 99,78%. Như vậy, chỉ còn khoảng 800 em nữa chưa tham gia (chiếm tỷ lệ 0,24%). Cũng theo ông Tuấn, tỷ lệ tham gia BHYT HSSV ở một số địa phương còn chậm và chưa kịp thời, đặc biệt là tại các trường đại học, cao đẳng.
Nguyên nhân, theo ông Tuấn, là do thu nhập của người dân trên địa bàn còn nhiều khó khăn, nhất là các gia đình đông con em đi học. Trong khi đó, tỉnh An Giang chưa hỗ trợ thêm từ ngân sách địa phương cho HSSV tham gia BHYT như các địa phương khác. Ngoài ra, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn lại có kỳ khai giảng trễ hơn so với các trường tiểu học, THCS, THPT, nên việc nắm sĩ số, lập danh sách SV tham gia BHYT cũng trễ hơn so với các em học sinh cấp dưới.
SV Đại học An Giang đặt câu hỏi với đại diện BHXH tỉnh
Để đảm bảo 100% HSSV tham gia BHYT, đồng thời giải quyết khó khăn, vướng mắc của các trường, BHXH tỉnh An Giang đã triển khai đa dạng các giải pháp. Ngay trong tháng 10, BHXH tỉnh đã phối hợp với Sở GD-ĐT xây dựng kế hoạch giám sát trực tiếp tại 7 huyện, thị xã, thành phố có tỷ lệ HSSV tham gia BHYT dưới 90%. Nội dung giám sát chủ yếu là nắm những khó khăn, vướng mắc của các trường để tiếp tục hỗ trợ thực hiện. Đồng thời, phối hợp với các trường rà soát danh sách HSSV chưa tham gia BHYT để có giải pháp vận động phù hợp.
Đơn cử, các em có hoàn cảnh khó khăn thì trường phối hợp với chính quyền địa phương vận động nguồn kinh phí hỗ trợ một phần cho các em tham gia BHYT; các em có khả năng tham gia nhưng chưa đóng, thì nhà trường phối hợp với cơ quan BHXH bố trí các buổi tuyên truyền để thông tin, đối thoại trực tiếp về chính sách BHYT tới các em…
Về cách làm, mô hình hay để tạo điều kiện cho các em HSSV có hoàn cảnh khó khăn tham gia BHYT, ông Đặng Hồng Tuấn cho biết, mô hình đầu tiên và cũng là điểm thành công nhất trong triển khai thực hiện chính sách BHYT HSSV trên địa bàn tỉnh năm nay, đó là Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh An Giang đã xây dựng, triển khai Kế hoạch số 316/KH-MTTQ-BTT về việc vận động nguồn lực thực hiện Chương trình "Thẻ BHYT cho HS giỏi có hoàn cảnh khó khăn; sổ BHXH cho người có hoàn cảnh khó khăn năm 2023”. Chỉ trong một tháng triển khai đã vận động được trên 1 tỷ đồng, hỗ trợ trên 2.600 thẻ BHYT cho các em HS học giỏi, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Mô hình thứ hai là phối hợp giám sát trực tiếp, không chỉ BHXH tỉnh và Sở GD-ĐT thực hiện giám sát, mà ở các địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội (Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, thị, thành phố; Hội Nông dân…) cũng vào cuộc. Qua đó, tập trung giám sát việc thực hiện các chỉ tiêu nông thôn mới, các chỉ tiêu không cần vốn, việc triển khai BHYT HSSV.
Mô hình thứ ba chính là việc phối hợp thành lập các nhóm Zalo giữa cán bộ phụ trách với giáo viên chủ nhiệm ở các trường trên địa bàn. Từ đó, mọi thông tin về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, thu tiền, lập hồ sơ danh sách tham gia BHYT, hướng dẫn cài đặt ứng dụng VssID… đều được các bên phối hợp, hỗ trợ giải quyết, xử lý kịp thời, nhịp nhàng.
“Với quyết tâm 100% HSSV tham gia BHYT và cài đặt ứng dụng VssID, ngoài chương trình tại Trường Đại học An Giang hôm nay, BHXH tỉnh An Giang sẽ tiếp tục phối hợp với các trường đẩy mạnh các giải pháp linh hoạt, tuyên truyền vận động để số ít các em còn lại tiếp tục gia hạn thẻ BHYT trong tháng 12 này”- ông Đặng Hồng Tuấn cho biết thêm.
Phạm Thọ