Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị ưu tiên bố trí vốn ngân sách địa phương và bố trí đủ vốn đối ứng thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững năm 2024.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững năm 2024, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị các địa phương tiếp tục chỉ đạo quyết liệt thực hiện hướng dẫn về việc triển khai thực hiện chương trình năm 2024; hướng dẫn các địa phương rà soát và gửi dữ liệu hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ.
Theo quy định tại Quyết định số 24/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm và quy trình xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022-2025, thời gian rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ hằng năm thực hiện từ ngày 1/9 mỗi năm. Vì vậy, với các địa phương chưa ban hành và gửi Kế hoạch rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ năm 2024, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị khẩn trương thực hiện, để tổng hợp theo quy định. Cùng với đó, các địa phương kịp thời điều chỉnh chuyển vốn từ các dự án, tiểu dự án, nhiệm vụ, nội dung hoạt động không đủ điều kiện để giải ngân, hoặc giải ngân chậm, để bổ sung cho các dự án, tiểu dự án, nhiệm vụ, nội dung có khả năng giải ngân nhanh và có nhu cầu bổ sung vốn theo quy định. Đối với các nhiệm vụ, nội dung, dự án đã hoàn thành đề nghị thực hiện ngay việc nghiệm thu, thanh lý, hoàn thiện hồ sơ thanh quyết toán theo quy định.
Đối với 22 huyện nghèo thuộc 17 tỉnh được hỗ trợ thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022- 2025 được phê duyệt tại Quyết định số 880/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại khoản 2, khoản 3 Điều 2 Quyết định số 702/QĐ-TTg ngày 22/7/2024 công nhận huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế thoát nghèo năm 2024. Đề nghị 16 tỉnh có huyện nghèo được hỗ trợ thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022-2025 rà soát, tập trung triển khai hoàn thành mục tiêu, nội dung trong Kế hoạch thực hiện đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời, tổ chức rà soát, đánh giá đối với các huyện nghèo trên địa bàn, trình Bộ LĐ-TB&XH để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
Đối với 12 địa phương có xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, UBND các tỉnh Thừa Thiên Huế, Long An, Bến Tre và Sóc Trăng thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Điều 2 Quyết định số 576/QĐ-TTg ngày 28/6/2024 công nhận 9 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025 thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
Bộ cũng đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát, tổng hợp danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo trên địa bàn, đã được cấp có thẩm quyền công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, hoặc trở thành phường, thị trấn để báo cáo Bộ tổng hợp, thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh danh sách xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển, và hải đảo giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần lưu ý ưu tiên bố trí vốn ngân sách địa phương và bố trí đủ vốn đối ứng thực hiện chương trình theo quy định, đặc biệt là 5 tỉnh có tỷ lệ vốn đối ứng thấp, gồm Lào Cai, Hòa Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, và Long An.
V.Thu