Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức Diễn đàn Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự và chỉ đạo tại Diễn đàn.
Dư địa tăng năng suất lao động vẫn còn rất lớn
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Đình Khang- Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, trong những năm qua, Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ, triển khai có hiệu quả nhiều hoạt động, giải pháp nhằm giải quyết những vấn đề cấp thiết liên quan tới việc làm, thu nhập, đời sống, an ninh, an toàn của công nhân lao động; xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh; góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.
“Đứng trước yêu cầu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế- xã hội nhiệm kỳ 2021-2026 mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ đặt ra, tiếp tục khẳng định vai trò đồng hành của Công đoàn với Chính phủ, nhân dịp Tháng Công nhân năm 2024 và hướng tới kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929- 28/7/2024), Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức Diễn đàn với chủ đề “Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024” với mong muốn Diễn đàn là dịp để công nhân, viên chức, công chức, cán bộ công đoàn và các doanh nghiệp ở các vị trí khác nhau cùng trao đổi, bàn thảo, đánh giá về thực trạng năng suất lao động Việt Nam, nguyên nhân và điểm nghẽn”- ông Khang cho hay.
Còn theo TS.Nguyễn Tú Anh- Vụ trưởng Vụ Dự báo và Phân tích kinh tế (Ban Kinh tế Trung ương), theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, năng suất lao động của Việt Nam trong năm 2022 là 20,4 nghìn USD, chỉ bằng 11,4% mức năng suất lao động của Singapore; 35,4% của Malaysia; 64,8% của Thái Lan; 79% của Indonesia… Tuy nhiên, nhìn vào con số này thì năng suất lao động của Việt Nam còn thấp nhưng nhìn kỹ vào cơ cấu kinh tế Việt Nam thì phần lớn NLĐ Việt Nam làm việc trong khu vực phi chính thức và hộ gia đình; số lượng NLĐ làm việc trong khu vực doanh nghiệp chỉ chiếm 29,2% lao động làm việc trong năm 2022, mặc dù vậy, số lượng lao động này lại tạo ra 60% GDP cho nền kinh tế, trong đó khu vực tư nhân là 10%, khu vực doanh nghiệp FDI là 20%. “Với số lượng lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp tạo ra 60% GDP cho nền kinh tế cho ta thấy năng suất lao động của NLĐ trong doanh nghiệp của Việt Nam tạo ra 53.582 USD/lao động, như vậy bằng khoảng 30% so với năng suất lao động của Singapore, chứ không phải bằng 11,4%. Dù vậy, năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn thấp nên một trong những vấn đề cần được quan tâm là số lượng thành lập doanh nghiệp. Chúng ta cần đẩy mạnh để đạt được mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025; 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030”- ông Tú Anh cho hay.
Cũng theo ông Tú Anh, phải nhìn kỹ hơn một chút là năng suất lao động tại khu vực tư nhân còn thấp, bằng 3,6% so với doanh nghiệp nhà nước (số liệu tính năm 2021). Trong giai đoạn 2018-2022 mặc dù bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nhưng năng suất lao động của Việt Nam vẫn tăng bình quân 7,06%/năm. Những ngành có năng suất lao động cao vượt trội so với mức trung bình của cả nước lại có tỷ trọng lao động rất thấp tổng lao động các ngành này (trừ công nghiệp chế biến chế tạo) chỉ chiếm 10,28% tổng số lao động có việc làm năm 2022. Ngành chế biến chế tạo có tỉ trọng lao động lớn (chiếm 23,25%) đóng vai trò như trung vị của năng suất lao động cả nước. Đây chính là ngành động lực thúc đẩy năng suất lao động của cả nước. 66,5% lao động nằm trong các ngành có năng suất lao động thấp hơn bình quân cả nước. Đặc biệt, ngành Nông lâm thủy sản có năng suất lao động chỉ bằng 39,73% năng suất lao động bình quân cả nước nhưng có số lao động chiếm 27,54% tổng lao động có việc làm.
Ngành bán buôn bán lẻ sửa chữa xe có động cơ cũng là nơi tạo việc làm tới 15,6% nhưng năng suất lao động chỉ bằng 57% mức bình quân cả nước. Như vậy, Việt Nam còn nhiều dư địa để tăng năng suất lao động bằng việc dịch chuyển lao động từ khu vực dư thừa lao động, có năng suất lao động thấp sang những ngành có năng suất lao động cao hơn. Chính vì vậy, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, cải thiện môi trường kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận nguồn lực như đất đai, vốn, tri thức, lao động, giảm chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước để phát triển nhanh hơn số lượng doanh nghiệp mà tăng quy mô của doanh nghiệp. Chỉ khi năng suất lao động của ngành chế biến chế tạo tăng lên thì mới có thu nhập tăng thêm để chi tiêu cho ngành dịch vụ qua đó làm tăng năng suất lao động ngành dịch vụ hay nói cách khác năng suất lao động ngành dịch vụ là phái sinh theo sau ngành chế biến chế tạo. Bên cạnh đó, hỗ trợ hình thành nên các doanh nghiệp lớn, những sếu đầu đàn dựa trên tiềm lực hiện có của các doanh nghiệp hiện nay để dẫn dắt ngành phát triển theo một chuỗi cung ứng do doanh nghiệp Việt Nam làm chủ như ngành sản xuất ôtô, ngành điện tử, ngành công nghệ thông tin, ngân hàng tài chính, chế biến nông lâm thủy sản, ngành thép.
Tiền lương là động lực tăng năng suất
Bà Phạm Thu Lan- Phó Viện trưởng Viện Công nhân- Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho biết, NLĐ đi làm đều quan tâm tới tiền lương, đặc biệt là người có thu nhập thấp. Thực tế đã khẳng định mối quan hệ chặt chẽ và tỷ lệ thuận giữa tiền lương, thưởng và phúc lợi với động lực làm việc, sự hài lòng và toàn tâm trong công việc. NLĐ dù muốn gắn bó nhưng cũng không thể ở lại mãi với công ty khi mà lương thấp. Điều này giải thích tại sao tỷ lệ nhảy việc cao, 8-12%/tháng ở các ngành đông lao động. Trong quan hệ kinh tế, nhảy việc để tìm kiếm công việc phù hợp với kỹ năng, trình độ và phát huy tối ưu năng lực của bản thân là việc bình thường, nhưng nhảy việc chỉ thuần túy để tìm kiếm mức lương cao hơn cho một công việc tương tự lại là sự lãng phí không đáng có. Một doanh nghiệp có 1.000 công nhân, nhưng 1 tháng 100 công nhân liên tục ra vào. Doanh nghiệp này sẽ phải tốn rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc và nhân lực cho quảng cáo tuyển dụng, tổ chức phỏng vấn, làm thủ tục, hồ sơ, giấy tờ, đào tạo nhân viên… trong khi những chi phí này hoàn toàn có thể tiết kiệm để đầu tư cho tăng năng suất.
Bày tỏ tự hào về kết quả tăng năng suất trong chặng đường đã qua, bà Lan bày tỏ lo ngại tăng năng suất trong chặng đường sắp tới là một thách thức, bởi chuyển từ một nước thu nhập thấp lên một nước thu nhập trung bình dễ hơn rất nhiều so với từ một nước thu nhập trung bình lên thu nhập cao. “Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, tăng năng suất giai đoạn tới không thể dựa vào việc đi tiếp con đường đã đi mà đòi hỏi sự chuyển đổi mô hình, chuyển đổi nền kinh tế đi liền với chuyển đổi về việc làm, lực lượng lao động và kỹ năng. Để thực hiện thành công sự chuyển đổi đồng bộ này, chính sách tiền lương, tiền thưởng và phúc lợi đóng vai trò vô cùng quan trọng”- bà Lan phân tích.
Đề xuất tăng năng suất từ yếu tố lao động, bà Lan đề xuất, cần xác lập mức lương tối thiểu thỏa đáng. Mức lương tối thiểu là sàn an sinh xã hội và là quyền cơ bản của con người. Mức lương tối thiểu thỏa đáng không chỉ đảm bảo trang trải chi phí cơ bản cần thiết cho NLĐ và gia đình như thực phẩm đủ dinh dưỡng, nhà ở, chăm sóc sức khỏe, quần áo, đi lại, giáo dục, quan hệ xã hội, mà còn cần một khoản dự phòng cho sự việc bất khả kháng và tiết kiệm cho tương lai. “Tổ chức Công đoàn mong muốn Chính phủ chỉ đạo Hội đồng Tiền lương quốc gia trong thời gian tới nghiên cứu và xác lập mức lương tối thiểu thỏa đáng, tư vấn cho Chính phủ để tiền lương thực sự là động lực tăng năng suất”- bà Lan nêu ý kiến.
Bên cạnh đó, tăng độ bao phủ BHXH. Hiện tại, tỷ lệ tham gia BHXH liên tục tăng trong những năm vừa qua, đến nay đạt hơn 38% lực lượng lao động. Tổ chức Công đoàn mong muốn mục tiêu độ bao phủ BHXH đến năm 2030 đạt 60% như kế hoạch đề ra, đáp ứng mong mỏi của NLĐ. Đồng thời, thúc đẩy bình đẳng giới về thu nhập. Phụ nữ chiếm hơn một nửa dân số và gần một nửa lực lượng lao động, nhưng các nghiên cứu chỉ ra rằng khoảng cách tiền lương và thu nhập giữa nam và nữ là 10-15% tùy theo ngành và lĩnh vực.
Tập trung đẩy mạnh tăng năng suất
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, nâng cao năng suất lao động đã trở thành một vấn đề rất quan trọng, mang tính sống còn đối với tất cả các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Thủ tướng đề nghị tập trung thực hiện “3 đẩy mạnh, 3 tiên phong, 3 bứt phá” để góp phần thúc đẩy tăng năng suất lao động, tạo môi trường sinh thái tốt nhất cho NLĐ phát huy tính sáng tạo, đổi mới, yêu nước, yêu nghề.
Đồng thời, yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tổng hợp đầy đủ các kiến nghị, đề xuất, hiến kế của đoàn viên, người lao động; tập trung rà soát, tiếp thu tối đa để hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định pháp luật liên quan và nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện. Tổng LĐLĐ Việt Nam nghiên cứu, tiếp thu và có giải pháp cụ thể đối với những ý kiến liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền để triển khai trong thời gian tới; tạo môi trường sinh thái tốt nhất cho NLĐ phát huy tính sáng tạo, đổi mới, yêu nước, yêu nghề. NSLĐ là một chỉ tiêu kinh tế tổng hợp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng- là một trong những thước đo quan trọng nhất để đánh giá, so sánh trình độ phát triển giữa các quốc gia, cũng như giữa các lĩnh vực, địa phương trong từng quốc gia.
Về các nhiệm vụ, giải phát trọng tâm tăng NSLĐ, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương và đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam, Công đoàn các cấp cùng chung tay tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về tăng NSLĐ theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, chú trọng một số nội dung trọng tâm sau: Một là, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng- coi đây là nền tảng để tăng NSLĐ (xuất phát từ công thức: NSLĐ xã hội= GDP/Lao động bình quân trong năm). Trong đó lưu ý gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Hai là, đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược về thể chế, kết cấu hạ tầng, đặc biệt là nguồn nhân lực gắn với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Ba là, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo và dạy nghề ở tất cả các cấp học, bậc học, ngành, lĩnh vực, bảo đảm đào tạo được nguồn nhân lực có chất lượng, số lượng, cơ cấu hợp lý.
V.Thu