Nhà hát Cải lương Việt Nam vừa ra mắt công chúng vở cải lương “Mặt trời đêm thế kỷ” do NSND Hoàng Quỳnh Mai đạo diễn. Vở diễn khắc họa cuộc đời và con người của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ- vua Quang Trung, qua đó lan tỏa tình yêu văn hóa, lịch sử dân tộc tới công chúng.
Kịch bản “Mặt trời đêm thế kỷ” của cố tác giả Lê Duy Hạnh, được NSƯT Ngọc Chi chuyển thể cải lương. Vở diễn do NSND Triệu Trung Kiên chỉ đạo nghệ thuật, NSND Hoàng Quỳnh Mai đạo diễn, với sự tham gia diễn xuất của các nghệ sĩ Đoàn Cải lương truyền thống (Nhà hát Cải lương Việt Nam).
Là người con của quê hương Bình Định (xã Bình An, huyện Tây Sơn), tác giả Lê Duy Hạnh dành nhiều tâm huyết viết những tác phẩm sân khấu về phong trào khởi nghĩa Tây Sơn. “Mặt trời đêm thế kỷ” ca ngợi công lao của hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ, người đã đưa phong trào Tây Sơn từ cuộc khởi nghĩa nông dân trở thành phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, là một trong 3 kịch bản giúp tác giả nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001. Đây cũng là kịch bản được nhiều đơn vị kịch hát dân tộc dàn dựng và biểu diễn thành công.
“Mặt trời đêm thế kỷ” kể về vua Quang Trung-Nguyễn Huệ giai đoạn còn là Bắc Bình Vương, đóng quân ở Phú Xuân (Huế), với những công lao cũng như “góc khuất” trong cuộc đời. Đó là sau khi phong trào khởi nghĩa thắng lợi, 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ mỗi người trấn giữ một vùng. Thế nước khi ấy, đàng trong thì Nguyễn Ánh cầu viện giặc Xiêm đánh chiếm Gia Định, Nguyễn Nhạc ngủ quên trên chiến thắng, chỉ muốn giữ một phủ Quy Nhơn, nhún mình xưng làm chúa miền Tây, ngày đêm say sưa tiệc tùng, ca múa...
Trong khi đó, ở đàng ngoài, Lê Chiêu Thống chạy sang cầu viện giặc Thanh, Nguyễn Hữu Chỉnh lộng quyền, nhân dân Bắc Hà đói khổ lầm than… Nguyễn Huệ phái Vũ Văn Nhậm- con rể của Nguyễn Nhạc ra tiêu diệt Nguyễn Hữu Chỉnh. Tuy nhiên, đến lượt Vũ Văn Nhậm cũng chuyên quyền, tham lam vơ vét tiền của, đẩy dân đen vào khốn cùng… Nghe tin, Nguyễn Huệ lập tức đem quân ra Bắc trừng trị Vũ Văn Nhậm…
Kịch bản của Lê Duy Hạnh không mô tả sâu chiến công ngoài mặt trận hay tài năng phi thường của Nguyễn Huệ, mà tập trung vào lát cắt về cuộc sống riêng, những xung đột trong nội bộ của anh em nhà Tây Sơn trước quyết định sinh tử, tồn vong của dân tộc, trước quyết định mang tính vận mệnh của quốc gia… Đó là quãng thời gian khó khăn của người anh hùng áo vải, bởi ông phải trải qua rất nhiều thăng trầm, dằn vặt, đặc biệt là quyết định chém đầu Vũ Văn Nhậm (con rể của Nguyễn Nhạc) cũng như những nguyên nhân dẫn đến sự bất hòa, chia rẽ giữa 3 anh em… Xuyên suốt vở diễn, nhân vật Quang Trung-Nguyễn Huệ hiện ra không chỉ với hình ảnh một nhà quân sự thiên tài, nhà chính trị lỗi lạc, vị tướng rất được lòng dân…, mà còn là một con người bằng xương bằng thịt với những hỷ nộ ái ố rất đời thường.
Chia sẻ về vở diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai cho biết, trong giai đoạn này, anh em nhà Tây Sơn không còn nắm chặt tay nhau nữa, nhưng trong những mất mát ấy, người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ đã có lựa chọn sống liên quan đến vận mệnh quốc gia. Và, cái tên kịch bản- “Mặt trời đêm thế kỷ”, đã một lần nữa khẳng định vua Quang Trung là vị anh hùng dân tộc, là vầng mặt trời chói lọi chiếu sáng cả màn đêm của thế kỷ.
Vở diễn có sự tham gia của các nghệ sĩ tài năng Nhà hát Cải lương Việt Nam như: Văn Thuân (vai Nguyễn Huệ), Văn Tuấn (vai Nguyễn Nhạc), Trung Tuấn (vai Nguyễn Lữ), Tuấn Thanh (vai Vũ Văn Nhậm), NSƯT Hồng Hạnh (vai Ngọc Hân), NSƯT Thiên Hoa (vai Thứ phi), Nguyễn Thủy (vai Thọ Hương), Văn Cường (vai lái buôn), Hồng Gấm (vai thị nữ)... Các nghệ sĩ đã luyện tập miệt mài trong suốt 4 tháng để đem đến cho công chúng một vở diễn ấn tượng.
Minh Anh