Theo đánh giá của các ĐBQH, việc giải ngân vốn 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia, nhất là chương trình giảm nghèo còn chậm. Do vậy, Chính phủ có giải pháp quyết liệt hơn nữa để khẩn trương đẩy nhanh giải ngân vốn các chương trình này.
Theo ĐB Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu), qua theo dõi việc triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia cho thấy, hiện nay việc tổ chức triển khai và giải ngân nguồn vốn từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) vẫn còn rất chậm. Đối với chương trình MTQG về xây dựng NTM, tính đến tháng 8/2024 mới giải ngân đạt khoảng 50%; Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đạt 51%, Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS đạt khoảng 53%. Ước đến tháng 8/2024, giải ngân 3 chương trình MTQG đạt khoảng 47%. Do đó, cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan đầu mối. “Đây là những nguồn vốn thực hiện trong khi đó chương trình của chúng ta chỉ còn năm sau nữa là tổng kết để kết thúc cho cả giai đoạn. Theo dự kiến của Chính phủ, giải ngân nguồn vốn đầu tư năm 2024 dự kiến đạt 98%, giải ngân nguồn vốn sự nghiệp đạt 95%, tôi nghĩ nội dung này cần phải xem xét kỹ vì sẽ rất khó khả thi”- ĐB Hoa Ry nêu rõ.
ĐB Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu)
Cũng theo ĐB Hoa Ry, qua theo dõi nguồn vốn từ năm 2023 chuyển sang năm 2024, Chính phủ đã cam kết trước Quốc hội sẽ giải ngân tốt nhưng cũng không đạt được mục tiêu đề ra. Do đó, Chính phủ cần xem xét điều chỉnh cho kịp thời. Đặc biệt, trong 9 tháng đầu năm, khi cơn bão số 3 tác động đến 26 tỉnh/thành phố thì việc thực hiện 3 Chương trình MTQG ở 26 tỉnh, thành phố này như thế nào chúng ta cần rà soát, tổng hợp, đánh giá lại đối với thành quả đã đạt được.
Qua nghiên cứu Báo cáo số 594 ngày 2/10/2024 về thực hiện Chương trình MTQG của BCĐ Chương trình MTQG, ĐB Leo Thị Lịch (Bắc Giang) nhận thấy, trong lĩnh vực phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS, mặc dù thời gian qua đã có nhiều kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ của Chương trình này, tuy nhiên đến nay vẫn chưa khắc phục được một số vướng mắc thực hiện trong giai đoạn 2021- 2025. Cụ thể, trong báo cáo, Chính phủ chưa đánh giá rõ tác động trực tiếp của các chương trình, dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trong 4 năm qua, nhất là việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy định, hướng dẫn.
Mặc dù Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 111/2024/QH15 điều chỉnh cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ vướng mắc việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, tạo cơ chế rõ hơn về phân cấp, phân quyền và để địa phương chủ động, linh hoạt hơn trong tổ chức thực hiện, tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân đạt thấp. Vì vậy, Chính phủ cần xem xét, đánh giá chính xác hơn về các số liệu như tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ lao động trong độ tuổi đào tạo nghề và tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi thấp còi. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chưa làm rõ được việc đánh giá thực hiện dự án thành phần của Chương trình mục tiêu về tính sinh kế bền vững qua cơn bão số 3 và lũ lụt, lũ quét vừa qua nên cần làm rõ và chi tiết để đảm bảo phát triển sinh kế bền vững của Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là tỷ lệ giải ngân hiện nay. “Giải ngân vốn sự nghiệp đến nay mới chỉ đạt 8%. Tôi thấy là rất thấp mà cả giai giai đoạn như vậy thì việc tạo sinh kế cho người dân thực chất của mục tiêu đặt ra đã đảm bảo hay chưa? Do đó, Chính phủ cần làm rõ thêm về vấn đề này, nhất là trong giai đoạn 2021-2025, đến tháng 10/2025, chúng ta phải có báo cáo đánh giá tổng kết thực hiện cả giai đoạn 1”- ĐB Lịch phân tích.
Từ những phân tích nêu trên, ĐB Leo Thị Lịch đề nghị Chính phủ cần có đánh giá chi tiết cụ thể từng mục tiêu, từng dự án phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS để làm căn cứ, tiến tới hoàn thiện tổng kết cho giai đoạn 1 năm 2021-2025. Với tỷ lệ giải ngân đầu tư công kéo dài ở các năm, chuyển sang năm 2024 chỉ đạt 32% và giải ngân vốn sự nghiệp chỉ đạt 8% thì Chính phủ phải có giải pháp đôn đốc và điều hành chỉ đạo một cách tăng tốc hơn, quyết liệt hơn, nắm chi tiết tình hình để hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương chưa hoàn thành phân bổ và giải ngân vốn thấp.
ĐB Nguyễn Văn Thi (Bắc Giang)
Đánh giá tình hình thực hiện các Chương trình MTQG, ĐB Nguyễn Văn Thi (Bắc Giang) cho biết, theo báo cáo Chính phủ, trong những tháng đầu năm, Chính phủ đã thực hiện tốt việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách, các văn bản chỉ đạo và đã được ban hành đầy đủ, tạo điều kiện cho các địa phương triển khai và thực hiện. Tuy nhiên, nhìn vào kết quả thực hiện 9 tháng đầu năm nay, tiến độ giải ngân các nguồn vốn thực hiện 3 Chương trình MTQG, nhất là giải ngân nguồn vốn sự nghiệp vẫn đang rất chậm. “Đây là những con số biết nói. Như Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi chỉ đạt 8%. Còn đối với Chương trình giảm nghèo bền vững đạt 15,4%. Vướng mắc lớn nhất trong giải ngân vốn sự nghiệp lại là giải ngân nguồn vốn về hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề và việc làm. Đây là những nội dung chương trình, các tiểu dự án liên quan trực tiếp đến thực hiện các chỉ tiêu giảm nghèo, đến phát triển kinh tế, đến việc nâng cao đời sống người dân và đảm bảo phát triển bền vững nhưng tiến độ giải ngân của các chương trình này lại rất chậm. Vì vậy, Chính phủ cần rà soát những vướng mắc, khó khăn về thể chế, về cơ chế để Chính phủ, các bộ, ngành khẩn trương tháo gỡ. Đồng thời, có các giải pháp cụ thể để đôn đốc các địa phương khẩn trương, quyết liệt tổ chức triển khai thực hiện, giải ngân nguồn vốn thực hiện các Chương trình MTQG”- ĐB Thi đề nghị.
Nguyệt Hà