Để từng bước thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo giai đoạn 2021-2025, huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) đang đẩy mạnh thực hiện các mô hình giảm nghèo thông qua các dự án, tiểu dự án, từ đó tạo tiền đề giúp người dân vượt khó, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Lang Chánh là huyện miền núi nằm ở phía Tây tỉnh Thanh Hóa. Những năm qua, từ việc thực hiện nhiều chính sách đồng bộ, số hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của huyện đã giảm dần. Theo đó, đầu giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ hộ nghèo là 30,62%, giữa giai đoạn giảm chỉ còn 18,97% (tỷ lệ giảm bình quân 5,8%/năm); tỷ lệ hộ cận nghèo 37,48%, giữa giai đoạn giảm còn 32,07% (tỷ lệ giảm bình quân 2,7%/năm).
Để tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm khoảng 870 hộ nghèo trở lên (tỷ lệ giảm 7,46% trở lên) trong năm 2024, huyện Lang Chánh đã tập trung thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Thông qua các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, huyện xây dựng thành công nhiều mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình nuôi trâu bò sinh sản; nuôi dê lai, lợn nái sinh sản; trồng cây vầu, trồng bưởi da xanh, cây dược liệu...
Theo ông Đỗ Văn Cường- Phó Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh, công tác giảm nghèo được huyện coi là một trong những nhiệm vụ ưu tiên trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và được đưa vào Nghị quyết của các kỳ Đại hội Đảng bộ huyện. Cùng với đó, Bí thư Huyện ủy là Trưởng BCĐ các Chương trình MTQG giảm nghèo của huyện.
Đáng chú ý, hàng năm, huyện Lang Chánh còn chủ động ban hành các kế hoạch, chương trình thực hiện đảm bảo tính khả thi, sát với tình hình thực tiễn của địa phương và đối tượng thụ hưởng chính sách. Cụ thể, năm 2024, Chủ tịch UBND huyện ban hành các kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất; nâng cao năng lực, giám sát và đánh giá chương trình; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững.
Huyện cũng thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở các phòng chuyên môn phối hợp với các thành viên BCĐ thực hiện các Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức triển khai thực hiện Chương trình tại các đơn vị trên địa bàn huyện. Qua đó, nắm bắt được tình hình, nhất là những khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ, giải quyết.
Cũng theo ông Đỗ Văn Cường, từ nay đến cuối năm 2024, huyện Lang Chánh sẽ tổ chức triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án, chính sách giảm nghèo thường xuyên, tín dụng chính sách xã hội hỗ trợ giảm nghèo. Tăng cường công tác phối hợp các cơ quan, đơn vị và địa phương trong công tác giảm nghèo; quan tâm, thường xuyên cập nhật, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng tới cán bộ và nhân dân về các văn bản quy định chính sách hỗ trợ giảm nghèo, trong đó trọng tâm là chính sách tín dụng giảm nghèo để đảm bảo độ bao phủ, không bỏ sót chính sách và đối tượng thụ hưởng.
Đồng thời, huyện Lang Chánh còn kêu gọi thu hút đầu tư các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh tổng hợp, các dịch vụ thiết yếu phục vụ đời sống của người dân; nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, mô hình sinh kế, phát huy các sáng kiến giảm nghèo dựa vào cộng đồng; triển khai các mô hình hợp tác, liên kết giữa các hộ nghèo với DN trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm; đẩy mạnh đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo nghề và chủ động giải quyết việc làm, tăng thu nhập...
Ngoài ra, Lang Chánh cũng tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về giảm nghèo bằng nhiều hình thức phù hợp, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác giảm nghèo. Đặc biệt, huyện tạo điều kiện để chính người nghèo tham gia vào quá trình truyền thông, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân về giảm nghèo nhanh và bền vững, góp phần tạo sự đồng thuận, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo bền vững.
Nguyệt Hà