Để thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bền vững theo tiêu chuẩn mới, Hải Dương đã và đang tập trung hỗ trợ các địa phương xây dựng chương trình, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo…
Trao “cần câu” thay “xâu cá”
Năm 2016, xã Vạn Phúc (huyện Ninh Giang) có 1/4 số dân thuộc hộ nghèo và cận nghèo; thôn nào cũng có vài chục hộ nghèo, hộ cận nghèo. Nhớ lại những năm tháng nghèo khó, ông Phạm Văn Hùng (thôn 3) chia sẻ, ngày đó nhiều người nói Vạn Phúc “nghèo từ nhà ra ngõ”. Trong một xóm nhỏ, đi vài bước lại có một hộ nghèo hoặc cận nghèo; Vạn Phúc khi ấy là một xã thuần nông đúng nghĩa; thu nhập của người dân phụ thuộc chủ yếu vào 2 vụ lúa.
Người dân được tạo điều kiện mở nghề mới như làm bánh gai
Đồng trũng, nước trong, năng suất lúa không cao. Năm cấy được sào lúa không bị chết vì ngập úng thì lại bị chuột phá hoại gần hết; nhiều nhà còn phải gặt lúa non. Quanh năm bám ruộng, nhưng đời sống của người dân vẫn khó khăn vì năng suất lúa không cao, đầu ra bấp bênh. Năm 2016, sau 5 năm xây dựng nông thôn mới, Vạn Phúc mới đạt 9/19 tiêu chí. Những tiêu chí còn thiếu lại phụ thuộc rất nhiều vào tiềm lực kinh tế, nên chặng đường về đích nông thôn mới những năm đó ở Vạn Phúc rất khó khăn…
Từ một địa phương độc canh cây lúa, người dân chỉ biết bám ruộng, bám làng, thì giờ đây Vạn Phúc trở thành nơi thu hút nhiều DN về đầu tư sản xuất, kinh doanh. Không chỉ những DN lớn, mà nhiều DN vừa và nhỏ cũng tìm về đây xây dựng nhà máy. Nhiều người ở Vạn Phúc còn tìm hướng đi xuất khẩu lao động để gửi vốn về nhà hỗ trợ nhau thoát nghèo. Đặc biệt, kiên quyết thoát danh hiệu “nghèo nhất tỉnh”, Đảng bộ xã Vạn Phúc đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề về thoát nghèo, trong đó xác định phá thế thuần nông là cách tốt nhất để giúp người dân dần thoát nghèo, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Vì vậy, trong quá trình dồn điền, đổi thửa, xã đã quy hoạch riêng một khu để thu hút DN về đầu tư, phát triển tiểu thủ công nghiệp. Khi kéo được DN về làng, các thủ tục liên quan đến giải phóng mặt bằng được triển khai nhanh chóng. Cấp ủy, chính quyền xã giám sát chặt chẽ công tác giảm nghèo, nắm bắt nguyện vọng của từng hộ nghèo để có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Với phương châm “trao cần câu thay xâu cá”, Vạn Phúc quyết tâm giảm nghèo bền vững. Những hộ nghèo còn khả năng lao động được các đoàn thể trong xã hỗ trợ vay vốn chính sách với lãi suất thấp để mở nghề mới như: Nuôi gà, thả cá, làm bánh gai, mở cửa hàng kinh doanh dịch vụ…
Nhờ quyết tâm, Vạn Phúc đã thoát khỏi "danh hiệu" xã nghèo nhất tỉnh và còn là địa phương phát huy hiệu quả tiềm năng để xây dựng nông thôn mới. Năm 2023, xã chỉ còn 28 hộ nghèo, giảm 52 hộ so với năm 2022 và giảm 220 hộ nghèo theo tiêu chí mới so với năm 2016 (thời điểm xã nghèo nhất tỉnh). Tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 của Vạn Phúc chỉ còn 1,86% (giảm 0,06% so với năm 2022 và giảm hơn 15% so với thời điểm năm 2016). Thu nhập bình quân đầu người của Vạn Phúc đã đạt hơn 65 triệu đồng/năm, bằng mức thu nhập bình quân chung của huyện. 3 tháng đầu năm 2024, giá trị sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ-thương mại của Vạn Phúc đều tăng khá, riêng công nghiệp tăng hơn 3%; xã phấn đấu hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao trong năm nay.
Xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp
Năm 2024, Hải Dương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để giảm tỷ lệ hộ nghèo, tránh tái nghèo. Một trong những nội dung quan trọng được Hải Dương đặt ra là thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách giảm nghèo để cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho người dân, hạn chế tái nghèo, đặc biệt là ở khu vực nông thôn; tạo điều kiện cho người thuộc hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần thực hiện mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội.
Nhiều lao động trẻ ở Hải Dương làm việc trong các DN với thu nhập ổn định
Để giảm nghèo hiệu quả, tránh tái nghèo, Hải Dương cũng đặt rõ mục tiêu 80% số người nghèo có khả năng lao động được hỗ nâng cao năng lực sản xuất, tăng thu nhập. Các sở, ban, ngành liên quan có trách nhiệm hỗ trợ xây dựng các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp phù hợp điều kiện của từng hộ nghèo, địa phương; tạo điều kiện cho hộ nghèo được vay vốn đầu tư sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm; khảo sát, thống kê, dự báo nhu cầu học nghề; hỗ trợ đào tạo nghề và kết nối để người nghèo cơ cơ hội việc làm tốt ở trong nước cũng như nước ngoài…
Đáng chú ý, tại Kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh Hải Dương đã nêu rõ 8 mục tiêu cần đạt được đến năm 2025. Trong đó, tập trung vào các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo DTTS, hộ nghèo có công với cách mạng, trẻ em, phụ nữ thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Đồng thời, tỉnh còn đặt ra chỉ tiêu 100% hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách kịp thời.
Cùng với đó, hỗ trợ xây dựng, nhân rộng ít nhất 16 mô hình, dự án giảm nghèo, phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống dịch bệnh cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Đến năm 2025, Hải Dương giải quyết các chỉ tiêu về mức độ thiếu hụt các dịch vụ cơ bản như: 100% NLĐ trong độ tuổi thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu đều được hỗ trợ kết nối, tư vấn định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ việc làm.
Để huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo, Hải Dương thúc đẩy việc huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong nước và quốc tế cho công tác giảm nghèo bền vững thông qua các chương trình, phong trào, chính sách của Trung ương và của tỉnh; vốn đối ứng, tham gia, đóng góp của người dân, đối tượng thụ hưởng. Bên cạnh đó, thực hiện cơ chế lồng ghép nguồn lực thực hiện các Chương trình MTQG, việc thực hiện chính sách giảm nghèo, nguồn lực huy động từ cộng đồng, DN và người dân; vận động, khuyến khích các DN giúp đỡ các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao…
Nguyệt Hà