Thảo luận tại tổ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT chiều 24/10, các ĐBQH khẳng định sự cần thiết phải sửa đổi Luật, các nhóm đối tượng trong Dự thảo Luật… Tuy nhiên, Ban Soạn thảo đánh giá kỹ tác động quy định quỹ BHYT chi trả 100% chi phí cho người tham gia BHYT trên 5 năm.
Sửa đổi phù hợp thực tiễn
Trình bày Tờ trình của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thông tin, sau 15 năm triển khai thi hành, Luật BHYT đã thực sự đi vào cuộc sống với 93,3 triệu người (93,35% dân số) tham gia BHYT. Đồng thời, khẳng định tính đúng đắn, tính phù hợp của chính sách BHYT theo nguyên tắc chia sẻ rủi ro, bảo đảm nguồn tài chính cho nhu cầu KCB của Nhân dân.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã phát sinh những vướng mắc, bất cập cần được điều chỉnh như: Đối tượng tham gia BHYT; phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT; đăng ký KCB ban đầu, thông tuyến, chuyển tuyến; quản lý, sử dụng quỹ BHYT; phương thức thanh toán chi phí KCB BHYT, trách nhiệm các bên liên quan thực hiện chính sách BHYT. “Chính vì vậy, việc sửa đổi Luật để tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển BHYT toàn dân phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội của nước ta. Bảo đảm an sinh xã hội, quyền, lợi ích của người tham gia BHYT, cơ sở KCB, từng bước giảm tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của người tham gia BHYT; quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT. Đặc biệt, khắc phục được các tồn tại, vướng mắc mang tính cấp bách; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan về BHYT mà Việt Nam là thành viên”- Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định.
Cũng theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung Luật BHYT gồm 40 điều về đối tượng tham gia BHYT, trách nhiệm đóng, quyền lợi, phạm vi hưởng, tổ chức KCB BHYT, quản lý quỹ và một số quy định kỹ thuật. Dự thảo Luật thể hiện đầy đủ theo 4 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua, trình Ủy ban TVQH gồm: Điều chỉnh đối tượng tham gia BHYT đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan; điều chỉnh phạm vi quyền lợi BHYT phù hợp với mức đóng, cân đối quỹ BHYT và yêu cầu chăm sóc sức khỏe trong từng giai đoạn; điều chỉnh các quy định BHYT có liên quan theo cấp chuyên môn kỹ thuật KCB và phát huy vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và KCB BHYT; phân bổ sử dụng quỹ BHYT hiệu quả.
“Đặc biệt, dự án Luật tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định cần thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan, khắc phục các bất cập của luật hiện hành có tính cấp bách, có đầy đủ thông tin, dữ liệu, đạt được sự đồng thuận, trong đó có các quy định về chuyển từ 4 tuyến KCB sang 3 cấp chuyên môn kỹ thuật để kịp thời có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh”- bà Lan khẳng định.
Thảo luận tại Tổ 7 (Thừa Thiên Huế, Thái Nguyên, Đồng Nai) về Dự án Luật, ĐB Nguyễn Công Hoàng (Thái Nguyên) khẳng định, việc sửa đổi Luật BHYT hiện nay hết sức cần thiết. Bởi qua các kỳ tiếp xúc cử tri, vấn đề nóng nhất luôn là y tế, trong y tế thì vấn đề BHYT được cử tri quan tâm. Các vấn đề đưa vào sửa lần này tương đối sát, khắc phục khó khăn trong lĩnh vực BHYT.
Về hình thức tham gia BHYT bắt buộc là đúng, các nước trên thế giới 100% người dân có thẻ BHYT, thực chất BHYT lấy số lượng người đông tham gia để bù cho người không may mắc bệnh- sẽ không bao giờ có chuyện người không có tiền trốn viện vì không có tiền trả viện phí. Người khó khăn không phải chỉ miền núi mà ngay thành phố cũng rất nhiều người nên đối tượng này vào nhóm hỗ trợ BHYT là rất cần thiết. “Về đối tượng tham gia BHYT có 5 nhóm, trong đó nhóm thứ 5 gồm: Người dân tộc sinh sống vùng khó khăn, đề nghị làm rõ thế nào là vùng khó khăn. Trước đây chúng ta có vùng sâu xa cố gắng lên nông thôn mới (NTM), khi lên được NTM thì người dân mất thẻ BHYT và người DTTS cũng trao đổi không biết được cái gì không nhưng trước hết mất BHYT. Chính vì vậy, hằng năm BHXH Việt Nam, mạnh thường quân mua BHYT tặng để xã đó giữ tỉ lệ đóng BHYT trên 70%”- ĐB Hoàng phân tích.
Đồng tình với việc tham gia BHYT theo hộ gia đình được giảm tỷ lệ cho người thứ 2, 3… Tuy nhiên, dự thảo Luật quy định quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí KCB cho những người tham gia BHYT trên 5 năm cần xem lại. “Câu chuyện trục lợi quỹ BHYT là có, hiện có một số phòng khám đón người quen đến KCB để trục lợi. Do đó, việc cùng chi trả nhằm tránh trục lợi quỹ BHYT, dù chỉ cùng chi trả 10% thì người đi khám bệnh sẽ đúng và thực chất hơn. Vì vậy, hạn chế thanh toán 100%, trừ đối tượng đặc biệt (chính sách, người trên 80 tuổi)”- ĐB Hoàng nhấn mạnh.
Đề nghị nâng mức hỗ trợ đóng BHYT cho HSSV
Thống nhất Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, ĐB Bùi Đình Thống (Đồng Nai) đề nghị, tại điểm d khoản 6 Điều 13 quy định trường hợp đối tượng tham gia BHYT thuộc nhiều nhóm đối tượng thì được lựa chọn đối tượng đóng BHYT phù hợp. Ngay cả BHXH tỉnh là đối tượng HSSV. Cử tri đề nghị đóng theo hộ gia đình nhưng nếu theo hộ gia đình thì đối tượng thứ 3, 4 là 60-50. Trong gia đình thì nếu 2 con thì được hỗ trợ chưa đầy 50%, phần này ngay cả BHXH cũng kiến nghị riêng với HSSV, nhà nước nên nâng mức hỗ trợ từ 30 lên 50%- không phải điều chỉnh và theo dõi danh sách hộ gia đình và thuận lợi trong việc quản lý đối tượng HSSV cũng như trích phần kinh phí HSSV tham gia BHYT cho y tế trường học.
ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc)
Cũng liên quan đến quy định này, ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đề nghị không bổ sung điểm d vào Dự thảo Luật bởi thực tế cho thấy, tại tỉnh Vĩnh Phúc, số HSSV đóng BHYT đạt rất cao (khoảng 98,2%). Đây là nhóm đối tượng tham gia có độ bền vững và tính ổn định cao. Tuy nhiên, nhóm tham gia BHYT theo hộ gia định lại có tâm lý tự đóng nên có những hộ gia đình khi nào thấy thực sự cần thiết hoặc khi bị ốm đau, bệnh tật mới tham gia BHYT. Vì vậy, khi được lựa chọn sẽ dẫn đến nhiều hộ gia đình chủ quan, không tham gia đóng BHYT cho con. “Nâng mức hỗ trợ cho HSSV khi tham gia BHYT nhằm giảm bớt khó khăn cho HSSV và gia đình. Hiện tại, mức hỗ trợ cho HSSV là 30%, Nhà nước nâng mức hỗ trợ lên 60% tương ứng với mức hỗ trợ cao nhất của đối tượng BHYT hộ gia đình”- ĐB Tiến đề nghị.
Tham gia thảo luận về Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, ĐB Quàng Thị Nguyệt- Điện Biên cho biết, nhóm đối tượng tham gia quy định tại khoản 4 Điều 12 gồm các đối tượng được NSNN hỗ trợ mức đóng, trong đó có đối tượng HSSV được NSNN hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng BHYT. “Thời gian vừa qua, đối tượng HSSV tham gia BHYT năm sau cao hơn năm trước, tỷ lệ bao phủ BHYT HSSV đạt từ 95%- 97% so tổng số HSSV (Điện Biên đạt 97,62%). Bên cạnh đó, việc phối hợp trong tổ chức thực hiện giữa cơ quan BHXH với các sở, ngành, cơ sở giáo dục trên địa bàn thuận lợi, việc quản lý đối tượng HSSV tham gia BHYT được đánh giá chặt chẽ.
“Như vậy, việc quy định đối tượng HSSV được tự lựa chọn tham gia BHYT theo hộ gia đình sẽ dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện như: Việc đùn đẩy trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong công tác lập danh sách và quản lý đối tượng; việc trích kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhà trường không chính xác; HSSV cớ tham gia theo hộ gia đình để trốn tránh tham gia BHYT HSSV vào đầu năm học, đồng thời khó khăn trong quản lý và đánh giá tỷ lệ bao phủ BHYT tại trường học. Do vậy, đề nghị Bộ Y tế giữ nguyên như quy định Luật BHYT hiện hành (HSSV tham gia theo đối tượng được NSNN hỗ trợ mức đóng). Đối với việc tham gia BHYT theo hộ gia đình từ người thứ 3 trở đi, số tiền người tham gia đóng sẽ thấp hơn đóng theo HSSV. Vì vậy, để giải quyết bất cập trên, đề xuất nâng mức hỗ trợ đóng BHYT cho nhóm HSSV tối thiểu là 50% mức đóng”- ĐB Nguyệt đề nghị.
V.Thu