Lừa đảo cho vay "tín dụng đen" qua mạng xã hội là một trong 3 thủ đoạn lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng Việt Nam vừa được Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) cảnh báo tới người dân.
Tính đến hết tháng 9/2024, số địa chỉ website giả mạo cơ quan, tổ chức để lừa đảo được Cục An toàn thông tin ghi nhận đã lên tới 125.338. Việc các trang web giả mạo này được đối tượng tạo lập và sử dụng để lừa đảo không những gây thiệt hại cho các nạn nhân, mà còn ảnh hưởng lớn đến uy tín, thương hiệu của những cơ quan, tổ chức bị giả mạo.
Ảnh minh họa
Số liệu của Cục An toàn thông tin cũng cho hay, trong 9 tháng đầu năm 2024, hệ thống kỹ thuật của đơn vị đã tiếp nhận hơn 22.200 phản ánh của người dùng Internet Việt Nam về các trường hợp lừa đảo trực tuyến. Bên cạnh các biện pháp kỹ thuật, Bộ TT-TT xác định, việc phổ biến, nâng cao nhận thức, giúp cho đông đảo người dân được trang bị những kỹ năng phòng chống lừa đảo trực tuyến từ cơ bản tới nâng cao là biện pháp hàng đầu.
Với nhận thức đó, chuỗi nội dung "Điểm tin tuần" về lừa đảo trực tuyến đã được Cục An toàn thông tin duy trì liên tục trong gần 1 năm qua. Dưới đây là 3 thông tin nổi bật về lừa đảo trên không gian mạng Việt Nam trong tuần từ ngày 7/10 đến 13/10:
Cảnh báo lừa đảo huy động vốn đa cấp trái phép
Theo Cục An toàn thông tin, Công an tỉnh Phú Yên đã có cảnh báo về tội phạm có dấu hiệu lừa đảo kinh tế bằng hình thức huy động vốn đa cấp trái phép, qua việc mua cổ phiếu, đầu tư tài chính, tiền ảo, tiền điện tử của Skyway.
Theo đó, Skyway được giới thiệu là một tập đoàn thực hiện các dự án công nghệ vận tải trên không, thành lập ở Belarus, hoạt động theo hình thức huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân thông qua hình thức mua các gói cổ phần.
Skyway có trụ sở đặt tại nước ngoài, có văn phòng tại Việt Nam nhưng chưa được Bộ Công Thương cấp phép hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp và có dấu hiệu vi phạm pháp luật Việt Nam, từ việc giới thiệu thêm thành viên vào hệ thống, càng giới thiệu được nhiều thành viên sẽ càng nhận được nhiều hoa hồng.
Khuyến cáo người dân cẩn trọng trước các lời mời đầu tư, huy động vốn với lãi suất cao bất thường so với thị trường, Cục An toàn thông tin cũng lưu ý người dân cần chủ động kiểm tra tính pháp lý của công ty trước khi tham gia, bao gồm giấy phép hoạt động và các thông tin liên quan.
Trước khi tham gia đầu tư, người dân nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia uy tín. Trong trường hợp nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, người dân cần ngay lập tức báo cáo cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.
Nhiều người dân sập bẫy cho vay "tín dụng đen" qua mạng
Thời gian gần đây, nắm bắt tâm lý nhiều người dân có nhu cầu vay tiền online để phục vụ cuộc sống, các đối tượng đã giả danh cán bộ ngân hàng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Với quảng cáo thủ tục thuận tiện, giải ngân nhanh trên mạng xã hội, nhiều người dân đã sập bẫy của các đối tượng lừa đảo. Đơn cử như, gần đây, một phụ nữ sống tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã bị đối tượng lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 400 triệu đồng, khi người này tìm vay tiền qua mạng xã hội.
Phân tích của Cục An toàn thông tin cho hay, thủ đoạn chung của các đối tượng lừa đảo cho vay tín dụng đen trên mạng là mạo danh nhân viên của các công ty tài chính, ngân hàng lớn để tạo lòng tin, sau đó yêu cầu người vay chuyển khoản đặt cọc hoặc trả trước một khoản tiền nhất định.
Đối tượng lừa đảo dẫn dụ người dân bằng cách hứa hẹn khoản vay nhanh, không cần chứng minh tài sản, không kiểm tra tín dụng và thủ tục đơn giản. Tuy nhiên, sau khi người vay đăng ký, họ được yêu cầu phải trả trước các khoản phí dịch vụ, phí hồ sơ và bị chiếm đoạt.
Các đối tượng lừa đảo còn có thể yêu cầu người dùng tải ứng dụng cho vay tiền trực tuyến giả mạo được phát triển để đánh cắp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng, thậm chí là thông tin thẻ tín dụng. Sau khi điền đủ thông tin, người vay không những không nhận được tiền vay, mà còn bị đánh cắp các thông tin quan trọng.
Ngoài ra, một số dịch vụ cho vay online ban đầu hứa hẹn lãi suất thấp, nhưng khi giải ngân thì các điều khoản thay đổi, lãi suất tăng cao bất ngờ, kèm theo các loại phí phạt vô lý. Sau khi người vay không thể trả nợ, các đối tượng lừa đảo sẽ đe dọa, khủng bố tinh thần bằng cách gọi điện liên tục, nhắn tin đe dọa, thậm chí bôi nhọ danh dự của người vay trên mạng xã hội.
Cục An toàn thông tin đề nghị người dân cảnh giác trước những quảng cáo cho vay tiền không thế chấp tràn lan trên mạng xã hội; chỉ nên vay tiền từ các tổ chức tài chính, ngân hàng có uy tín và đã được cấp phép hoạt động; đặc biệt là không truy cập, tải các ứng dụng, website cho vay không rõ nguồn gốc.
Trước khi sử dụng bất kỳ dịch vụ cho vay online nào, người dùng cần tìm hiểu kỹ thông tin về công ty, đánh giá từ người dùng khác và kiểm tra trên các website chính thống; không làm theo hướng dẫn, không thực hiện giao dịch chuyển tiền cho đối tượng lạ; không chia sẻ các thông tin nhạy cảm như số tài khoản ngân hàng, mã OTP, mật khẩu.
CNTT