Năm 2024, BHXH quận Ba Đình (Hà Nội) được giao thu tăng hơn nhiều so với những năm trước. Song, với quyết tâm “biến áp lực thành động lực”, BHXH quận đã và đang phát huy sức mạnh tổng hợp, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhằm thực hiện tốt công tác BHXH, BHYT, qua đó đảm bảo an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn.
Theo ông Lê Thành Long- Giám đốc BHXH quận Ba Đình, lường trước những khó khăn, thách thức, nên ngay từ đầu năm 2024, Ban Giám đốc và tập thể CBVC BHXH quận đã thống nhất, quyết tâm cao “chỉ bàn làm, không bàn lùi”. BHXH quận cũng luôn chủ động, tích cực tham mưu cho UBND quận ban hành 11 kế hoạch, công văn lãnh đạo, chỉ đạo về thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Qua đó cho thấy, công tác BHXH, BHYT đã không còn của riêng ngành BHXH, mà thu hút sự vào cuộc của nhiều phòng, ban liên quan và UBND các phường trên địa bàn.
Đáng chú ý, Quy chế phối hợp liên ngành số 200 (bao gồm các ngành: Công an, LĐLĐ, Phòng LĐ-TB&XH, Phòng Y tế, Thanh tra, Chi cục Thuế và BHXH quận) đã trở thành công cụ sắc bén giúp các thành viên BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT quận triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, góp phần bảo đảm quyền lợi của NLĐ và người dân.
Thực hiện Quy chế phối hợp này, BHXH quận và các phòng, ban, đơn vị liên quan đã thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin, dữ liệu về DN và NLĐ để nâng cao hiệu quả quản lý người tham gia BHXH, BHYT. Đồng thời, phối hợp xác nhận việc chấp hành chính sách, pháp luật BHXH, BHYT của đơn vị, DN trước khi bình xét khen thưởng. Cùng với đó, tiến hành nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra những đơn vị, DN chưa chấp hành tốt pháp luật BHXH, BHYT.
Theo thống kê của BHXH quận Ba Đình, từ đầu năm đến nay, toàn quận đã tổ chức được 141 cuộc thanh tra, kiểm tra, trong đó có 135 đơn vị thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và 6 đơn vị thanh tra, kiểm tra đột xuất. Sau thanh tra, kiểm tra, các đơn vị đã nộp khắc phục được 6,622 tỷ đồng (đạt 96%); qua đó giúp cơ quan BHXH có căn cứ giải quyết các chế độ cho nhiều NLĐ.
Từ những cách làm trên, tính đến tháng 10/2024, quận Ba Đình đã thu được 4.009 tỷ đồng (tăng 445 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023, đạt 71% kế hoạch năm). Song, vẫn còn 5.144 đơn vị chậm đóng với 368,2 tỷ đồng (chiếm 6,52% số phải thu, giảm 0,31% so với cùng kỳ); số tiền chậm đóng BHXH phải tính lãi là 119,5 tỷ đồng (chiếm 2,12%), trong khi kế hoạch BHXH Thành phố giao năm 2024 là 1,63%.
Để đẩy nhanh tiến độ thu và giảm tỷ lệ chậm đóng BHXH, BHYT, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu năm 2024, mới đây, ngày 24/10/2024, BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT quận Ba Đình đã tổ chức Hội nghị làm việc với gần 100 đơn vị, DN chậm đóng hoặc đóng BHXH, BHYT chưa đầy đủ. Các DN đã trao đổi những thuận lợi, khó khăn trong quá trình sản xuất, kinh doanh và kiến nghị, đề xuất được hỗ trợ, hướng dẫn để thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT...
“Hiện trên địa bàn quận Ba Đình vẫn còn nhiều DN chậm đóng BHXH, nguyên nhân chính là do ý thức chấp hành pháp luật lao động, BHXH, BHYT của nhiều chủ SDLĐ chưa nghiêm. Tình trạng nợ khó đòi, nợ kéo dài ở một số loại hình DN vẫn chiếm tỷ trọng cao, cho thấy nhiều chủ SDLĐ vẫn chưa tuân thủ pháp luật, chây ỳ, trốn đóng BHXH. Mặt khác, nhiều DN, hộ kinh doanh cá thể thay đổi địa chỉ kinh doanh và số điện thoại giao dịch… khiến cơ quan chức năng khó cập nhật, nắm bắt và thực hiện công tác tuyên truyền, vận động"- ông Lê Thành Long chia sẻ.
Do đó, theo ông Lê Thành Long, BHXH quận Ba Đình sẽ cùng các đơn vị, tổ chức, thành viên BCĐ quận tập trung các biện pháp phù hợp như: Tăng cường đôn đốc thu hồi chậm đóng BHXH, BHYT; chống thất thu, khắc phục tình trạng chậm đóng; tăng cường kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện đóng BHXH, BHYT cho NLĐ; xử lý nghiêm theo pháp luật đối với hành vi trốn đóng, chậm đóng BHXH, BHYT.
Châu Anh