Chỉ sau 2 ngày ra quân cao điểm và một cuộc ra quân "tổng lực" vào sáng ngày 26/10 thực hiện tư vấn, hướng dẫn người nhận lương hưu và trợ cấp BHXH chuyển đổi sang hình thức chi trả qua tài khoản cá nhân, xã Võ Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) đã đạt tỷ lệ 100% người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH được chi trả qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Chia sẻ niềm vui trước “thắng lợi” này, ông Nguyễn Quang Thuận -Giám đốc BHXH huyện Quảng Ninh cho biết: Thành công bước đầu này là cơ sở để BHXH huyện Quảng Ninh nhân rộng mô hình xã nông thôn có 100% người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH được chi trả qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt...
Theo danh danh sách chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 11/2024, huyện Quảng Ninh có 3.365 người hưởng qua tài khoản ngân hàng trên tổng số 4.807 người hưởng toàn huyện, đạt tỷ lệ 70%. Đây là con số khá khả quan khi so với mặt bằng chung của toàn tỉnh, đặc biệt là so với chính huyện Quảng Ninh trước đó. Theo đó, tính đến kỳ chi trả tháng 9/2024, sau hơn 3 tháng triển khai chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, của tỉnh về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, toàn huyện Quảng Ninh mới có 839 người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng được chi trả qua tài khoản ngân hàng trong tổng số 4.788 người hưởng toàn huyện, đạt tỷ lệ 17,52% (thấp nhất so với các huyện, thị xã, thành phố và thấp hơn nhiều so bình quân chung 33% của toàn tỉnh ở thời điểm đó).
Với quyết tâm đẩy mạnh thực hiện chi trả không dùng tiền mặt đối với người hưởng lương và trợ cấp BHXH, huyện Quảng Ninh đã chỉ đạo các ngành, đơn vị, chính quyền địa phương triển khai nhiều giải pháp để vận động người dân thực hiện “chuyển đổi số” bắt đầu từ tiện ích cho chính bản thân mình này. Trong suốt thời gian qua, BHXH huyện Quảng Ninh đã phối hợp với Công an huyện, Bưu điện, UBND các xã, thị trấn và các ngân hàng, quỹ tín dụng trên địa bàn huyện tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, vận động chi trả không dùng tiền mặt đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH tại các điểm chi trả. Đặc biệt, chỉ trong 2 ngày (06- 07/10/2024) ra quân phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng cốt cán này, huyện Quảng Ninh đã tăng thêm hơn 50% người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản cá nhân so với tỷ lệ trước khi ra quân tuyên truyền, vận động; vượt tỷ lệ bình quân chung của toàn tỉnh và toàn quốc... Một số địa bàn xã có tỷ lệ người hưởng đăng ký đạt trên 90% như: Võ Ninh, Lương Ninh...
“Việc chi trả không dùng tiền mặt tạo thuận lợi cho người dân được chủ động về thời gian, địa điểm rút tiền; bảo đảm chi trả kịp thời, đúng người hưởng, đúng số tiền; thời gian chi trả sớm hơn so với người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng tại điểm chi trả trực tiếp; được nhận tiền lãi ngân hàng khi chưa rút hết tiền lương hưu, trợ cấp BHXH trong tài khoản… Tuy nhiên, với nhiều người dân sống ở vùng nông thôn ngoài tâm lý “ưng” dùng tiền mặt, thì bản thân họ vẫn chưa hiểu hết những tiện ích mà việc sử dụng tài khoản cá nhân mang lại. Chính vì thế, chúng tôi xác định sẽ cần sự tư vấn, tuyền truyền sâu sát hơn nữa đến từng cá nhân, đặc biệt là xây dựng một mô hình điểm về “xã nông thôn có 100% người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH được chi trả qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt”, làm động lực để lan tỏa hình mẫu tích cực, tương tự như đã thành công với mô hình xã có 100% người dân tham gia BHYT đã thực hiện thành công trên địa bàn thời gian qua…”, ông Thuận chia sẻ.
Với địa bàn được lựa chọn là xã Võ Ninh, một yếu tố tích cực đảm bảo cho sự thành công là sự năng nổ vào cuộc của chính quyền địa phương. Khẳng định quyết tâm ủng hộ đề xuất này từ BHXH huyện Quảng Ninh, ông Nguyễn Duy Tiễn- Chủ tịch UBND xã Võ Ninh chia sẻ: “Thực hiện chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt là một phần nhiệm vụ chuyển đổi số mà Chính phủ đang triển khai. Do đó, chúng tôi xác định vào cuộc cùng cơ quan BHXH vận động người dân thực hiện chủ trương này cũng là một nhiệm vụ chính trị cần thực hiện, đảm bảo hiện thực hóa chủ trương “lấy người dân làm trung tâm phục vụ”. Chuyển đổi phương thức nhận tiền chi trả xuất phát từ sự tự nguyện của người dân, nhưng bất kỳ một thay đổi nào cũng cần có tạo sự chuyển biến trong nhận thức người dân, sẵn sàng tiếp nhận cái mới…”.
Sau 2 ngày ra quân đầu tháng 10/2024 (ngày 6- 7/10), Võ Ninh đã vận động được 311 trong tổng số 340 người hiện còn đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH bằng tiền mặt sang đăng ký chi trả qua tài khoản ngân hàng, tỷ lệ vận động trong đợt cao điểm ra quân đạt 91,47%. Với quyết tâm trở thành xã đầu tiên trên địa bàn tỉnh có 100% người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH được chi trả qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, sáng ngày 26/10, UBND xã Võ Ninh phối hợp với BHXH huyện và Ngân hàng NN và PTNT huyện mở chiến dịch ra quân, chia thành nhóm nhỏ đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người thuộc danh sách 29 người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH bằng tiền mặt chuyển đổi hình thức chi trả sang phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Kết quả ngay trong sáng ra quân, đã có 29/29 người được vận động vui vẻ, đồng thuận đăng ký chi trả qua tài khoản ngân hàng, nâng tổng số người hưởng BHXH được chi trả qua tài khoản ngân hàng của xã lên 401 người, đạt tỷ lệ 100%.
Tham gia trực tiếp đến từng hộ dân để tư vấn, vận động chuyển đổi, chị Phạm Thị Diệu Hằng- công chức văn hóa xã hội xã Võ Ninh chia sẻ: “Từ trước khi thực hiện đợt vận động này, UBND xã Võ Ninh đã phân công cán bộ, công chức xã, thậm chí cả lãnh đạo xã cũng thực hiện tuyên truyền, tư vấn đến từng hộ gia đình về tiện ích của chi trả không dùng tiền mặt. Thực tế rằng, với những thông tin được chia sẻ trực tiếp, cùng uy tín của chính quyền địa phương, có nhiều người còn rất băn khoăn về khó khăn như tuổi cao, sức khỏe kém, ngại sử dụng công nghệ mới… nhưng đã được thuyết phục hoàn toàn, vui vẻ chuyển đổi sang hình thức nhận tiền mới. Trong đợt ra quân, nhân viên ngân hàng cũng tham gia nhóm tuyền truyền sẵn sàng đến tận nhà hỗ trợ họ lập tài khoản cá nhân…”
Trong năm 2024, huyện Quảng Ninh đề ra mục tiêu: tỷ lệ người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản cá nhân trên địa bàn toàn huyện đạt trên 90% và duy trì tăng trưởng trong các năm tiếp theo. Kinh nghiệm triển khai thành công trên địa bàn một xã nông thôn- vốn khó khăn hơn khu vực thành thị sẽ là động lực để huyện Quảng Ninh sớm đạt mục tiêu này…
Thái An