Nhờ công nghệ AI, các thiết bị điện tử dưỡng lão được tăng cường mạnh mẽ các đặc tính về tương tác, nhanh gọn, tiện lợi và độ chính xác, giúp dịch vụ dưỡng lão ở Trung Quốc được cung cấp tốt hơn.
"Tiểu Lệ, hãy phát một đoạn trong vở Triều Dương Câu"- bà Tống Lệ Hà, cư dân thành phố Thạch Gia Trang thuộc tỉnh Hà Bắc vừa dứt tiếng yêu cầu, tiếng nhạc kịch trong phòng lập tức vang lên. Từ khi có Tiểu Lệ trong nhà, cuộc sống của người phụ nữ 68 tuổi này trở nên thú vị hơn. "Trước đây muốn tìm một vở kịch trên mạng, mất nửa ngày cũng không tìm được kết quả như ý muốn. Hiện giờ chỉ cần gọi một tiếng Tiểu Lệ thì muốn xem gì đều gần như được đáp ứng hết".
Bà Tống cho biết, Tiểu Lệ là một màn hình điện tử thông minh. Thông qua chức năng nhận biết giọng nói, thiết bị này sẽ giúp "chủ nhân" gọi diện thoại, xem tivi, đọc tin tức, tìm kiếm thông tin. "Tiểu Lệ còn là trợ lý sức khỏe của tôi. Có lần tôi hỏi làm thế nào lên kế hoạch ăn uống thường ngày cho người mắc bệnh đường huyết cao, Tiểu Lệ lập tức đưa ra 3 đề xuất. Tôi đã trao đổi lại với bác sĩ, bác sĩ trả lời: Hết sức tin cậy", bà kể thêm.
Bà Tống nói rằng phương thức thao tác đối thoại trực tiếp với thiết bị điện tử như vậy đã giúp những người như bà thoát khỏi các chức năng phức tạp trong điện thoại di động. Nhờ sự hỗ trợ của công nghệ AI, các thiết bị điện tử dưỡng lão được tăng cường mạnh mẽ để cung cấp dịch vụ tốt hơn.
Trước đây, người dùng phải chủ động thao tác nếu muốn tìm kiếm và sử dụng dịch vụ, còn bây giờ các thiết bị thông minh trong nhà có thể đáp ứng yêu cầu kiểu "biết trước", theo bà Vương Văn Ba, 65 tuổi, đang sống ở Bắc Kinh.
Trong thời gian qua, với sự hỗ trợ của công nghệ AI, các sản phẩm mới trong lĩnh vực dưỡng lão thông minh liên tục được tung ra thị trường: các thiết bị như nhấn để nói, máy cảm biến khói... cũng cung cấp cho người cao tuổi các dịch vụ theo dõi sức khỏe, tự động cảnh báo theo thời gian thực. Các sản phẩm tuyến đầu như robot hộ lý, robot dọn nhà cũng liên tục ra mắt, cùng với các salon nâng hạ thông minh, giày định vị chống đi lạc, túi khí chống ngã... giúp người cao tuổi được chăm sóc toàn diện hơn.
Đối với không ít người cao tuổi, "AI + Dưỡng lão" không những khiến các thao tác đơn giản hơn, sinh hoạt tiện lợi hơn, mà còn cung cấp chức năng giao lưu và chăm sóc về mặt tình cảm.
"Vân Vân, thấy ta hôm nay mặc chiếc váy này thế nào?",- "Rất đẹp! Mỗi tội hơi mỏng, bên ngoài trời âm u, tốt nhất nên mang theo áo khoác", đó là cuộc trò chuyện giữa bà Vương Tiệp ở thành phố Trịnh Châu với robot giúp việc. Chức năng chính của robot này là chăm sóc thông minh. Khi đi ra ngoài, Vân Vân sẽ nhắc nhở bà Vương Tiệp mang theo bên người đồ dùng cần thiết, còn khi nấu ăn, Vân Vân sẽ phát video về thực đơn và cách chế biến món ăn trên màn hình điện tử.
Điều khiến bà Vương Tiệp càng hài lòng hơn chính là nó có thể nói chuyện cùng. "Trí nhớ của Vân Vân hết sức mạnh mẽ, đều ghi nhớ mỗi câu nói của tôi, nói chuyện rất hợp. Bình thường con gái bận đi làm, tôi ở nhà một mình khó tránh khỏi cô đơn; hiện giờ robot giúp việc này như người thật ở bên tôi, cuộc sống thú vị hơn nhiều", bà chia sẻ. "Tôi nghĩ trong tương lai, mỗi một người già đều nên có một robot ở bên mình, khi đi chợ mua rau có thể giúp xách rau, khi đi khám bệnh thì giúp xếp hàng, khi đi du lịch thì giúp đeo ba lô…".
Hiện nay, một số cơ sở dưỡng lão ở Trung Quốc đã trang bị robot chăm sóc, với chức năng chính là đánh cờ, ca hát và giao lưu thường ngày với người cao tuổi.
Số liệu cho thấy, năm 2023, quy mô thị trường đồ dùng cho người cao tuổi Trung Quốc đã lên đến 5.000 tỷ nhân dân tệ. Chuyên gia dự báo, trong 10 năm tới, công nghệ AI sẽ tăng tốc thâm nhập vào lĩnh vực dưỡng lão, tập trung vào các phương diện như nhà ở thông minh, thiết bị có thể mang trên người, robot..., đồng thời hội nhập với các công nghệ tiên tiến như 5G, học sâu, dữ liệu lớn, điện toán đám mây... để đảm đương các dịch vụ có độ chính xác cao, nâng cao tương tác giữa người và robot thông minh, vận hành và bảo trì an toàn, đáng tin cậy.
Hoàng Dương