Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ngày 18/10, thông báo kho dự trữ vắc xin uống phòng ngừa dịch tả toàn cầu đã cạn kiệt, khiến cho nỗ lực kiểm soát sự lây lan của căn bệnh này rơi vào tình thế nguy hiểm.
WHO cho biết, công tác sản xuất vắc xin đang được tiến hành hết công suất nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu.
"Tính đến ngày 14/10, kho dự trữ toàn cầu vắc xin uống phòng ngừa dịch tả đã cạn kiệt, không còn liều nào có sẵn. Mặc dù dự kiến sẽ có thêm vắc xin trong vài tuần tới nhưng tình trạng thiếu hụt đang đặt ra thách thức lớn cho các nỗ lực ứng phó với dịch bệnh và cản trở công tác kiểm soát sự lây lan của căn bệnh này", WHO phản ánh trong bản báo cáo được công bố hàng tháng.
Trong khoảng thời gian từ ngày 1/9 đến 14/10, Nhóm Điều phối quốc tế cung cấp vắc xin đã nhận được yêu cầu từ các quốc gia Bangladesh, Sudan, Niger, Ethiopia và Myanmar với tổng số 8,4 triệu liều vắc xin. Tuy nhiên, do nguồn cung hạn chế, chỉ có 7,6 triệu liều được gửi đi.
Theo Tổ chức Bác sỹ không biên giới (MSF), hiện năng lực sản xuất đạt 700.000 liều vắc xin mỗi tuần nhưng nhu cầu thực tế lớn gấp 4 lần.
Trong báo cáo, WHO cho biết thêm, riêng trong năm 2024, thế giới đã ghi nhận 439.724 người mắc dịch tả và có 3.432 ca tử vong tính đến ngày 29/9. Mặc dù số người nhiễm bệnh giảm 16% so với năm ngoái nhưng số trường hợp không qua khỏi đã tăng vọt 126%, khiến cơ quan y tế toàn cầu này vô cùng lo ngại. Sự gia tăng tỷ lệ tử vong có thể là do những đợt bùng phát dịch xảy ra ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột và thiên tai, nơi việc tiếp cận dịch vụ y tế rất khó khăn.
Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc (OCHA) chỉ ra sự gia tăng tần suất, số lượng và phạm vi bùng phát dịch tả tại miền nam châu Phi trở nên trầm trọng hơn một phần do tác động của tình trạng biến đổi khí hậu, làm giảm khả năng tiếp cận nước sạch và vệ sinh, đồng thời kéo theo việc di dân. Còn theo nhà dịch tễ học Yap Boum, người đứng đầu Viện Pasteur Bangui, một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận ở Cộng hòa Trung Phi, có rất nhiều lý do khiến dịch tả đồng thời bùng phát ở khu vực này. "Dịch tả là dấu hiệu của sự bất bình đẳng, chủ yếu ảnh hưởng đến các quốc gia có xung đột, mất an ninh và nghèo đói", ông nói.
Kể từ báo cáo tháng trước, các đợt dịch tả mới đã bùng phát tại Niger với 705 ca mắc và 17 ca tử vong, và Thái Lan với 5 ca mắc nhưng không có ca tử vong, nâng tổng số quốc gia bị ảnh hưởng trong năm 2024 lên 30. Chỉ trong tháng 9, 47.234 ca mới được báo cáo từ 14 quốc gia. Trong tháng 10, Liban, đất nước đang hứng chịu xung đột, ghi nhận ca nhiễm dịch tả đầu tiên, và WHO cảnh báo nguy cơ lây lan tại đây rất cao do điều kiện vệ sinh ngày càng tồi tệ, đặc biệt trong các cộng đồng người dân phải di tản.
Dịch tả là một bệnh nhiễm trùng cấp tính ở ruột non, lây lan qua thực phẩm và nước bị ô nhiễm bởi vi khuẩn vibrio cholerae, thường xuất phát từ phân người. Bệnh gây tiêu chảy nghiêm trọng, nôn mửa và co thắt cơ, có thể gây tử vong trong vài giờ nếu không được điều trị. Tuy nhiên, bệnh có thể được chữa trị bằng các biện pháp đơn giản như bù nước qua đường uống và sử dụng kháng sinh trong những trường hợp nghiêm trọng.
Hồi tháng 4 năm nay, Liên minh toàn cầu về vắc xin Gavi và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cho biết công ty EuBiologics của Hàn Quốc hiện là nhà cung cấp duy nhất vắc xin uống phòng ngừa dịch tả cho kho dự trữ toàn cầu. Mặc dù các nhà sản xuất khác dự kiến sẽ cung cấp sản phẩm trong vài năm tới, nhưng tình hình hiện tại vẫn rất căng thẳng và đòi hỏi sự tăng cường sản xuất khẩn cấp để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.
Ngọc Tuấn